Theo đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ có cuộc họp diễn ra trong hai ngày 30/6-1/7 tới và vấn đề cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu sẽ là một trong những chương trình nghị sự chính của cuộc họp.
Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Đông Âu và các nước đang phát triển đều đã phản đối thỏa thuận mà G7 đạt được trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tháng này. Các cuộc đàm phán tại OECD đang tìm cách khắc phục để có sự đồng thuận của các quốc gia này.
Một số người có liên quan cho biết, các thiên đường thuế và trung tâm đầu tư như Ireland, Thụy Sĩ và Barbados được cho là sẽ từ chối tham gia thỏa thuận. Ngoài ra, chi tiết của các đề xuất sẽ được các bộ trưởng tài chính từ nhóm các nước G20 thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ở Venice vào vào ngày 9/7-10/7.
Một nhà đàm phán nói với Financial Times: “Dù vẫn còn một số bất ổn, nhưng tôi cho rằng thoả thuận sẽ không thất bại. Chúng ta có thể sớm đạt được thỏa thuận”.
Bên cạnh đó, một quan chức châu Âu cho biết: "Nếu chúng ta không thể đạt được thỏa thuận tại G20 thì rất có thể chúng ta sẽ phải bắt đầu lại 20 năm đàm phán về vấn đề này”.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ yêu cầu đề xuất thỏa thuận có lợi cho tài chính công của Mỹ để thỏa thuận đó có cơ hội được Quốc hội Mỹ thông qua. Tuy nhiên, vẫn có rủi ro về những điều khoản chung trong thoả thuận sẽ không được thông qua và Tổng thống Biden cần thời gian để thuyết phục các nghị sĩ trong Quốc hội.
Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Âu đã phàn nàn rằng, thỏa thuận này sẽ phá vỡ các thỏa thuận thuế hiện có đang mang lại ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất thông qua miễn giảm thuế để xây dựng nhà máy và máy móc với mức thuế thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu được đề xuất là 15%.
Tuy nhiên, không quốc gia nào trong số này được xem là thiên đường thuế, mặc dù các công ty đa quốc gia khai thác lợi nhuận để tận dụng mức thuế suất thấp và các quốc gia Đông Âu được miễn thuế cho các nhà máy sản xuất.
Các nhà đàm phán đang tìm cách đảm bảo rằng Trung Quốc cũng có thể hưởng lợi từ điều này, nhưng vẫn chưa được làm rõ liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có đồng ý với thỏa thuận lớn này hay không.
“Không ai thực sự biết lập trường của Trung Quốc là gì và đang để ngỏ tất cả các lựa chọn của họ”, quan chức châu Âu cho biết.
Bên cạnh đó, các nước đang phát triển cũng không hài lòng vì thỏa thuận này sẽ không để họ tăng thêm thuế từ các công ty đa quốc gia lớn nhất và họ sẽ chỉ có quyền đánh thuế một phần nhỏ lợi nhuận của các công ty dựa trên doanh thu.
Nhóm các nước đang phát triển thuộc G24 đã yêu cầu chia sẻ lợi nhuận lớn hơn nhiều để đồng ý với thỏa thuận và đe dọa sẽ tiếp tục áp dụng thuế kỹ thuật của riêng họ.
Mặt khác, các nước đang phát triển cũng muốn tăng mức thuế tối thiểu toàn cầu được đề xuất lên “ít nhất 15%”.
Trong một hội nghị trực tuyến hôm thứ Hai (28/6), ông Mathew Gbonjubola, đại sứ Nigeria tại OECD cho biết, việc đặt mức tối thiểu toàn cầu ở mức 15% sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho các nước ở châu Phi và có khả năng liên tục thúc đẩy sự xói mòn cơ sở thuế từ các nước châu Phi.