Những thống kê ban đầu từ mỗi nước thành viên EU cho thấy tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng này sẽ rất lớn. Theo báo The Straits Times, tại tất cả quốc gia thuộc khu vực đồng EUR (Eurozone), hầu hết đánh giá đều dự đoán về sự thu hẹp 15% GDP trong quý 2 năm nay và khoảng 10% cho cả năm 2020 - những con số có thể so sánh với những con số kỷ lục trong những ngày đen tối nhất của thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930 và tồi tệ hơn gấp 10 lần so với sự suy giảm kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.
Trong bối cảnh các nước hầu như đều gặp khó khăn trong xử lý khủng hoảng y tế, hoạt động kinh tế tê liệt, hàng triệu việc làm bị đe dọa, các quốc gia thành viên EU giai đoạn này lại không có khả năng đưa ra một đáp án chung và đủ lớn để hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Trong khoảng thời gian các nước phải tự tìm kiếm một giải pháp kinh tế đã cho thấy sự phân chia vẫn còn rất sâu sắc. Tuy nhiên, những ngày gần đây đã có sự chuyển động.
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tuyên bố sẵn sàng mua lại 1,1 ngàn tỷ EUR nợ cho các chính phủ. Những ràng buộc của Hiệp định ổn định giới hạn thâm hụt ngân sách được hoãn lại. Nhưng, cho dù cần thiết, những bước tiến này sẽ không đủ cho đến khi chúng được bổ sung thêm hành động phối hợp của các quốc gia thành viên.
Kể từ cuộc khủng hoảng nợ năm 2011, việc kích hoạt các cơ chế đoàn kết tài chính giữa các thành viên của Eurozone có sự thay đổi. Các quốc gia có khả năng nhất về ngân sách đã đồng ý giúp đỡ những nước nghèo nhất để đổi lấy cải cách cơ cấu nhằm đưa những nước này trở lại quản lý đúng hướng. Nay, cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến các nhà lãnh đạo châu Âu thay đổi lối suy nghĩ để cuối cùng có thể thực hiện sự đoàn kết thực sự mà không có động cơ độc lập nào khác.
Bên cạnh đó, EU lần đầu tiên trong lịch sử cũng đã phải chấp nhận điều không thể tránh khỏi là nâng mức trần thâm hụt ngân sách; nhưng đây chỉ là biện pháp ngoại lệ, tạm thời. Hiện có 9 quốc gia EU đang thúc đẩy vấn đề trái phiếu châu Âu.
Những “trái phiếu Corona” này sẽ cho phép các quốc gia không còn thời gian vay mượn có thể đi vay với chi phí thấp hơn, nhờ sự bảo đảm của các quốc gia mạnh nhất, như Đức, Hà Lan và Áo. Điều mà các nước này đang mong muốn là vay một lượng tiền lớn không có điều kiện đi kèm và không phải trả lại trong một vài thập niên tới.
Tuy nhiên, Đức vẫn chưa chấp nhận ý tưởng này.
Le Monde cho rằng, lối thoát để vượt qua bế tắc là sử dụng quỹ Cơ chế ổn định châu Âu. Quỹ 410 tỷ EUR này được thành lập sau khủng hoảng đồng EUR, là một giải pháp không hoàn hảo. Nhưng, một khi đã thích nghi với hoàn cảnh hiện tại, nó sẽ là bản phác thảo đáng khích lệ về tình đoàn kết châu Âu, thậm chí có thể tiến xa hơn khi các ý tưởng đã chín muồi.
Các quốc gia tin rằng, đến lúc tự đặt câu hỏi về chi phí cho sự mất trật tự của liên minh. Trong cuộc khủng hoảng này, EU đang phải chơi trò chơi sống còn.