ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TPHCM

Thiếu trọng tâm, trọng điểm

TPHCM là đô thị đặc biệt của cả nước, giữ vị trí, vai trò là đô thị hạt nhân, đầu tàu, chủ đạo của vùng và khu vực. Trong những năm qua, nhiều dự án nhà ở, khu đô thị không ngừng mọc lên ăn theo các hướng ưu tiên phát triển dựa trên cơ sở Đồ án quy hoạch chung của TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.

TPHCM là đô thị đặc biệt của cả nước, giữ vị trí, vai trò là đô thị hạt nhân, đầu tàu, chủ đạo của vùng và khu vực. Trong những năm qua, nhiều dự án nhà ở, khu đô thị không ngừng mọc lên ăn theo các hướng ưu tiên phát triển dựa trên cơ sở Đồ án quy hoạch chung của TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.

Chen chân hướng ưu tiên 

Việc tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị tại TPHCM còn nhiều bất cập. Đầu tư phát triển đô thị thiếu trọng tâm, trọng điểm; người nhập cư tăng nhanh khiến hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội quá tải, môi trường đô thị xuống cấp nghiêm trọng. Vấn đề này càng phức tạp trong bối cảnh nguồn lực đầu tư dàn trải dẫn đến lãng phí tài nguyên đất đai, tác động tiêu cực đến thị trường BĐS, gây bức xúc trong dư luận.

Ông Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng

Đồ án quy hoạch chung của TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần lượt vào các năm 1993, 1998 và 2010. Theo đó, đến năm 2025 TPHCM sẽ phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp TP tại 4 hướng, với 2 hướng chính Đông và Nam ra biển, 2 hướng phụ Tây - Bắc và Tây, Tây - Nam.

 Định hướng phát triển không gian của TP cũng chỉ rõ hướng chính phía Đông có hành lang phát triển là tuyến cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây và dọc tuyến Xa lộ Hà Nội phát triển các khu đô thị mới có mật độ xây dựng cao, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Hướng chính phía Nam có hành lang phát triển là tuyến Nguyễn Hữu Thọ với điều kiện địa chất thủy văn đặc biệt, có khả năng phát triển về quỹ đất đô thị nhưng phải tuân thủ quy định bảo vệ sông rạch, phát huy thế mạnh đặc thù sông nước với mật độ xây dựng thấp, không giảm diện tích mặt nước phục vụ cho tiêu thoát nước của TP. Hai hướng phụ còn lại: hành lang phát triển Tây - Bắc là tuyến Quốc lộ 22 (Xa lộ Xuyên Á) với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, phát triển các khu đô thị mới, hiện đại đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Hành lang phát triển Tây, Tây - Nam là tuyến Nguyễn Văn Linh với điều kiện địa chất thủy văn không thuận lợi, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị có giới hạn; tuân thủ quy định bảo vệ sông rạch, không làm giảm diện tích mặt nước phục vụ cho tiêu, thoát nước.

Đón đầu cơ hội, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS đang đầu tư nhiều dự án tại hành lang phát triển phía Nam và Đông. Tại khu Nam TP, việc hình thành phát triển các khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghiệp Mỹ Phước 1 và 2, đặc biệt khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng, đã kéo theo nhiều DN BĐS lớn (Novaland, Himlam, Phú Long, Hưng Thịnh, Phát Đạt, Kiến Á, Đức Khải...) về đây phát triển nhiều công trình nhà ở và dịch vụ. Dọc hành lang trục đường Nguyễn Hữu Thọ, hàng trăm dự án nhà ở quy mô lớn thời gian qua đã mọc lên với mật độ xây dựng rất cao. Đặc biệt, làn sóng đầu tư và chuyển dịch dân cư có xu hướng tăng mạnh kể từ khi chính quyền TP có chủ trương phát triển nơi đây thành một đặc khu kinh tế. Trong khi đó, khu Đông TP cũng chuyển mình mạnh mẽ nhờ vào động lực phát triển của khu ĐTM Thủ Thiêm, khu Công nghệ cao, khu Đại học Quốc gia, cảng Cát Lái. Nằm ở vị trí chiến lược trong vai trò liên kết vùng, khu Đông đang được chính quyền thu hút vốn đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng giao thông đối nội lẫn đối ngoại (các Đại lộ Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Xa lộ Hà Nội mở rộng, đường Vành đai 2 và 3, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên...). Hạ tầng giao thông phát triển, quỹ đất còn nhiều và được quy hoạch đồng bộ chính là lợi thế cho các dự án BĐS tại khu vực phía Đông cất cánh.  

Manh mún, thiếu đồng bộ

KTS Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, thẳng thắn thừa nhận TP đã đầu tư phát triển theo quy hoạch nhưng không có kế hoạch và lộ trình thực hiện khoa học và đồng bộ, còn nặng tính cục bộ, manh mún, dàn trải, thiếu tập trung và tính hệ thống. Công trình xây dựng ngày càng nhiều nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi sau chưa được đầu tư kịp thời hoặc có đầu tư nhưng thiếu kết nối đồng bộ; nhiều dự án thiếu nguồn lực thực hiện nên đầu tư dở dang, dẫn đến tình trạng dự án treo, quy hoạch treo, làm lãng phí các nguồn lực xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến đời sống, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân trong khu vực dự án. Hệ lụy là TP thường xuyên bị ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm. Công tác chỉnh trang, quản lý, phát triển đô thị, tổ chức thực hiện theo quy hoạch còn thiếu chiến lược, tính hệ thống, tính đồng bộ, thiếu kế hoạch và lộ trình thực hiện.

Còn theo TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị TPHCM, hơn 30% diện tích TP hiện có chiều cao ngang với mực nước biển. Các huyện ngoại thành như Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, quận 7 bị ngập mỗi khi nước thủy triều dâng cao. Vào mùa mưa tình hình ngập trở nên nặng nề hơn. Từ năm 2010 đến nay các biểu hiện của biến đổi khí hậu đã bộc lộ rõ rệt: mưa kéo dài thời gian hơn, có thể kéo dài hơn 1 giờ, lượng nước mưa nhiều hơn, số lượng các cơn mưa vũ lượng hơn 1.000mm trở nên nhiều hơn. Theo kịch bản, khi nước biển dâng cao thêm 0,7-1m, hơn 70% diện tích bề mặt của TPHCM bị ngập, hơn 80% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp. Phần bị ngập rộng và sâu nhất là phía Nam (Đông Nam và Tây Nam), bao gồm Bình Chánh, quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ.

Hiện nay TPHCM có nhiều thay đổi, biến động lớn về dân số; nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành - lĩnh vực... cũng đã được điều chỉnh, thay đổi so với đồ án quy hoạch chung. Do đó, để chương trình phát triển đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng và các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng và TP, các quy hoạch phát triển ngành - lĩnh vực, một trong những công tác TP cần khẩn trương thực hiện ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ 2016-2020 là đánh giá, rà soát quy trình thực hiện đồ án quy hoạch chung TP đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010 để thực hiện điều chỉnh theo quy định. 

Việc quy hoạch và phát triển TP trong thời gian tới cần xem lại hướng ưu tiên và hướng hạn chế.

Việc quy hoạch và phát triển TP trong thời gian tới cần xem lại hướng ưu tiên
và hướng hạn chế.

Đô thị hóa và hệ quả

Theo quy hoạch, dự báo đến năm 2025 TPHCM đạt 10 triệu người. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại dân số TP đã đạt đến 10 triệu người. Đây là thách thức rất lớn bởi cùng với việc gia tăng dân số là vấn đề kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường. PGS. Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Viện VIUP (Bộ Xây dựng), cho rằng việc đô thị hóa vùng ven, vốn trước đây sử dụng cho mục đích nông nghiệp là nguyên nhân dẫn tới ngập lụt. Trước hết là diện tích hồ, ao, kênh, rạch bị san lấp tăng lên khiến khả năng chứa nước tại chỗ của khu vực giảm. Cùng với đó, tỷ lệ diện tích bề mặt tự nhiên giảm trong khi diện tích đất bị bê tông hóa tăng. Quá trình đô thị hóa trong 15 năm trở lại đây tại TP dẫn đến sự biến mất của 47 con kênh với tổng diện tích 16,4ha, san lấp 7,4ha hồ Bình Tiên. Chỉ trong vòng 8 năm từ 2002-2009, khả năng chứa nước của hệ thống hồ, ao và vùng ngập nước trong TP giảm gần 10 lần.

Năm 1988, Tập đoàn CT&D của Đài Loan cùng với các đối tác Việt Nam đã đầu tư xây dựng khu Nam thành khu vực phát triển năng động của TPHCM. Tuy nhiên, do việc phát triển quá nhanh, thiếu thận trọng, đã để lại một di hại rất nghiêm trọng khi khiến TP bị ngập nước trầm trọng. Như vậy, việc quy hoạch và phát triển TP trong thời gian tới cần xem lại hướng ưu tiên và hướng hạn chế. Theo nhiều chuyên gia, chiến lược phát triển đô thị về phía Nam và Đông Nam của TP trong những năm gần đây cần được đánh giá, cân nhắc ở nhiều góc độ. Phát triển đô thị thích ứng với nước biển dâng và phát triển hướng ra biển không nhất thiết phải đi thẳng ra biển một cách vội vàng về mặt không gian. Vì như vậy sẽ kéo theo định cư, đô thị hóa. Về lâu dài một nguồn lực và tài sản lớn của đô thị đổ dồn vào những khu vực rủi ro, đồng thời phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên sẵn có.

Các tin khác