Ở góc độ DN, ông HONG SUN phân tích về đề xuất nới trần giờ làm thêm ở Việt Nam. Hiện nay các DN nói chung và của Hàn Quốc nói riêng đang thiếu nguồn nhân lực rất nghiêm trọng để tham gia sản xuất.
Theo thống kê, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, số DN thiếu nguồn nhân lực đang gia tăng, nhiều DN thiếu lao động từ 15-30%, thậm chí có DN thiếu đến 50% lao động cho vận hành sản xuất. Chính vì thế, nếu thời gian tới chưa kịp bổ sung nguồn nhân lực, giải pháp cần thiết lúc này là phải tăng thêm thời gian lao động.
Khách quan nhìn nhận thì quy định nới trần giờ làm thêm là cần thiết cho cả hai phía, DN cần, NLĐ cũng cần. Đối với NLĐ, đặc biệt là công nhân, thực tế cho thấy thu nhập chính rất khó để đủ cho nhu cầu sinh hoạt cuộc sống ngày càng tăng, phần lớn các công nhân đều làm thêm ca, thêm giờ. Nên đây sẽ là cơ hội để NLĐ cải thiện thu nhập.
Tôi cho rằng đây là giải pháp thích hợp và Chính phủ Việt Nam nên thực hiện sớm. Một số nước trên thế giới đã thực hiện giải pháp này lâu nay, họ có phần dễ hơn Việt Nam. Bởi thực ra làm thêm giờ phụ thuộc chủ yếu vào hợp đồng giữa NLĐ và người sử dụng lao động, hoàn toàn tự nguyện. Chính phủ một số nước cho phép DN và NLĐ tự điều tiết và thỏa thuận với nhau về thời gian làm thêm ngoài giờ. Điều này có lợi cho cả NLĐ lẫn DN.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, được biết từ vài năm trước phía KORCHAM cũng đã có đề xuất về tăng giờ làm thêm nhưng khi đó không được chấp thuận? Vậy đâu là nguyên nhân?
Ông HONG SUN: - Đúng vậy. Từ những năm trước đã từng có ý kiến đề xuất về việc nới trần thời gian làm thêm cho NLĐ, nhưng Chính phủ Việt Nam không chấp nhận vì liên quan đến pháp luật về lao động đã quy định. Đây cũng là sức ép rất lớn cho các DN, đặc biệt những DN có quy mô lớn, cần lao động nhiều.
Thực tế không riêng gì KORCHAM, mà cũng đã từng có đề xuất từ cả hai bên là DN lẫn NLĐ về việc nới thời gian làm thêm. Hội các DN Nhật Bản, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cũng đề xuất tăng giờ làm thêm, vì quy định về giới hạn số giờ làm thêm nghiêm ngặt đang làm cản trở cả NLĐ và người sử dụng lao động.
Nhiều DN khối FDI gặp nhiều vướng mắc do giới hạn số giờ làm thêm là 4 giờ/tuần, 30 giờ/tháng, 200 giờ/năm, chỉ với một số ngành nghề cần tập trung nhiều lao động như may mặc, dệt may, giày dép được mức 300 giờ/năm. Trong khi đó, năng suất lao động Việt hiện còn khá thấp, không đảm bảo sản xuất cho các DN có tính thời vụ, phải đảm bảo tiến độ hợp đồng.
Hiện nay yêu cầu này càng trở nên cấp thiết đối với DN, vì giải pháp tăng giờ làm thêm cũng giúp DN đảm bảo được lao động tham gia sản xuất, tái phục hồi sản xuất kinh doanh sau một thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.
- Vậy Quy định về giờ làm thêm của Hàn Quốc hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Tại Hàn Quốc, số giờ làm thêm được công nhận khoảng 600 giờ/năm, tức 12 giờ/tuần, trong khi Việt Nam lại áp trần mức 200 giờ/năm, một số ngành nghề mới được nới lên 300 giờ/năm, đây là mức rất thấp. Quy định làm thêm giờ đối với DN như vậy sẽ hạn chế rất nhiều đến sản xuất và phát triển kinh tế.
Thứ nhất, đó là ảnh hưởng lớn tới quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Thứ hai, không phát huy được hết năng suất thực tế của NLĐ, không khai thác được hết nguồn lực lao động khi Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng”.
Thứ ba, NLĐ khó có cơ hội cải thiện thu nhập, cải thiện mức sống. Ngay cả khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) nâng mức giới hạn giờ làm thêm lên 300 giờ/năm thì các DN, đặc biệt những DN thâm dụng nhiều lao động, cũng không đủ bù đắp thiếu hụt về lao động và năng suất lao động vẫn thấp.
- Ông có cho rằng với quy định mới về tăng giờ làm thêm, các DN Hàn Quốc sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn? Triển vọng đầu tư của DN Hàn Quốc vào Việt Nam trong năm nay sẽ như thế nào?
- Tất nhiên rồi, ngay cả khi quy định làm thêm giờ chưa được phê chuẩn thì Việt Nam đã và đang là thị trường đầu tư hấp dẫn với những nhà đầu tư Hàn Quốc. Việt Nam hiện nay là cơ sở sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất của Samsung Electronics. Năm 2021, 50% điện thoại thông minh trên toàn cầu của công ty này được sản xuất tại Việt Nam.
Bấp chấp những khó khăn đại dịch gây ra, năm 2021, Samsung Việt Nam vẫn tăng trưởng 14%, đạt hơn 74 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu tăng 16%. Năm 2022, đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam có thể lên tới con số 10 tỷ USD. Năm nay có thể có một vài dự án lớn, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng với quy mô 3-6 tỷ USD. Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư.
Trong dài hạn, tôi cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn của các DN Hàn Quốc, không chỉ bởi yếu tố kinh tế chính trị ổn định, chi phí cạnh tranh mà còn bởi chất lượng nguồn lao động và những cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết mang lại.
- Xin cảm ơn ông.
Chính phủ một số nước cho phép DN và NLĐ tự điều tiết và thỏa thuận với nhau về thời gian làm thêm ngoài giờ. Điều này có lợi cho cả NLĐ lẫn DN. |