Nhiều kẽ hở dẫn đến rủi ro
Tại tọa đàm này, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, hiện vốn huy động qua thị trường chứng khoán gồm cả cổ phiếu và TPDN chiếm khoảng 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế, trong đó TPDN chiếm khoảng 22,7%.
Dù thị trường TPDN vẫn còn nhiều dư địa phát triển để cung cấp vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh nhìn nhận vai trò của TPDN, cần bắt đúng “bệnh” của sản phẩm này, từ đó có kiến nghị cơ quan quản lý, nhà đầu tư cho thị trường phát triển lành mạnh hơn.
Vì sao cần phải bắt đúng bệnh? Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là trước đây ít DN sử dụng công cụ TP để huy động vốn, nhưng kể từ sau Nghị định 81 của Chính phủ sửa đổi các quy định trước đó, quy mô của thị trường tăng trưởng mạnh mẽ.
Đáng lưu ý, TPDN của lĩnh vực bất động sản chiếm phần lớn trong tổng lượng phát hành. Và rủi ro xuất hiện khi DN sử dụng các công ty con, công ty liên kết… để huy động vốn lòng vòng qua kênh TPDN.
Th.S Nguyễn Anh Vũ, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết: “Hiện nay, phát hành TPDN gắn với khái niệm “3 không”: không tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không tài sản bảo đảm. Nhưng tôi lo ngại còn có cái "không" thứ 4, thứ 5 khác, như không có năng lực tài chính tốt, dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không đúng mục đích… Những điều này đôi khi còn đáng lo hơn việc không có tài sản bảo đảm”.
Một điểm nữa được ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán NH Đông Á chỉ ra, câu chuyện phát hành riêng lẻ TPDN hiện nay là tự vay và tự trả nên không có cơ chế kiểm soát dòng vốn sau phát hành. Sau khi phát hành xong, các kênh như NH, công ty chứng khoán tiếp tục phân phối TPDN thông qua kênh bán lẻ của họ, thậm chí chào mời cả những nhà đầu tư đã gửi tiết kiệm.
“Lãi suất TPDN được phát hành với lãi suất khoảng 12%/năm và tổng chi phí cho kênh này khoảng 15%/năm bao gồm cả chi phí cho kênh phân phối, bảo lãnh phát hành. Trong khi đó, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện nay chỉ khoảng 6%/năm, điều này khiến nhà đầu tư bị hấp dẫn khi mua TPDN”, ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.
Đồng thời, để nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia mua TPDN, các công ty chứng khoán hoặc nhà phân phối cũng “lách” quy định để chuyển họ thành nhà đầu tư chuyên nghiệp dù nhiều nhà đầu tư cá nhân thậm chí không biết đọc báo cáo tài chính, không hiểu biết về DN mà chỉ thông qua kênh môi giới.
Trên quy mô rộng hơn, TS. Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết, khoảng 60% người mua TPDN là NH. Vì vậy, trong quá trình triển khai các gói chính sách, gói hỗ trợ kinh tế cần kiểm soát dòng vốn này để tránh hạn chế chảy vào TPDN, tránh bài học về nợ xấu trong quá khứ.
GS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng đồng tình, việc các NH đứng ra mua TPDN chiếm tỷ trọng lớn trong tổng khối lượng vốn tiêu thụ cũng là vấn đề nghiêm trọng. Đó có thể là tình trạng NH giúp DN phát hành TP để "đảo nợ". Trong khi đó, TPDN có hiện tượng mua bán lòng vòng, gần như NH không quản lý được.
Cần lành mạnh hóa thị trường
Trong bối cảnh hiện tại, TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư vốn cổ phần Quỹ Dragon Capital cũng đề xuất, thị trường TPDN là kênh chia lửa cho thị trường NH. Do đó, khi kiểm tra giám sát không nên làm quá chặt hoặc quá lỏng mà cần có cơ chế thị trường để họ tự điều tiết, để nhà đầu tư thấy được rủi ro nằm ở đâu.
Gần đây, có khoảng 2-3 công ty được Ủy ban Chứng khoán nhà nước và NHNN cấp phép cho đánh giá tín dụng, xếp hạng tín nhiệm. Ông Tuấn cho rằng, điều kiện tối thiểu nhất của phát hành TPDN là đánh giá xếp hạng tín nhiệm, có thể bắt buộc tất cả những DN phát hành TP đều phải đánh giá tín dụng, xếp hạng tín dụng từ những tổ chức được cấp phép này.
Còn theo GS.TS. Đinh Trọng Thịnh, xếp hạng tín nhiệm không chỉ tốt cho nhà đầu tư mà còn tốt hơn cho cả DN. Nhưng nếu chỉ có 2 DN xếp hạng tín nhiệm thì không thể đảm bảo hỗ trợ hết các DN.
Ông Phùng Xuân Minh, Tổng Giám đốc CTCP Sài Gòn Phát Thịnh Rating (Saigon Rating), cho biết thị trường TPDN Việt Nam còn mới và quá non trẻ. Với kinh nghiệm 12 năm khảo sát một số thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…, những gì thị trường TPDN trong nước đang trải qua cũng là những "lỗi" mà các thị trường nói trên mắc phải từ 20-30 năm trước khi còn ở giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên bản thân thị trường không có lỗi, chính sách do chúng ta làm nên.
Ông Minh cho rằng, hiện nay thị tường TPDN cần sẵn sàng 3 yêu cầu quan trọng gồm: Nhà nước định hướng quản lý, tiền kiểm là khâu quan trọng; minh bạch thông tin của tổ chức xếp hạng tín nhiệm; sự tuân thủ của các chủ thể trên thị trường (nhà phát hành, tổ chức xếp hạng…). Trong đó, Nhà nước cần có cơ chế để tạo điều kiện cho chủ thể tham gia thị trường có nhu cầu phát triển, nâng cao văn hoá xếp hạng tín nhiệm…
Đồng thời theo TS. Cấn Văn Lực, để phát triển thị trường TP bền vững, Chính phủ cần sớm giải quyết, xử lý những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua, để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, chủ thể phát hành, kể cả DN. Xử lý càng nhanh càng tốt và nên công khai minh bạch kết quả.
Và theo TS. Cấn Văn Lực, nêu vấn đề để tìm giải pháp lành mạnh hoá thị trường chứ không phải bóp nghẹt thị trường. Không phải vì một số trường hợp vài "con sâu làm rầu nồi canh" mà thắt chặt quá mức, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phát triển, phục hồi kinh tế-xã hội.
Thực tế, thị trường TPDN nói riêng và thị trường vốn còn rất nhiều dư địa phát triển và là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng. Nếu phát triển lành mạnh sẽ góp phần cân đối hệ thống tài chính. Bởi bản chất của hệ thống NH là huy động vốn gửi ngắn và trung hạn, cho vay cũng chủ yếu ngắn và trung hạn chứ không phải dài hạn.