Theo ông Rifkin, nhân loại đang ở trong “giai đoạn bình minh” của một cuộc chuyển biến lớn về cơ sở hạ tầng. Nhiều người vẫn còn chưa ý thức được sự thay đổi này bởi năng lượng mặt trời và gió hiện mới chỉ chiếm 3% tổng năng lượng thế giới vào năm 2017. Tỷ lệ này dù vẫn còn thấp so với năng lượng hóa thạch, nhưng đây lại là loại hình năng lượng đang tăng trưởng mạnh nhất, ngày càng thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư.
Điều này dẫn đến kết quả là lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng cho đến khi đạt đến “ngưỡng bùng phát” và từ đó, tiến trình chuyển tiếp sẽ thực sự diễn ra, thể hiện rõ ràng với sự sụp đổ của nền văn minh dựa trên năng lượng hóa thạch, loại năng lượng mà các nhà đầu tư sẽ ồ ạt rời bỏ.
Nhân loại sẽ thoát hiểm nếu kịp rời bỏ năng lượng hóa thạch
Kinh tế gia người Mỹ dẫn giải, hiện một số ngành công nghiệp như công nghệ tin học, giao thông vận tải, đã bắt đầu từ bỏ năng lượng hóa thạch. Bên cạnh đó, nhiều ngành khác, không trực tiếp phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch như dược phẩm hay hóa chất, có nguy cơ phải chuốc lấy các tổn thất ghê gớm vì cổ phiếu bị mất giá do thị trường thay đổi. Cụ thể là loại cổ phiếu nhanh chóng trở nên “giá rẻ như bèo” liên quan đến các đường ống dẫn nhiên liệu không còn được sử dụng, cơ sở dự trữ năng lượng, các trạm cung ứng xăng - dầu thế hệ cũ… Năm 2015, Ngân hàng Citigroup ước tính tổng trị giá của các cổ phiếu loại này lên đến 100.000 tỷ USD. Những tổn thất tiềm tàng này sẽ dẫn đến những phản ứng kháng cự. Đây sẽ là một trong các phương diện của sự sụp đổ nền văn minh dựa vào năng lượng hóa thạch và thế giới không thể tránh được sự sụp đổ này.
Theo ông Rifkin, toàn bộ vấn đề chủ yếu là cần phải khởi động “Thỏa thuận xanh mới”’ ngay từ bây giờ, nhằm xây dựng các cơ sở hạ tầng, kịp thời phục vụ cho công cuộc chuyển đổi năng lượng, trước khi nền công nghiệp dựa trên năng lượng hóa thạch sụp đổ. Kinh tế gia Rifkin cho rằng nguồn tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, về cơ bản, sẽ đến từ các quỹ hưu trí, hiện đang quản lý tiền lương hưu tiết kiệm của hàng triệu người lao động trên toàn thế giới. Hiện tại, ước tính tổng số tiền này là khoảng 37.000 tỷ USD, trong đó chỉ riêng nước Mỹ là 22.300 tỷ USD. Ngoài ra, các nhà đầu tư dài hạn đã bắt đầu rút vốn khỏi lĩnh vực công nghiệp hóa thạch, để chuyển sang đầu tư vào các năng lượng tái tạo. Đây chính là đòn bẩy cho công cuộc chuyển hóa và các đầu tư lớn.
Theo Carbon Tracker Initiative, viện tư vấn của Anh, chuyên tìm hiểu về tác động của biến đổi khí hậu đến các thị trường tài chính, “ngưỡng bùng phát” sẽ đạt được khi 14% tổng năng lượng thế giới do mặt trời và gió cung cấp. Hiện Liên minh châu Âu đã đạt đến ngưỡng này. Trên quy mô toàn cầu, ngưỡng này sẽ đến vào khoảng năm 2028. Nếu khúc ngoặt chuyển đổi quyết định sang kinh tế xanh diễn ra trước thời điểm này, nhân loại sẽ thoát hiểm. Còn trong trường hợp ngược lại, theo ông Rifkin, “chúng ta sẽ rơi xuống vực thẳm”.