Cổ phiếu tăng phi mã
Giá cổ phiếu của Pfizer (Mỹ) đã tăng hơn 2%, sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra chấp nhận hoàn toàn đối với vaccine Pfizer/BioNTech sử dụng cho người từ 16 tuổi trở lên.
Kể từ tháng 12 năm ngoái, vaccine ngừa Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Việc được phê chuẩn hoàn toàn này sẽ giúp Pfizer tăng mạnh đơn đặt hàng từ các bệnh viện, trường học, các doanh nghiệp và những tổ chức khác.
Giá cổ phiếu BioNTech (đồng phát triển vaccine với Pfizer) đã tăng gần 10% ngay sau thông tin này. Moderna (cũng phát triển vaccine Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA) đã tăng 10%. Moderna gần đây đã gia nhập chỉ số S&P 500.
Nhóm cổ phiếu vaccine đã thực sự tỏa sáng trong đại dịch. Từ đầu năm đến ngày 8/9/2021, giá cổ phiếu Pfizer đã tăng 25%, BioNTech tăng gấp 4 lần, Moderna tăng 278,5%, AstraZeneca tăng 13%...
Các nhà đầu tư sớm nắm giữ cổ phiếu vaccine sẽ hưởng lợi lớn. Có thể thấy, khi Moderna lên sàn năm 2018, hãng dược này chỉ được định giá 7,5 tỷ USD nhưng nay là 170,7 tỷ USD (8-9-2021).
Nhờ nhu cầu tăng mạnh đối với vaccine ngừa Covid-19, nhiều hãng sản xuất vaccine đã thu về lợi nhuận khủng trong năm nay. Pfizer dự kiến tạo ra doanh thu kỷ lục trong năm 2021 và gần đây tăng dự báo doanh thu hằng năm lên 78-80 tỷ USD từ mức 70,5-72,5 tỷ USD trước đó.
Vaccine dự kiến sẽ chiếm 42% tổng doanh thu của Pfizer. Dự báo này dựa trên các hợp đồng được ký cho đến giữa tháng 7-2021, vì thế con số sẽ còn cao hơn khi Pfizer ký thêm các hợp đồng mới, nhất là sau khi FDA đã phê chuẩn hoàn toàn vaccine hồi tháng 8. Theo báo cáo của Axios, tổng doanh số vaccine toàn cầu sẽ đạt 60 tỷ USD trong cả năm 2021, trong đó Pfizer chiếm hơn 50%.
Hiện tại, nhiều loại vaccine đã được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp và vaccine của một số hãng khác sẽ sớm được thông qua trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp. Theo Fitch Ratings, nhu cầu vaccine vẫn tiếp tục tăng mạnh, do ngày càng nhiều tổ chức khu vực tư nhân lẫn khu vực công đặt hàng vaccine cũng như nhu cầu đối với mũi thứ 3 để gia tăng miễn dịch cộng đồng.
Trong khi đó, vaccine có hiệu lực chưa tới 12 tháng và đa phần dân số vẫn chưa được tiêm phòng. Đến nay, chỉ 33% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và chỉ 25% đã được tiêm phòng đầy đủ, theo Our World in Data.
Đáng chú ý, các hãng dược không chỉ dừng lại ở việc làm giàu từ vaccine Covid-19. Jonas cho biết thêm Pfizer có thể dùng công nghệ vaccine để phục vụ cho các loại bệnh khác.
Có thể thấy, mặc dù vaccine Covid-19 đang giúp đẩy tăng doanh thu của Pfizer, hoạt động R&D vẫn được đẩy mạnh ở các lĩnh vực khác như ung thư hay miễn dịch học nhằm duy trì danh mục sản phẩm mạnh, giúp giữ vững đà tăng trưởng cổ phiếu hậu đại dịch.
Pfizer đã tăng dự báo đầu tư R&D cho năm 2021 lên mức 10-10,5 tỷ USD, từ mức 9,2-9,7 tỷ USD trước đó, để rót vào các chương trình liên quan đến virus Corona cũng như vào các liệu pháp điều trị khác dựa trên công nghệ mRNA.
Ashtyn Evans, chuyên gia phân tích tại Edward Jones, cho rằng Pfizer sẽ có thể sử dụng dòng tiền thu được từ vaccine ngừa Covid-19 cho cả mục tiêu R&D trong nội bộ lẫn các cuộc thâu tóm để tăng cường danh mục sản phẩm của họ.
Vaccine Covid-19 cũng được đánh giá sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của BioNTech trong những năm tới. Ngoài vaccine Covid-19, hãng công nghệ sinh học Đức đang phát triển một liệu pháp mRNA thử nghiệm để điều trị khối u độc và các khối u rắn khác. Danh mục sản phẩm của BioNTech cũng bao gồm nhiều loại thuốc nghiên cứu giai đoạn đầu nhắm đến nhiều loại ung thư khác nhau.
Dù vậy, nhóm cổ phiếu vaccine cũng đối mặt không ít thách thức. Đáng chú ý là về bản quyền sáng chế vaccine. Nhiều nước đã lên tiếng về việc miễn trừ bản quyền sáng chế vaccine Covid-19 để tăng tốc sản xuất vaccine nhằm ngăn chặn đại dịch. Rõ ràng, mặc dù thuốc generic tốt cho người tiêu dùng nhưng là điều tồi tệ đối với biên lợi nhuận của các hãng dược lớn.
Bởi lẽ, các hãng này chi hàng trăm triệu USD vào R&D và marketing, để rồi phải chịu mất đi 80% thị phần chỉ trong vòng 12 tháng khi một loại thuốc generic được phát triển. Joanna Shepherd, thuộc Trường Luật, Đại học Emory, cho rằng thuốc generic là một những nhân tố gây bất lợi cho hãng dược trong 4 thập kỷ qua, bên cạnh chi phí R&D tăng cao, rủi ro thương mại...
Một số hãng dược lại gặp vấn đề riêng. Như ở trường hợp của AstraZeneca là quan ngại về tình trạng đông máu ở một số ít người tiêm vaccine của Hãng. AstraZeneca cũng gặp khó khăn trong đáp ứng lượng cung vaccine và đã bị EU đệ đơn kiện vì chậm trễ giao vaccine.