Thiết kế sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Với lượng thông tin đầy ắp tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 thì năm 2024 - năm bắt đầu cuộc đua nước rút của kế hoạch 5 năm 2021-2025 - chắc chắn là một năm đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.
Thiết kế sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp

Tuy vẫn còn 3 tháng nữa năm 2023 mới khép lại, song dự báo sẽ có 5/15 chỉ tiêu khó hoàn thành kế hoạch. Vậy là đã có đến 3 năm đầu tiên của nhiệm kỳ này, kinh tế - xã hội Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và không đạt mục tiêu tăng trưởng dự kiến.

Theo những kịch bản mới nhất mà Bộ KH-ĐT trình Chính phủ, tăng trưởng GDP năm 2024 dao động từ 6-6,5%. Ngân hàng Phát triển châu Á hồi trung tuần tháng 7 đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 từ 6,5% xuống còn 5,8% và năm 2024 từ 6,8% xuống còn 6,2%.

Cuối tháng 9 này, Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ công bố báo cáo cập nhật triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, có thể có sự điều chỉnh, nhưng xu thế chung là chưa thể quá lạc quan. Dè dặt hơn, Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 4,7% trong năm sau, sau đó sẽ phục hồi dần lên 5,5% vào năm 2024 và đạt 6% vào năm 2025.

Rà soát, phát hiện những mâu thuẫn, sơ hở để đề xuất bổ sung, chỉnh lý hệ thống pháp luật điều chỉnh nền kinh tế tất nhiên vẫn là giải pháp quan trọng hàng đầu. Việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế đã được thực tế và khoa học chứng minh có tác động tích cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp khoảng 0,05-0,27 điểm phần trăm mỗi năm vào tăng trưởng GDP, tùy theo quy mô và chất lượng hoàn thiện thể chế.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội diễn ra ngày 6-9 vừa qua, các cơ quan đã tiến hành rà soát 1.651 văn bản quy phạm pháp luật, qua đó phát hiện một số quy định trong 7 luật và 130 văn bản dưới luật có sơ hở, bất cập, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực hoặc có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp.

Các cơ quan đã đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để khắc phục rất nhiều văn bản pháp quy.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi); dự kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023) sẽ xem xét, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản…

Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và một số luật về thuế. Đây vẫn là công việc cần tiếp tục nghiêm túc, quyết liệt thực thi trong thời gian tới, bao gồm cả những văn bản chứa nội dung pháp quy không đúng thẩm quyền.

Tuy nhiên, như ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận xét, rất không nên “đổ lỗi hoàn toàn cho chính sách”. Thực tế là, mặc dù có những khiếm khuyết, song thời gian qua cũng đã có rất nhiều chính sách giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Nếu không thế thì tác động tiêu cực từ kinh tế toàn cầu trong vài năm trở lại đây thậm chí còn xóa sổ nhiều hơn nữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Do đó, bên cạnh việc thiết kế sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp, Nhà nước cần có thêm những “lưới đỡ” khác (hỗ trợ dự báo, phân tích thị trường, bố trí quỹ đất, đào tạo nhân lực, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay…), đồng thời tăng cường khâu thực thi chính sách.

Chỉ có như vậy thì năm 2023 mới có thể “về đích” với thành tích tốt nhất có thể, tạo đà cho năm 2024 bứt phá thành công.

Các tin khác