Loại nào cũng có
Thông tin cá nhân của hàng triệu người trong nước bị khai thác, mua bán công khai trên mạng từ nhiều năm qua. Danh sách cá nhân do các đối tượng rao bán được phân loại rất cặn kẽ, thông tin cụ thể, từ tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ email, địa chỉ nhà riêng, thậm chí cả mức thu nhập hay số dư tài khoản ngân hàng, để tiện cho việc rao bán.
Trên mạng, tại các diễn đàn hội nhóm trao đổi thông tin khách hàng, mỗi ngày có hàng trăm lời chào mời mua bán thông tin cá nhân ở khắp các tỉnh, thành cả nước. Giá bán dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/danh sách, tùy theo số lượng khách hàng, mức độ cập nhật cũng như tầm quan trọng thông tin mà các đối tượng nắm được.
Thông tin cá nhân của nhiều người bị rao bán như một món hàng
Từ thông tin bạn đọc cung cấp, chúng tôi liên lạc với một chủ tài khoản mạng xã hội tên N.N.T. để thăm dò, ngỏ ý muốn mua data thông tin cá nhân của các bác sĩ trên địa bàn TPHCM. T. cho biết, anh ta đang có trong tay danh sách gồm 5.000 số điện thoại, email, địa chỉ nhà riêng bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM, và chào mời: “Thông tin cá nhân bên mình hoàn toàn chính xác tuyệt đối 100%, được cập nhật liên tục. Phí thông tin là 700 đồng/người, với danh sách 5.000 người thì bán với giá 3,5 triệu đồng; giao dịch theo phương thức chuyển khoản qua ngân hàng”.
Khi chúng tôi tỏ ý ngờ vực làm sao biết được các thông tin đó là hoàn toàn chính xác, T. liền trấn an: “Anh sẽ gửi cho em một list danh sách ban đầu, em có thể gọi điện đến từng người để xác minh; nếu ưng ý thì giao dịch, lúc đó anh sẽ gửi danh sách đầy đủ”.
Phải xử lý mạnh tay
Để tìm hiểu các đối tượng bán thông tin cá nhân đã khai thác thông tin từ những nguồn nào, chúng tôi liên hệ với một chủ tài khoản có tên N.T.T. (ở quận Bình Thạnh, TPHCM). T. giới thiệu: “Tôi có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chọn lọc và lấy thông tin cá nhân trên mạng xã hội Facebook. Đầu tiên phải vào các hội nhóm trên Facebook, tìm các bài viết có tính tương tác cao, chủ đề được nhiều người quan tâm, sau đó dùng phần mềm lọc thông tin cá nhân của từng người.
Những thông tin nào đầy đủ cả địa chỉ thì mới lấy về, xếp vào từng nhóm; tiếp đến dùng một phần mềm chuyên biệt phân loại cụ thể từng người, như nơi ở, độ tuổi... Cứ làm như vậy lâu dần sẽ có một bộ data thông tin cá nhân đầy đủ. Công sức nhiều như vậy mà tôi chỉ bán với giá rất rẻ!”.
Tình trạng mua bán thông tin cá nhân đã gây nhiều hệ lụy xấu, phiền toái đối với xã hội. Thế nhưng, hoạt động này vẫn chưa bị ngăn chặn, xử lý. Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP đã quy định hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Ngoài ra, các hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng. Quy định của pháp luật là vậy, nhưng gần như chưa có tổ chức, cá nhân nào bị xử lý về hành vi mua bán thông tin cá nhân trên mạng internet.
Vì vậy, hơn hết mỗi người dân nên có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Không dễ dãi đăng nhập hoặc điền thông tin vào bất kỳ giấy tờ nào để tham gia khuyến mãi, hay khai với những tổ chức không có uy tín hay trang tin đáng ngờ trên internet.