Khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn
Tại ĐBSCL, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân khiến hệ sinh thái rừng ngập mặn vùng vành đai ven biển bị tổn thương. Do vậy, giải quyết biến đổi khí hậu mà không biến đổi bất cứ hiện trạng nào trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, là một trong những cách tiếp cận của chương trình nuôi tôm sinh thái do Chính phủ Australia tài trợ, dựa trên Chương trình Nền tảng đối tác doanh nghiệp (BPP). Trong đó các đối tác là doanh nghiệp tư nhân tham gia đều có góp vốn đối ứng.
Chương trình tài trợ này vừa được khởi động hơn 1 tháng qua tại vùng sinh thái xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, và dự kiến kéo dài trong 2 năm, với sự tham gia của khoảng 500 hộ dân. Các nông hộ tham gia dự án sẽ được tiếp cận các ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất tôm để năng suất cao hơn, tiếp cận các dịch vụ đầu vào như con giống có nguồn gốc rõ ràng, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ra thị trường quốc tế với các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế về tôm sinh thái.
Ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những trụ cột về chính sách ngoại giao của Chính phủ Australia. Những ưu tiên này đã giúp chúng tôi xây dựng những kế hoạch hành động cụ thể cho ĐBSCL, khu vực đối mặt với rủi ro lớn về khí hậu. Đây cũng là lý do vì sao vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia cho Việt Nam lại tập trung rất nhiều ở ĐBSCL.
Ông CIARAN CHESTNUTT,
Phó Tổng lãnh sự Australia tại TPHCM
Theo ông Lê Đình Huynh, Tổng thư ký Liên minh Tôm sạch và Bền vững Việt Nam (VSSA), nâng cao giá trị kinh tế cho con tôm sinh thái là động lực giúp người dân theo đuổi bền vững mô hình kinh tế chủ lực này. Tham gia chương trình, người dân còn được doanh nghiệp tư nhân (tham gia dự án này là CTCP Tôm miền Nam) chi trả dịch vụ môi trường rừng trên chính cánh rừng của mình. Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ trồng mới lại 10ha rừng ngập mặn sau 2 năm của dự án.
Tại tỉnh Long An, với mục tiêu phục hồi hệ sinh thái lúa mùa nổi, bảo tồn nguồn gen đa dạng giống lúa mùa nổi, thông qua các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, dự án Giải pháp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu ÐBSCL (CRxN) đã trồng 100ha lúa mùa nổi tại huyện Tân Hưng. Dự án được khởi động từ tháng 7-2022 và sẽ kết thúc tháng 6-2024, không chỉ từng bước phục hồi di sản nông nghiệp quan trọng, mà còn bảo tồn đa dạng sinh học vùng đất ngập nước Láng Sen trong huyện.
Khẳng định vai trò của khối tư nhân
Có thể nói, bài toán làm thế nào để vừa bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên bền vững trong tương lai, vừa có khả năng tạo cơ hội sinh kế tốt cho người dân, là một trong những minh chứng cho lời cam kết mạnh mẽ Chính phủ Australia trong việc đồng hành cùng Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng.
Tuy nhiên, đã có nhiều chương trình sau khi hoàn thành, nhà tài trợ rút đi chương trình cũng “đi” theo. Cho nên, một khi người dân đã “dịch chuyển” ý thức, để góp phần phục hồi các chức năng vùng lũ (bồi lắng phù sa), thì rất cần doanh nghiệp khối tư nhân bao tiêu đầu ra, đa dạng hóa sản phẩm sau gạo (phở, bún...) để giúp nâng cao thương hiệu của lúa mùa nổi.
Vai trò của khối tư nhân đã thể hiện khá “chắc tay” tại dự án Tạo sinh kế bền vững thông qua cây trồng thích ứng với khí hậu, đang được triển khai ở xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Những loại cây chân nước mặn như bồn bồn, năng tượng… quen thuộc với đời sống người dân ĐBSCL, đã được dùng triệt để cho những dự án sản xuất hàng đan lát thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.
Trong mô hình này, Chính phủ Australia tài trợ kinh phí xúc tác hỗ trợ để giới chuyên môn tăng cường tác động xã hội và thương mại, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu và Bảo tồn ĐBSCL (MCF) giám sát, đánh giá và tư vấn cho dự án, CTCP Giải pháp sinh kế Mekong (MLS) phối hợp với CTCP Việt Nam Housewares, thu gom hàng và tìm đầu ra để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài như Mỹ, Australia, Nhật Bản… hiện xuất khẩu hết 100% hàng sản xuất.
Không những giúp tạo sinh kế cho cộng đồng cư dân, dự án này còn giúp khôi phục các giống bản địa cây chân nước mặn. TS. Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học ở ĐBSCL, và hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc MCF cho biết: “Các giống bản địa là tài nguyên về di truyền vốn rất lớn của từng quốc gia, quốc gia nào biết chăm chút giống bản địa càng sớm chừng nào, tài nguyên để lại cho thế hệ sau này càng lớn, như giống lúa ST25 hiện nay”.
Áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp
Gần đây, ĐBSCL đã có những thay đổi phù hợp với xu thế thế giới để tạo ra những giá trị sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh từ nông nghiệp công nghệ cao. Đơn cử dự án Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL (TRVC) cho giai đoạn 2023-2028, đã được triển khai trên diện tích thí điểm 32ha ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, với sự tham gia của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice).
Dự án trồng lúa thông minh này hướng tới ứng dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện sự hòa nhập xã hội của nông dân (biết sử dụng thành thạo thiết bị drone sạ lúa, giám sát dịch bệnh…).
Việc duy trì sự bền vững các hệ sinh thái một cách hài hòa hướng tới nền nông nghiệp xanh bền vững, được xem là “thuật toán” khôn ngoan trong bối cảnh biến đối khí hậu đang ngày càng diễn biến khó lường.
Các dự án do Chính phủ Australia tài trợ đã thể hiện sức mạnh của hành động tập thể trong quá trình chuyển đổi nhận thức, xây dựng một cộng đồng cư dân có hiểu biết và gắn kết hơn, đóng góp vào khả năng chống chịu của ngành nông nghiệp ĐBSCL trước biến đổi khí hậu.