Thị trường xăng dầu: 5 vấn đề cần tháo gỡ

(ĐTTCO) - Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực thi hành đầu năm 2022, được kỳ vọng giúp thị trường lành mạnh hơn, giá trong nước sẽ theo sát diễn biến giá thế giới. 
Thị trường xăng dầu: 5 vấn đề cần tháo gỡ
Thế nhưng, với sự thay đổi liên tục và ngày càng khó dự báo của giá xăng dầu thế giới, những quy định của chính sách này được cho chưa theo kịp thực tiễn, từ đó tác động lớn đến cung cầu thị trường, đẩy giới kinh doanh rơi vào khó khăn chưa từng có.
Nếu không được sửa đổi, điều chỉnh một cách kịp thời khó tránh khỏi những hậu quả đáng tiếc. Có 5 vấn đề cần tháo gỡ ở đây:
Một là, thời gian điều hành giá cần thay đổi theo hướng linh hoạt hơn, từ 10 ngày/lần như quy định hiện hành xuống còn vài ngày 1 lần, thậm chí điều chỉnh giá hàng ngày để phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới. Chỉ có như vậy mới khắc phục tình trạng găm hàng chờ giá lên, làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp.
Hai là, Nghị định 95  có quy định: “Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét…”.
Thế nhưng điều này chưa rõ ràng. Vì vậy cần làm rõ biến động bất thường là biến động như thế nào. Bởi chỉ khi có tiêu chí rõ ràng, cụ thể có những vấn đề không cần báo cáo Thủ tướng, trong thẩm quyền Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cứ thế mà làm.
Ba là, Nghị định 95 quy định số ngày dự trữ xăng dầu của thương nhân đầu mối 20 ngày. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp khi Việt Nam tự chủ được nguồn xăng dầu. Nhưng với tình hình thực tế hiện nay việc dự trữ 20 ngày khó đảm bảo được nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Do đó, nên tăng thời gian dự trữ đối với xăng dầu.
Bốn là, Bộ Công Thương cần nghiên cứu, xem xét bỏ quy định về việc thương nhân đầu mối nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện có tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu, hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. Bởi sự ràng buộc này sẽ là rào cản các doanh nghiệp mới tham gia thị trường, vì không phải doanh nghiệp non trẻ nào cũng đủ khả năng xây dựng cả hệ thống cho mình.
Năm là, để thị trường xăng dầu vận hành đúng nghĩa, sát với thị trường thế giới và giảm bớt gánh nặng trong quản lý, điều hành cho Nhà nước, cần tính đến việc mở cửa cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của nước ngoài đầu tư vào hoạt động để tăng sức cạnh tranh, làm lành mạnh thị trường. Điều này đòi hỏi cần có cơ chế phù hợp hơn.
TS. Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)

Các tin khác