Sự thận trọng của ông Rex Tillerson
Theo Washington, số tiền trên có được nhờ một loạt thỏa thuận kinh doanh, từ lĩnh vực năng lượng đến nông nghiệp, từ giao thông, tin học đến hàng không. Trong số này chỉ riêng dự án đầu tư của Trung Quốc để cùng khai thác khí đốt trong vùng Alaska của Hoa Kỳ trong tương lai cho phép tạo 12.000 công việc làm, giảm 10 tỷ USD thâm hụt mậu dịch của Trung Quốc so với Hoa Kỳ hàng năm.
Những con số trên dường như giúp ông Donald Trump chứng minh với công luận trong nước rằng ông thực sự là vị tổng thống đặt quyền lợi của Hoa Kỳ lên trên hết, đạt được mục đích kêu gọi đối tác thương mại Trung Quốc đầu tư vào Hoa Kỳ, tạo việc làm cho người dân nước này.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn tặng một món quà cho Washington khi thông báo kế hoạch mở cửa thị trường tài chính cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trong 3 năm tới, các công ty của Hoa Kỳ có thể được quyền nắm giữ đến 51% các liên doanh với Trung Quốc thay vì chỉ từ 20-49% cổ phần vốn như hiện tại. Một lời hứa khác của Trung Quốc là nước này sẽ giảm thuế nhập khẩu đánh vào xe Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, có một điểm rất đáng chú ý là trước rất nhiều hứa hẹn và thỏa thuận thương mại hơn 250 tỷ USD, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson lại thận trọng cho rằng về thực chất, đây là một bước tiến nhỏ trên con đường cân bằng hóa cán cân thương mại giữa 2 nước.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong buổi gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Báo chí tại New York và Washington lưu ý phần lớn các thỏa thuận Hoa Kỳ vừa đạt được với Trung Quốc không mang tính ràng buộc hay mới chỉ là những văn bản ghi nhớ liên quan đến 37 dự án kinh doanh thuộc 6 lĩnh vực khác nhau, trong đó có nhiều hợp đồng đã đạt được và những gì đôi bên còn phải đàm phán nhưng được gọi vội như món quà.
Vì tính chất mơ hồ ấy, con số 250 tỷ USD, thậm chí 280 tỷ USD, nếu lạc quan lắm chỉ thành hình trong nhiều năm nữa. Thí dụ, việc Boeing bán 300 máy bay trị giá 37 tỷ USD được đàm phán từ năm 2013 và chiếc máy bay đầu tiên chỉ được giao vào năm 2020. Trong khi đó, dự án bán khí hóa lỏng của tiểu bang Alaska được thương thảo từ năm 2012 giữa nhiều doanh nghiệp chưa ngã ngũ, có lúc trị giá lên tới 65 tỷ USD rồi thu lại còn 43 tỷ USD. Nhưng nếu thành hình cũng phải mất cả chục năm nữa...
Có thể nói, những thỏa thuận sơ khởi trên góp phần giải tỏa mâu thuẫn kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và là cử chỉ chính trị của Bắc Kinh. Còn ông Donald Trump cũng có cái để chứng tỏ với người dân ở quê nhà ông đã tranh đấu để thu hút đầu tư vào Hoa Kỳ tạo ra công việc làm cho người dân, nhất là tại các tiểu bang có ảnh hưởng chính trị cho việc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018.
Nhìn nhận về tranh cãi thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc
Nhìn nhận về tranh cãi thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc
Tuy nhiên, có một sự kiện bên lề cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc ít được dư luận chú ý là Bắc Kinh vừa chấp nhận cho doanh nghiệp đầu tư quốc tế mua từ 51-100% phần vốn của các quỹ đầu tư của nước này. Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Uông Dương còn tuyên bố từ nay Trung Quốc không đòi doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ khi đầu tư vào thị trường Trung Quốc.
Đây là loại quyết định nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và cũng là một nhượng bộ cho doanh nghiệp Hoa Kỳ vì họ có thể gia nhập thị trường Trung Quốc để thực hiện nghiệp vụ trung gian của các dự án đầu tư tài chính. Các tổ hợp đầu tư như Goldman Sachs hay Morgan Stanley sẽ có cơ hội kiếm lời nếu thẩm định được rủi ro trong một thị trường tài chính khá “mờ ảo” của Trung Quốc. Rất có thể Bắc Kinh mở cửa cho phố Wall để mong doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ vận động chính trường nước này cho Trung Quốc.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng cán cân thương mại chỉ là một mục trong tài khoản vãng lai của cán cân thanh toán quốc tế. Khi Hoa Kỳ bị thiếu hụt thương mại với Trung Quốc tới hơn 300 tỷ USD như chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn than vãn thì Hoa Kỳ cũng được thặng dư về tư bản hay Trung Quốc phải rót 300 tỷ USD vào thị trường Hoa Kỳ, nhờ đó lãi suất tại Hoa Kỳ giảm và người dân nước này mua hàng rẻ và chi tiêu nhiều hơn.
Nhưng nhìn từ phía Bắc Kinh, đó lại là nạn thất thoát tư bản mà Chính phủ Trung Quốc đang muốn hạn chế. Bắc Kinh muốn các tập đoàn quốc doanh chủ động đầu tư ra ngoài để đem về kiến thức và chiếm lĩnh thị trường chứ không muốn doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đem tiền kiếm lời ở ngoài và gây thêm khó khăn về ngoại hối.
Nếu cứ tranh luận về ngoại thương như hiện nay, 2 nước mới chỉ gay gắt giải quyết phân nửa mâu thuẫn song phương chính đáng. Tuy nhiên, vấn đề của Trung Quốc nằm trong hệ thống quản lý tài chính lệch chuẩn của nước này. Còn vấn đề của Hoa Kỳ là mức tiêu thụ cao, tiết kiệm thấp và bội chi ngân sách quá lớn. Lãnh đạo 2 nước chỉ gây ấn tượng thắng bại về ngoại giao chứ thực chất vấn đề nằm ở kinh tế nội tại của mỗi nước.