Khối lượng huy động vốn qua phát hành TPCP bình quân 185.000 tỷ đồng/năm, đáp ứng 50-60% nhu cầu huy động vốn cho cân đối ngân sách hàng năm.
Nền kinh tế tăng trưởng đã thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư gián tiếp. Trong giai đoạn năm 2015-2019, vốn gián tiếp vào ròng đạt trên 8 tỷ USD, cao gấp 5 lần tổng vốn gián tiếp vào ròng giai đoạn năm 2010-2014 (1,6 tỷ USD).
Tính đến hết năm 2019, giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư (NĐT) từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc nằm trong top 10 quốc gia có giá trị danh mục đầu tư lớn nhất trên TTCK Việt Nam.
Sự phát triển của TTCK đã thu hút sự tham gia đông đảo NĐT. Tính đến 31-5, số lượng tài khoản do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) quản lý 2,5 triệu tài khoản, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2010.
Tổng mã số giao dịch chứng khoán đã cấp cho NĐTNN 34.052 mã số, trong đó có 29.389 mã số cá nhân và 4.663 mã số tổ chức - lần lượt tăng 13,3 lần và gần 26 lần. Tính đến hết năm 2019 đã có gần 2.000 quỹ đầu tư, với tổng giá trị danh mục ước đạt hơn 12 tỷ USD (chiếm hơn 30% tổng giá trị danh mục của NĐTNN).
Theo ông Lê Hoàng Lân (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), TTCK đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nền tài chính, tiền tệ lành mạnh, an toàn và ổn định. Nhờ vào sự phát triển của TTCK, các ngân hàng thương mại (NHTM) huy động được lượng vốn lớn qua phát hành cổ phiếu, đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ theo quy định của NHNN.
Từ 2005 đến nay, thông qua TTCK, các NHTM đại chúng đã huy động được hơn 252.000 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu, giúp các nhà băng tăng tổng vốn điều lệ từ 20.600 tỷ đồng lên khoảng 272.000 tỷ đồng. Thậm chí, trong giai đoạn khó khăn nhất của hệ thống NH 2009-2014, TTCK đã giúp các NHTM huy động được 74.000 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phân tích muốn kinh tế phát triển cần dựa vào NH, TTCK và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Song, tín dụng từ các NHTM sẽ dần tập trung vào cho vay vốn ngắn hạn, còn trung và dài hạn sẽ huy động qua TTCK. Cách đây 10 năm, Việt Nam chỉ có 1 doanh nghiệp tỷ USD, nay đã có trên 20 doanh nghiệp.
Quá trình phát triển và lớn mạnh của Vinamilk, Vingroup… nói riêng, doanh nghiệp tư nhân nói chung, không thể không nhắc đến vai trò của TTCK.
Theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, thị trường vốn của Việt Nam được xác định là then chốt cho nền kinh tế, ngành tài chính. Xuất phát điểm từ số 0, TTCK Việt Nam đã vượt qua bao thăng trầm để có được quy mô như hiện nay, là thành tựu lớn. Nếu so sánh, quy mô thị trường vốn (trong đó có thị trường cổ phiếu, trái phiếu…) không thấp hơn nhiều so với thị trường NH.
Việc tham gia tích cực của khối ngoại và các NĐT có tổ chức vào TTCK Việt Nam, đã góp phần nâng cao chất lượng quản trị công ty, phát triển bền vững tại các doanh nghiệp. Tổng tài khoản NĐT tăng trưởng trong giai đoạn 2015-2019 đạt mức trung bình 10%/năm. Trong đó, số lượng tài khoản của NĐTNN, NĐT tổ chức luôn tăng trưởng ổn định, đạt mức 15%, lớn hơn so với mức tăng trưởng chung của tổng tài khoản.
Giá trị giao dịch của NĐTNN duy trì ổn định quanh mức 17,63% trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. NĐTNN đang nắm giữ cổ phiếu tại các công ty niêm yết tương đương 20,63% giá trị vốn hóa toàn thị trường, và có 18 công ty gần như đã hết room cho NĐTNN.
Mặc dù vậy, cơ sở NĐT cũng có những hạn chế. Trong số hơn 2,5 triệu tài khoản có đến 99% của NĐT cá nhân. Theo ông Lê Hoàng Lân, việc khuyến khích NĐTNN tham gia TTCK Việt Nam gặp nhiều khó khăn do quy trình, thủ tục phức tạp, chưa thực sự hạn chế rủi ro và bảo vệ lợi ích NĐT khi tham gia.
Do đó, cần có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của các quỹ đầu tư nhằm thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong và ngoài nước hướng vào TTCK. Từ đó hình thành trên TTCK những NĐT chuyên nghiệp, tạo được dòng vốn lớn và dài hạn trên TTCK, khắc phục tính trạng đầu tư theo tâm lý khi NĐT nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số.