Thiếu định hướng, nông dân 'loay hoay' giải bài toán chuỗi sản xuất

(ĐTTCO) - Nông dân ở nhiều nơi, từ miền Bắc đến miền Trung và miền Nam, trong nhiều năm qua, liên tục lặp đi lặp lại điệp khúc 'trồng rồi lại chặt' và hiện nay vẫn tiếp tục diễn ra, với đủ loại cây ăn trái, hàng hóa nông sản.

Tại miền Tây, nông dân đã từng bỏ lúa trồng mít, đến khi giá mít giảm thì ồ ạt chặt mít trồng sầu riêng. Bây giờ giá sầu riêng lại có nguy cơ rớt mạnh, nông dân chưa biết sẽ chuyển sang trồng gì, nhưng nguy cơ chặt sầu riêng là khó tránh khỏi…

“Chạy theo đuôi thị trường”

Tại Long An, nhiều nông dân đang chặt bỏ mít, mãng cầu, phá ruộng lúa để trồng sầu riêng. Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cuối năm 2022, diện tích sầu riêng toàn tỉnh có hơn 438ha, trong đó 50% là trồng mới. Các địa phương tăng diện tích sầu riêng gồm các huyện: Tân Thạnh, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường.

Diện tích tăng nhanh, nhưng thực tế chỉ có 36ha thuộc 2 vùng trồng sầu riêng ở xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Cách đây hơn 5 năm, tỉnh Hậu Giang đã cảnh báo nguy cơ việc bà con trồng cam sành, mít. Không chỉ riêng Hậu Giang, câu chuyện buồn về cây ăn trái vừa phải kêu “giải cứu cam sành” đã xảy ra ở Vĩnh Long. Giờ “làn sóng đốn hạ” mít, chuyển sang trồng sầu riêng lại xảy ra với nhà vườn Long An, Tiền Giang và một số địa phương vùng ĐBSCL.

Có thể nói trong hơn 10 năm gần đây, xu thế chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái tăng rất mạnh, do nhu cầu thị trường và lợi nhuận.

Thu hoạch cam sành tại tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: QUỐC AN

Thu hoạch cam sành tại tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: QUỐC AN

Tại miền Bắc, tình trạng “trồng - chặt” cũng xảy ra liên miên suốt nhiều năm qua. Chẳng hạn tại các tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ… khi vải thiều rớt giá thì nhiều nơi đã đốn bỏ vải để ồ ạt chuyển sang trồng cây có múi (nhiều nhất là cam, bưởi), dẫn đến dư cung, đầu ra không có. Năm 2022, giá bưởi bán tại vườn ở tỉnh Hòa Bình chỉ còn… 5.000 đồng/trái (trước đây là 20.000-30.000 đồng/trái) nên đầu năm 2023, nhiều chủ vườn đã... chặt bưởi.

Trong khi đó, tại vựa cam Cao Phong (Hòa Bình) nổi tiếng cả miền Bắc, năm 2010 mới có hơn 900ha cam, đến năm 2021 đã tăng vọt lên gần 3.000ha, nhưng đến năm 2022 thì nông dân ở đây đã phá bỏ gần một nửa, hiện chỉ còn khoảng 1.700ha (vẫn có nguy cơ chặt bỏ tiếp) để chuyển sang trồng chuối, mía, dứa...

Trong lúc nông dân ở tỉnh Hòa Bình đang chặt cam để chuyển sang trồng chuối, mía thì nhiều nông dân ở tỉnh Lào Cai, Điện Biên lại từng chặt bỏ chuối, mía để chuyển sang trồng dứa (tổng diện tích khoảng 1.900ha). Và bây giờ dứa cũng không bán được.

Từ năm 2020-2023, giá dứa liên tục rớt thảm, từ 7.000-8.000 đồng/kg, hiện chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg (loại xấu chỉ còn 2.000 đồng/kg, thậm chí có lúc bị ép xuống 1.000 đồng/kg), nhưng nhà máy vẫn không thu mua, nên nhiều nông dân ở đây lại đang phá bỏ dần dứa để chuyển sang trồng chè, quế… Cái vòng lẩn quẩn cứ mãi diễn ra!

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, tại ĐBSCL, diện tích cây ăn trái từ năm 2010-2020 liên tục tăng mạnh. Theo đó, năm 2010 diện tích cây ăn trái toàn vùng là hơn 287.000ha, đến năm 2020 vọt lên gần 378.000ha, bình quân mỗi năm tăng gần 10.000ha. Các cây trồng chủ lực như thanh long đạt 23.700ha, tăng 22.800ha; sầu riêng 24.900ha, tăng 20.100ha. Trong đó, diện tích mít từ chỗ gần như không đáng kể, đã vọt lên mức “khủng” 30.000ha, tăng 29.800ha.

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, chia sẻ cần thông cảm cho người dân nghèo sống bằng mảnh vườn mình có. Khi trồng một loại cây gì thu hoạch giá thấp quá thì họ phải chặt bỏ để trồng cây khác. Còn các doanh nghiệp, họ biết tính toán, khi giá thấp họ sẽ giảm đầu tư, khi có giá họ sẽ có giải pháp đầu tư lại. Việc trồng - chặt - trồng chỉ xảy ra đối với người dân khó khăn.

“Chúng tôi khuyên người dân trong quá trình trồng khi nông sản gặp giá thấp đừng vội phá bỏ, cần tìm hiểu thị trường và giảm đầu tư để hạ chi phí sản xuất, đợi giá tăng lại sẽ chăm sóc đầu tư. Như vậy sẽ giảm thiệt hại hơn so với việc vội vã chặt và đầu tư trồng mới”, TS Võ Hữu Thoại khuyến cáo.

Tuy nhiên, vừa qua, giá mít rớt, nhiều nông dân đua nhau chặt mít trồng sầu riêng vì “chạy theo đuôi thị trường”. Cũng có nông dân may mắn chưa kịp đốn mít thì giá bật tăng lên. Thời điểm cuối năm 2022 giá mít giảm mạnh thậm chí không ai mua, ông Nguyễn Hoàng Thái (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) đã bỏ hoang 5 công mít và có ý định phá bỏ để chuyển sang trồng sầu riêng.

Nhưng sang năm 2023, giá mít tăng trở lại, ông Thái vội thuê thêm nhân công, phân thuốc chăm bón lại vườn mít mong một vụ thu hoạch mới với năng suất và giá thành cao. Tuy nhiên bỏ hoang lâu quá, dù tốn nhiều chi phí nhưng vườn mít vẫn chưa phục hồi kịp!

Đừng để “sầu riêng thành sầu chung”

Cục Trồng trọt cũng nhìn nhận, một số diện tích chuyển đổi sang cây ăn trái như cam, quýt, bưởi, xoài, sầu riêng… đang có xu hướng tăng mạnh do hiệu quả kinh tế cao, nhưng chưa được thống kê đầy đủ trong diện tích cây trồng chuyển đổi. Việc tổ chức sản xuất chưa theo kế hoạch và định hướng của địa phương, còn mang tính tự phát, phổ biến là hình thức thuê đất của nông dân trồng lúa để trồng cam sành, khai thác nhanh và ngắn hạn gây bất ổn trong tiêu thụ.

Diện tích trồng mít tăng “phi mã” thời gian qua là do có lúc thị trường Trung Quốc “săn đón” loại trái cây này. Và diện tích cam sành cũng rơi vào cảnh tương tự - mới đây phải “giải cứu đầu ra”. Cái giá phải trả quá đắt khi thị trường bí đầu ra, nhà vườn lại phải đốn chặt, “bào mòn” chính nguồn lực mình đã đầu tư.

Để thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, các địa phương cần giải thích rõ hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu. Trong đó, chú trọng kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân sản xuất.

Câu chuyện trồng rồi lại đốn cây ăn trái hiện nay chính là thực trạng hụt hẫng của chuỗi sản xuất trái cây, mà ở đó sự gắn kết giữa nhà vườn và các doanh nghiệp lo đầu ra chưa hình thành bài bản. Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), cho rằng điều quan trọng hiện nay là người trồng cây ăn trái miền Tây cần hình thành và duy trì tốt sản lượng trái cây gắn với mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhà vườn lo lắng khi giá sầu riêng hiện nay có xu hướng giảm. Ảnh: QUỐC AN

Nhà vườn lo lắng khi giá sầu riêng hiện nay có xu hướng giảm. Ảnh: QUỐC AN

Toàn TP Cần Thơ hiện có trên 24.000ha cây ăn trái. Trong đó, sầu riêng là một trong những sản phẩm chủ lực với diện tích gần 2.500ha, cho sản lượng trên 8.000 tấn. Tuy nhiên, hiện chỉ có 662 tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng sầu riêng, với diện tích gần 571ha.

Một số nhà khoa học lo lắng cho thực trạng, trong khi phía Trung Quốc, hiện chỉ cấp mã số vùng trồng khoảng 12.000ha mà diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam khoảng 110.000ha. Như vậy, sản lượng sầu riêng trồng trên diện tích còn lại sẽ đi đâu, sau vài năm nữa sẽ tiêu thụ thế nào? Chưa kể, một số địa phương ở Trung Quốc trồng sầu riêng đã bắt đầu thu hoạch...

Vì vậy, cần trả lời câu hỏi: nhà vườn miền Tây đang đổ xô trồng sầu riêng, liệu trong tương lai gần có phải đốn hạ như cây mít, bưởi hiện nay? Giải đáp câu hỏi này, thuộc về trách nhiệm của các bộ, ngành hữu quan và chính quyền địa phương.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết, mặc dù Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư, mở ra cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, nhưng việc trồng ồ ạt tại nhiều địa phương như hiện nay tiềm ẩn nguy cơ dư thừa nguồn cung, rủi ro về giá.

Sau thời gian đầu, giá sầu riêng từ khoảng 70.000-80.000 đồng/kg đã tăng vọt lên 100.000 đồng/kg, có lúc lên tới 200.000 đồng/kg, nhưng gần đây lại rớt nhanh xuống dưới 100.000 đồng/kg. Giá cả biến động mạnh như vậy chính là cảnh báo, nếu không tuân thủ đúng quy hoạch, thì nay mai lại phải lo “giải cứu” sầu riêng, điệp khúc “trồng - chặt” sẽ lặp lại như đã từng xảy ra với mít, dứa, thanh long, chanh leo, cây có múi…

Bộ NN-PTNT dự báo trong năm 2023, sản lượng sầu riêng của Việt Nam có thể đạt tới 1 triệu tấn, trong khi tại Quyết định số 4085 ngày 27-11-2022 phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến tận năm 2030, Bộ NN-PTNT khuyến cáo diện tích sầu riêng đến thời điểm đó cũng chỉ nên ở mức 65.000-75.000ha, sản lượng chỉ từ 830.000-950.000 tấn.

Cục trưởng Nguyễn Như Cường cho biết, trước nguy cơ vỡ quy hoạch trồng sầu riêng, đến thời điểm này, Bộ NN-PTNT đã hai lần có văn bản gửi các địa phương đề nghị khuyến cáo bà con không nên ồ ạt trồng sầu riêng tại ĐBSCL, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

Cơ quan quản lý nhà nước không có quyền cấm bà con trồng loại cây (ăn trái) này hay kia, mà chỉ có thể đưa ra khuyến cáo rằng phải tuân thủ quy hoạch để đảm bảo phát triển bền vững, ổn định giá và thị trường. Tuy nhiên, bà con nông dân cũng cần căn cứ vào quy hoạch của từng địa phương để tuân thủ đúng quy hoạch, không thể ồ ạt phá vỡ quy hoạch rồi lại yêu cầu phải có giải pháp “giải cứu”.

Vì “miếng cơm manh áo”

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, phân tích: Ngành chức năng đã ra sức tuyên truyền nhưng đất là đất của người dân. Vì miếng cơm manh áo, họ muốn trồng gì thì trồng! Đây chính là cái khó của ngành chức năng.

Đối với sầu riêng, dù mang lại hiệu quả kinh tế rất cao nhưng chi phí đầu tư cũng rất cao, một cây từ lúc trồng đến khi thu hoạch trái mất chi phí khoảng từ 4-7 triệu đồng.

Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi các tỉnh có trồng sầu riêng khống chế, hạn chế phát triển mở rộng; đặc biệt những vùng nhiễm phèn nặng, những vùng không có bờ bao, những vùng thiếu nước không nên phát triển vì khi phát triển sầu riêng vùng này chi phí đầu tư rất cao, người dân không đủ chi phí thì sau mấy năm cây sẽ chết.

Dù ngành chức năng liên tục tuyên truyền nhưng người dân chưa thấm. Hơn nữa, diện tích trồng cây của người dân nhỏ, manh mún chứ không phải trồng tập trung theo quy hoạch diện tích lớn.

Xây dựng nền nông nghiệp tử tế

Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), nêu vấn đề, thương hiệu trái cây “Made in Việt Nam” nên được định vị như thế nào trên bản đồ trái cây của thế giới? ĐBSCL có nhiều sản phẩm trái cây.

Tuy nhiên, chúng ta nên nghiên cứu cụ thể, chọn từ 3 hoặc 5 sản phẩm để có chiến lược đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương; doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân… Cần “phân vai” rõ ràng để chung tay làm nên thương hiệu trái cây “Made in Việt Nam”. Ở đó, phải đặt ra “tiêu chí - quy định” cho mỗi người tham gia trong chuỗi sản xuất ngành hàng trái cây.

Điều quan trọng là xây dựng được nền nông nghiệp tử tế. Nông nghiệp tử tế là nông dân tử tế, doanh nghiệp tử tế và quan trọng hơn hết là cơ quan quản lý phải tử tế để chúng ta làm được câu chuyện minh bạch, có trách nhiệm trong vấn đề canh tác, sản xuất và quản lý.

NGỌC PHÚC - VĨNH TƯỜNG

Các tin khác