Thiếu tính pháp lý cho tài chính toàn diện quốc gia

(ĐTTCO) - Thị trường tài chính đang tồn tại nghịch lý là các công ty fintech chưa thể tham gia sâu và Chiến lược tài chính toàn diện của Chính phủ do thiếu hành lang pháp lý. Thậm chí Luật Các TCTD có hiệu lực từ ngày 1-7, cũng chưa đi sâu chi tiết vấn đề này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Tọa đàm “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia - Con đường tiếp cận vốn mới của DN nhỏ, siêu nhỏ” do Báo ĐTTC phối hợp cùng IDS tổ chức. Ảnh Đức Cường
Tọa đàm “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia - Con đường tiếp cận vốn mới của DN nhỏ, siêu nhỏ” do Báo ĐTTC phối hợp cùng IDS tổ chức. Ảnh Đức Cường

Trong xu hướng chung của thế giới, Chính phủ đã sớm hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) để xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Cụ thể, ngày 22-1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến 2030 (Chiến lược).

Chiến lược xác định tài chính toàn diện là mọi người dân và DN được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, DN nhỏ và siêu nhỏ.

Đây là nội dung được các đại biểu thảo luận tại buổi tọa đàm với chủ đề “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia - Con đường tiếp cận vốn mới của DN nhỏ, siêu nhỏ”. Tọa đàm do Báo SGGP Đầu tư Tài chính phối hợp với Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức sáng nay 1-7, tại TPHCM.

e732a0dfb0b312ed4ba2.jpg
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh Duy Phương

"Không ai bị bỏ lại phía sau"

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Nhật, Phó Tổng biên tập Thường trực Báo SGGP, cho biết Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có một số điểm nhấn quan trọng là đến cuối năm 2025, có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng (NH), hoặc các tổ chức được phép khác; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; ít nhất 25-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại TCTD.

4650161ccd776f293666 (1).jpg
Ông Nguyễn Nhật, Phó Tổng biên tập Thường trực Báo SGGP phát biểu tại tọa đàm. Ảnh Đình Dư

Đến nay, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20-25% hàng năm, Chiến lược tài chính toàn diện đã được một số kết quả nhất định tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, thách thức. Cụ thể là các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số nhưng cũng đi kèm rủi ro, đòi hỏi khuôn khổ pháp lý phải được nhanh chóng bổ sung hoàn thiện.

"Việc tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức của người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp, sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu xa vẫn còn có khoảng trống trong việc cung ứng những sản phẩm dịch vụ tài chính, theo đúng nghĩa là mục tiêu tài chính toàn diện", Phó Tổng biên tập Nguyễn Nhật nhận định.

2ec7f1c984bc26e27fad.jpg
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Chiến lược của Chính phủ là "không ai bị bỏ lại phía sau”. Ảnh Đức Cường

Chia sẻ tại tọa đàm, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho biết với mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”, chúng ta cần tạo mọi điều kiện giúp các đối tượng yếu thế được tiếp cận với “tín dụng trắng”. Đó là các kênh cung ứng dịch vụ tài chính chính thức, bền vững, hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp và dưới sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thiếu hành lang pháp lý

Tuy nhiên, theo TS. Trần Văn, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số (IDS), đã hơn 4 năm từ khi có quyết định của Thủ tướng, có quá ít thông tin về quá trình thực hiện cũng như công tác giám sát. Đơn cử như đánh giá quá trình liên quan đến cách thức thực hiện, cung cấp các dịch vụ tài chính cho các tầng lớp dân cư, DN nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình; hiệu quả và lợi ích cho xã hội; tác động mong muốn tới người dân, hộ kinh doanh, cộng đồng DN nhỏ và siêu nhỏ… như thế nào?

b5059b6bbc071e594716 (1).jpg
Theo TS. Trần Văn, đã hơn có quá ít thông tin về quá trình thực hiện cũng như công tác giám sát của Chiến lược. Ảnh Duy Phương

Trên thực tế, các DN fintech có mặt khá lâu tại Việt Nam như Momo, ZaloPay, Finviet… đang tích cực số hóa các kênh phân phối hiện đại này, nhằm mở rộng phạm vi cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính với chi phí thấp, đặc biệt là qua điện thoại di động cho các tầng lớp dân cư, hộ kinh doanh.

TS Trần Văn cho rằng, với hàng chục triệu người dùng, các nền tảng fintech này đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện của Chính phủ, như thanh toán qua thiết bị di động, phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ NH số, tài chính số cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trên cơ sở hợp tác với các TCTD có chi phí thấp, thuận tiện và an toàn, phù hợp với các giao dịch thanh toán cá nhân.

Thế nhưng, theo ông Văn, cho đến nay có vẻ như hành lang pháp lý để khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính… chậm được rà soát, sửa đổi bổ sung. Một minh chứng là đến nay các DN fintech vẫn đang hoạt động theo mô hình “giấy phép thử nghiệm” với nhiều hạn chế.

Việc thiếu vắng các quy định của pháp luật do chậm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung đang tạo ra khá nhiều rủi ro pháp lý, nhất là khi tiến bộ của khoa học công nghệ diễn ra với cấp số nhân, tạo ra vô vàn cơ hội cho các DN công nghệ.

Chính vì vậy, để các DN công nghệ tài chính có thể tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ thích đáng về mặt thể chế của Nhà nước. "Đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan quản lý nhà nước, DN fintech, các tổ chức tín dụng, các hiệp hội nghề nghiệp. Từ đó tạo tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính cho các đối tượng mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia", TS Trần Văn phân tích.

Ưu tiên vốn tối đa cho tài chính toàn diện

PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Trưởng Khoa Tài chính - NH Đại học Đại Nam, cho rằng khó khăn nhất để thúc đẩy tài chính toàn diện cho đến lúc này là các DN nhỏ, siêu nhỏ; các hộ gia đình và những người nghèo có thể tiếp cận được với nguồn vốn tài chính. Thông thường, "có cung ắt có cầu", nhưng khó khăn về nguồn cung dường như đã được giải quyết khi nhiều nhà băng đã có thể liên hệ với các thể chế tài chính nước ngoài để mang về hàng tỷ USD để phục vụ cho người nghèo.

Thực tế, ngay cả NHNN và rất nhiều những cơ quan liên quan cũng đều xác định sự ưu tiên tối đa cho việc là có nguồn vốn để giải ngân cho người nghèo, cho các DN siêu nhỏ có thể tiếp cận. Tuy nhiên, khó khăn nhất ở chỗ là làm sao để cho các DN này được tiếp cận. Các NH có nguồn vốn lớn và cũng là kênh chính thức có thể đáp ứng các nhu cầu vốn một cách bền vững, nhưng các NH lại đang ở trong tình cảnh "trên đe dưới búa".

Các NH đều xác định nếu giành được các DN nhỏ, siêu nhỏ, thậm chí cả khách hàng cá nhân, khả năng tăng thị phần của họ rất lớn. Thế nhưng, nghịch lý ở đây là NHNN đặt ra quá nhiều tiêu chí về chất lượng tín dụng, các chỉ tiêu về giám sát đặc biệt nếu như có những vấn đề xảy ra về rủi ro tín dụng.

e7de4511507ef220ab6f.jpg
PGS.TS Đặng Ngọc Đức chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong khu vực trong việc ứng dụng fintech. Ảnh Duy Phương

PGS.TS Đặng Ngọc Đức chia sẻ kinh nghiệm của các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ đã có những tiến bộ vượt bậc trong vấn đề tiếp cận đối với các DN, các hộ gia đình. Đơn cử là Trung Quốc có thể giải ngân một món vay trong vòng 6 giây. Hay ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... tất cả các NH đều có thể ứng dụng fintech vào toàn bộ quá trình cho vay.

Hiện một số các NH ở Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng số, ứng dụng fintech trong cho vay, tuy nhiên mới chỉ dừng lại một mức độ là chuyển đổi số, chưa đáp ứng được vấn đề. "Chúng ta đã có ứng dụng chấm điểm khách hàng cá nhân bước tiến rất là quan trọng, nhưng chấm điểm chỉ là giai đoạn ban đầu. Chưa kể nội dung thế nào, nhưng nếu ứng dụng fintech có thể chỉ ra được nên hay không nên cho vay đối với DN. Nếu câu trả lời là có thì bao lâu giải ngân được", PGS.TS Đặng Ngọc Đức chia sẻ.

Tiếp cận đối tượng 'yếu thế' bằng công nghệ

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập Ví Momo, khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 30% GDP. Đó là các đơn vị siêu nhỏ như quán cà phê, tiệm tạp hóa, sạp bán rau, quầy bánh mì ven đường...

3987f334c041621f3b50.jpg
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập Ví Momo. Ảnh Đức Cường

Với những đơn vị này, trong mắt các TCTD truyền thống cho rằng khó tiếp cận, vì khó thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt; nhiều rủi ro vì không đủ thông tin để đánh giá dòng tiền; dễ tổn thương do ít được trang bị các “bộ đệm” cần thiết để trụ vững trước những biến động kinh tế… "Bản thân những đối tượng này cũng có rất ít sự quan tâm tới chuyển đổi số do quy mô nhỏ, thiếu kinh phí, không thể tính bài toán dài hạn", ông Diệp phân tích.

Theo ông Diệp, để thuyết phục họ tham gia, phải cung cấp được giải pháp với chi phí bỏ ra rất thấp, triển khai rất nhanh, thao tác đơn giản, và quan trọng nhất là phải có lợi tức thì. Chính vì vậy, những năm qua MoMo đã bỏ ra chi phí hàng chục triệu USD để cung cấp các giải pháp chuyển đổi số tức thì, từ đó thu hút và phát triển hệ sinh thái merchant rất lớn, với hàng trăm ngàn hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ, bên cạnh đối tác lớn.

Với các tiểu thương hay doanh nghiệp siêu nhỏ này, MoMo tác động chuyển đổi số bằng khởi đầu đơn giản là quản lý dòng tiền thông qua cung cấp dịch vụ thanh toán. Bên cạnh đó, là các tính năng quản lý khách hàng, giới thiệu sản phẩm ngay trên di động hoàn toàn miễn phí.

Tóm lại, việc tiếp cận được khu vực kinh tế phi chính thức vừa giải quyết được bài toán tài chính tổng quát, và cũng vừa mở ra “đại dương” mới cho dịch vụ tài chính, thay vì chỉ tập trung một số nhóm nhất định như trước đây. "Đó là cách MoMo dùng công nghệ giúp cho những nhóm "yếu thế", dễ tổn thương nhất, nhưng lại có đóng góp không nhỏ vào GDP của nền kinh tế", ông Diệp chia sẻ.

Tương tự, Công ty cổ phần Finviet với Ví điện tử Eco trong thời gian qua đã tập trung theo hướng số hóa hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hóa để các hộ kinh doanh tạp hóa, bán lẻ có thể tiếp cận các TCTD với những khoản vay nhỏ, thường là 10-20 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hiển, Tổng giám đốc Finviet, các quy định hiện hành vẫn chưa bao phủ hết nhu cầu của thị trường, cũng như chưa khai thác hết khả năng phát triển của fintech. Thậm chí Luật Các TCTD 2024 có hiệu lực từ 1-7, vẫn chưa đề cập nhiều đến vấn đề này.

Sớm hoàn thiện cơ chế

Theo ông Nguyễn Thanh Hiển, để có những bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa, các cơ quan quản lý Nhà nước nên sớm hoàn thiện, ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sandbox, trong đó có việc cho phép các TCTD hợp tác chặt chẽ với các DN fintech trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; cho phép các tổ chức có năng lực công nghệ, tài chính, quản trị hiện đại, được tham gia vào thị trường vốn quy mô nhỏ qua các mô hình NH ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số; cho phép các TCTD được triển khai các dịch vụ tài chính trên hệ thống mạng lưới đại lý NH ở quy mô phù hợp với đối tượng hộ kinh doanh cá thể, DN nhỏ và siêu nhỏ.

cd3709ce39bb9be5c2aa.jpg
Ông Nguyễn Thanh Hiển, Tổng giám đốc Finviet. Ảnh Đức Cường

Về câu chuyện tài chính toàn diện, quan điểm của TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính, nên tiếp cận theo hướng chăm sóc tài chính của Nhà nước đối với người dân. Theo TS. Trương Văn Phước, không thể yêu cầu bình đẳng công bằng trong thị trường tài chính, đặc biệt ở các thị trường tài chính hoàn hảo có sự cạnh tranh khốc liệt, các NH sẽ luôn chạy theo lợi nhuận tối đa.

"Vì vậy, Nhà nước sắm vai bảo đảm sự bình đẳng và công bằng. Cụ thể là để những định chế tài chính làm đúng việc của mình. Để phát triển tài chính toàn diện đến người yếu thế, NH Chính sách xã hội hay Agribank phải làm điều đó. Thêm nữa, cấu trúc thị trường tài chính của Việt Nam chưa được hoàn chỉnh nên những điều lẽ ra người tiêu dùng tài chính được hưởng thì họ lại không được hưởng", TS. Trương Văn Phước chia sẻ.

Tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ

Nói về fintech, TS. Trương Văn Phước cho rằng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhưng người tiêu dùng không được thừa hưởng. Năm 2020, Singapore đưa ra 4 giấy phép cho một số tập đoàn cung ứng các nghiệp vụ của 1 NH. Về luật, Singapore cử ra một nhóm chuyên gia đem hết tất cả bộ luật về lĩnh vực này, cái nào không phù hợp thì gạch đi, cái nào phù hợp sẽ dùng hết. Đây là điều mà Việt Nam nên học hỏi, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập thị trường, cái nào chưa rõ thì thí điểm, áp dụng rút kinh nghiệm để thể chế hóa.

495bdbc50daaaff4f6bb.jpg
TS. Trương Văn Phước cho rằng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhưng người tiêu dùng không được thừa hưởng. Ảnh Duy Phương

Theo TS. Trương Văn Phước, sự xuất hiện của các fintech giải quyết vấn đề đó với nguyên tắc rủi ro cao lãi suất cao. Vậy liệu khi tham gia thì các công ty fintech có được thu lời cao hơn không? Nếu người vay không trả thì sao? Đó là vấn đề thực tiễn đặt ra và cần phải có một cái cách nhìn nhận mới trong chiến lược tài chính của Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược NH, một trong vấn đề nằm trong chiến lược là làm sao đó để mà ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với nhóm đối tượng của mục tiêu tài chính toàn diện. Đồng thời, khuyến khích các NH là hợp tác với các fintech và các fintech tận dụng lợi thế của nhau để phục vụ tốt nhất cho người dân và DN.

Sau 4 năm triển khai Chiến lược, nhiều vấn đề đã làm được như khuôn khổ pháp lý đã cố gắng rất nhiều, kênh phân phối, các sản phẩm dịch vụ, vấn đề hạ tầng, cơ sở, vấn đề giáo dục tài chính và truyền thông. Tuy nhiên như nhận định của nhiều nhà khoa học, chính sách luôn luôn đi sau thực tiễn nên vấn đề về chính sách luôn luôn túc trực trong nhiệm vụ của cơ quan quản lý trong đó có ngành NH.

"Những điều mà các công ty fintech thực sự mong muốn chưa có vì để ra được một chính sách, đặc biệt là những vấn đề còn mới phải qua rất nhiều công đoạn để có thể đi đến được một sản phẩm cuối cùng", TS. Nguyễn Thị Hòa phân tích.

Chú trọng nâng cao kiến thức

Theo PGS. Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình, khi phát triển tài chính toàn diện, cách quản lý tài chính cá nhân không ổn cũng ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay, nên phải làm sao cho họ hiểu quản lý tài chính chứ không chỉ nói cơ học là làm cách nào để cho vay.

Cùng nói về vấn đề này, GS.TS. Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia dẫn chứng câu chuyện về một người nông dân ở khu vực ĐBSCL. Nông dân này muốn trồng trọt lại vườn cần 15 triệu đồng để phát kênh mương, làm máy tưới nước, mua giống. Khoản tiền này rất nhỏ nên không thể tiếp cận vốn NH. Tuy nhiên, trên không gian mạng có nhiều tổ chức, có rất nhiều định chế mời chào các khoản tín dụng.

eae3a5691905bb5be214.jpg
GS.TS. Trần Ngọc Thơ mong có luật bảo vệ người tiêu dùng ở phân khúc thiếu hiểu biết về tài chính. Ảnh Duy Phương

Theo PGS.TS Trần Ngọc Thơ, các tổ chức này “săn mồi” với những điều kiện rất hấp dẫn, nhưng nếu tham gia vay những dịch vụ đó người thu nhập thấp có nhiều nhu cầu không hoạch định được dòng tiền làm sao để họ hiểu biết để trả nợ đúng hạn? Hiểu cách khác người dân chưa đủ kiến thức tài chính sẽ đối mặt với rủi ro, nên mong rằng luật lệ của chúng ta bảo vệ người tiêu dùng và đặc biệt là người tiêu dùng ở phân khúc thiếu hiểu biết về tài chính.

Từ câu chuyên này, GS.TS. Trần Ngọc Thơ đặt vấn đề liệu các DN fintech được cấp phép sau này tham gia thị trường tài chính toàn diện có cạnh tranh được với lại các kỹ thuật "săn mồi" của các định chế tổ chức tài chính ở trên không gian mạng hay không?

e91ba3c239ae9bf0c2bf.jpg
TS. Võ Trí Thành choi sẻ về vấn đề bảo vệ người yếu thế và phát triển tài chính toàn diện. Ảnh Duy Phương

Liên quan đến vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng để bảo vệ người yếu thế và phát triển tài chính toàn diện số cần có 3 yêu cầu. Một là ổn định kinh tế vĩ mô, vì lạm phát sẽ ảnh hưởng đến người thu nhập thấp. Hai là cần khuôn khổ pháp lý, ngoài pháp lý cho fintech cần có luật bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Ba là loạt chính sách hỗ trợ bên cung, bên cầu. Bên cung đưa ra nhiều sản phẩm nhưng làm sao để dễ tiếp cận, dễ hiểu thì cần chuyển đổi về tư duy, đào tạo về tài chính toàn diện.

ca71e723df4f7d11245e.jpg

Theo Bà Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội, tọa đàm này là một trong những kênh vô cùng hữu ích đối với cá nhân tôi nói riêng và công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nói chung.

Bà Phạm Thúy Chinh hy vọng sau tọa đàm lần này các cơ quan có liên quan sớm hoàn thiện nghiên cứu, tổng kết và có bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng. Trong đó có Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội trước kỳ họp thứ 8 để những cơ quan làm công tác xây dựng pháp luật có thêm thông tin và sự hỗ trợ tốt nhất trong xây dựng, hoàn thiện thể chế về phát triển một mô hình mới phù hợp với xu thế chung.

Các tin khác