(ĐTTCO) - Miền Tây xứ Nghệ vào mùa hè chịu ảnh hưởng của gió Lào mang hơi nóng và sự khô cằn. Hiện diện giữa nơi ấy, Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát (nằm giữa 3 huyện: Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương, tỉnh Nghệ An) như miền xanh mát bao la, xoa dịu bầu không khí khắc nghiệt.
Những bản làng người Thái, người Đan Lai (dân tộc Thổ) với nét văn hóa độc đáo được rừng núi che chở bình yên bao đời. Đến Pù Mát, ta ngỡ như được lạc vào thiên đường xanh hoang sơ, kỳ diệu.
1.
Những ngày đầu hè, khi miền Tây xứ Nghệ bắt đầu oi nóng bởi những cơn gió Lào tràn sang, chúng tôi đã tìm tới VQG Pù Mát để được đắm mình trong thiên nhiên, cây cỏ, suối thác tươi mát.
Từ cổng chào nằm ngay bên quốc lộ, chúng tôi bắt đầu tìm ngã rẽ để đi xuyên vào những cánh rừng bao la thuộc vùng lõi VQG. Xe chạy trên cung đường bê tông nhỏ, 2 bên chỉ còn màu xanh của cây lá hun hút tầm mắt. Đi giữa thiên nhiên xanh, chúng tôi không còn cảm nhận được sự oi nóng, bí bách của thời tiết khắc nghiệt. Những con suối nhỏ thỉnh thoảng xuất hiện bất ngờ, chảy tràn qua cung đường khiến nhiều người thích thú, giúp hạ nhiệt cơ thể để có thêm năng lượng cho hành trình tiếp theo.
Thỉnh thoảng nhìn sang 2 bên đường, chúng tôi nhận ra vài bản nhỏ của đồng bào Thái nằm bình yên bên sườn núi, ẩn hiện giữa tán cây. Những mái nhà sàn lợp ngói hay cỏ tranh qua bao tháng năm, bao trận mưa rừng đã ngả màu nâu thẫm. Đồng bào Thái từ xa xưa đã biết chọn những quả đồi thấp, bên dưới có suối nước để cư ngụ, thuận lợi cho trồng trọt và sinh hoạt hàng ngày. Xa rời nơi phố thị ồn ào, chen chúc khi tới đây ngắm nhìn bản làng người Thái, mọi người đều ao ước về một cuộc sống thanh bình, tinh khiết hòa hợp với thiên nhiên.
Qua quãng đường sống chậm để tận hưởng không gian xanh, hít thở bầu không khí tinh khiết, xe chúng tôi dần dần tiến vào khu vực kiểm soát của các nhân viên kiểm lâm thuộc Ban quản lý VQG Pù Mát. Thác Kèm - điểm tham quan, khám phá rất đẹp và nổi tiếng nhất ở đây. Sau khi được nhắc nhở tuân thủ các quy định của VQG, chúng tôi gửi xe vào nơi quy định để bắt đầu hành trình bách bộ tới thác. Lạc giữa khung cảnh xanh của vùng lõi, bên tai mọi người luôn có tiếng chim hót ríu rít gọi bầy.
Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp mấy anh chàng dân tộc Thái ở xã Lục Dạ, Con Cuông đi rừng. Họ vui vẻ, niềm nở tiếp chuyện từng người. Người dân nơi đây sẵn sàng mở lòng, tâm sự với các vị khách phương xa về cuộc sống mưu sinh thường nhật của mình. Tiện hỏi đường đến ngọn thác Kèm, anh Mã Văn Lượng (dân tộc Thái) vừa chỉ dẫn vừa cho biết: “Người Thái sống giữa cánh rừng này bao đời nay vẫn coi Thác Kèm như một món quà trời ban. Người bản địa gọi thác là Bổ Bố - trong tiếng Thái có nghĩa là dải lụa trắng”.
Từ xa, chúng tôi đã nghe thấy tiếng ào ào nước đổ, phá tan không gian yên tĩnh của núi rừng. Ngay từ phút đầu tiên được ngắm trọn ngọn thác trong tầm mắt, nhiều người đã bị vẻ đẹp hút hồn. Dòng nước từ trên vách đá cao vút đổ xuống mang đến vẻ đẹp tráng lệ, kiều diễm. Chẳng sai chút nào khi người Thái ví nó như dải lụa trắng. Màu trắng xóa của dòng nước khổng lồ giữa khoảng xanh bốn bề biến nơi đây trở thành bức tranh sơn thủy hữu tình làm người xem bị mê hoặc.
Những giọt nước li ti mang theo hơi lạnh bay từ ngọn thác ra phía trước cả trăm mét. Nhiều người tuy đã ngồi ở rất xa, vẫn bị những đám bụi nước như mưa phùn bắn vào người, cảm thấy lạnh toát. Lẫn trong tiếng nước là âm thanh reo hò sung sướng tột độ của những cô bé, cậu bé lần đầu đi theo bố mẹ tới thác.
Thác Kèm với 3 tầng từ độ cao trên 100m, bao năm đổ xuống tạo thành một hồ nước lớn dưới chân. Càng thú vị hơn khi 2 bên thác còn có rất nhiều loại thực vật, trong đó có một số loài hoa rừng khoe sắc bốn mùa.
Bên cạnh đó còn có những cây cọ sai trĩu quả. Phía dưới chân thác là mấy phiến đá phẳng lì rộng bằng chiếc giường cỡ lớn, có thể làm chỗ nghỉ chân, ngả lưng tuyệt vời. Hồ nước dưới chân thác nhiều đoạn sâu đến 4-5m, nhiều người nhảy xuống bơi, tắm để tận hưởng cảm giác “lạc trôi” giữa thiên nhiên hoang sơ. Những ngày nắng hè ở xứ Nghệ nhiệt độ lên tới 38-40oC, nhưng khu vực Thác Kèm nhiệt độ chỉ còn phân nửa.
Sáng vào Thác Kèm ngắm cảnh, tắm mát, đến trưa ra ngoài du khách lại có dịp thưởng thức các món ăn đậm đà bản sắc địa phương như: Cá mát sông Giăng rán, gà đen nướng, nộm hoa chuối, cơm lam…
2.
Tạm biệt Thác Kèm, tôi tiếp tục tìm đến những cung đường khác dọc ngang Pù Mát. Trên mỗi đoạn hành trình của lữ khách là bao điều kỳ thú, hấp dẫn dần dần hé lộ. Người Thái ở sâu trong VQG những năm gần đây được sự hướng dẫn, phổ biến của chính quyền, cơ quan chức năng đã định cư ổn định.
Một số nơi, người dân còn xây dựng thành bản văn hóa du lịch cộng đồng khang trang, thường xuyên đón và phục vụ du khách gần xa. Mọi người vào một số bản ở xã Lục Dạ, Con Cuông nếu có nhu cầu nghỉ trưa hoặc qua ở nhà sàn sẽ được gia chủ phục vụ tận tình, đến bữa có dịp thưởng thức rượu cần.
Đến bản Yên Thành, xã Lục Dạ tôi vô cùng hào hứng vào xem làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Nơi đây, các cô gái Thái khéo tay đã dệt ra những chiếc váy, khăn, túi xách... đẹp mỹ miều. Du khách còn được các thiếu nữ Thái tận tình hướng dẫn trải nghiệm cách thêu đồ thổ cẩm ngay tại chỗ.
Lang thang qua những vùng đất, làng bản của người Thái trong VQG Pù Mát, chúng tôi được người dân chỉ dẫn đến nhiều chỗ không chỉ thú vị mà còn gắn với các câu chuyện truyền kỳ. Trong đó chuyện về Khe Nước Mọc ở bản Nứa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông là một minh chứng lôi cuốn.
Họ kể rằng Khe Nước Mọc quanh năm trong vắt, nhưng vào ngày rằm của các tháng 5, 8, 9 không ai được bén mảng đến suối, cấm kị tắm rửa. Bởi 3 ngày đó dành cho các nàng tiên trên trời xuống tắm. Chính vì thế, không biết từ bao giờ Khe Nước Mọc còn có tên gọi Suối Tiên.
Đứng bên khe nước quan sát, tìm mãi tôi mới nhìn thấy nguồn nước tự đùn lên từ lòng đất. Nước cứ đùn lên suốt ngày đêm, tạo thành một khe nước trong xanh mát rượi rồi chảy qua những tảng đá tạo thành con suối. Rất nhiều người đã tới đây để chiêm ngưỡng sự kỳ thú của khe nước, xuống tắm một lần lấy may theo mách bảo của người bản địa.
3.
Trời chiều dần buông, những thắng cảnh, vẻ bao la của núi rừng, sự cởi mở thân thiện của người dân những nơi tôi đã đi qua khiến trong lòng mong ước hành trình được kéo dài. Đến địa phận xã Môn Sơn, tôi dừng chân lại bên chiếc cầu cáp treo bắc qua sông Giăng. Nếu đi tiếp một quãng đường không xa nữa là bạn sẽ đặt chân tới biên giới Việt-Lào.
Những cơn gió mang hơi nước mát lạnh thổi vào cơ thể xóa tan đi bao mệt nhọc. Từ đây, nhìn sang phía bên kia cầu ta sẽ thấy con đập thủy lợi Phà Lài (người bản địa còn gọi là Pha Lai). Trên tấm biển bên đập, có ghi tên đập thủy lợi Môn Sơn. Đây là con đập lớn nhất trên dòng sông Giăng được khởi công đúng ngày kỷ niệm 70 năm lập Đảng (3-2-2000) và khánh thành vào ngày sinh nhật Bác Hồ 20 năm trước (ngày 19-5-2002).
Từ con đập nhìn lại phía cây cầu một không gian bao la của trời đất, núi rừng trùng điệp hiện hữu. Những bản làng xa tít, nơi có bao nếp nhà yên ấm giờ đang chuẩn lên khói bếp, thổi cơm tối. Mấy chú trâu lặng lẽ gặm cỏ bên sông cùng nhóm trai quê đang tắm mát giữa dòng gợi cho ta về miền sơn cước bình dị.
Cách con đập chính không xa ở phía thượng nguồn sông, có mấy khu nhà thuyền vẫn ở đó chờ đợi từng đoàn khách du lịch. Từ đây, du khách sẽ được theo con thuyền máy chạy ngược sông Giăng vào thăm bản của người Đan Lai sống heo hút, tận cùng nhất ở Pù Mát.
Trời tối dần, để lại cảm giác hỗn độn, khó tả trong lòng người lữ khách. Niềm tự hào về vẻ đẹp một miền xanh của quê hương xen lẫn những cảm xúc lưu luyến, khó quên với những con người mộc mạc, chân tình đã gặp, đã trò chuyện. Có lẽ thế sức cuốn hút vô vờ của thiên nhiên, con người Pù Mát luôn vẫy gọi ta đến nhiều lần trong đời.