Thu hút đa dạng nguồn vốn FDI

(ĐTTCO) - Những năm qua Việt Nam luôn nằm trong nhóm nước thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, giá trị lan tỏa để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đổi mới mô hình kinh tế còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là chúng ta chậm thu hút dòng vốn có hàm lượng công nghệ cao từ các nước phát triển như Mỹ và EU.

Thu hút đa dạng nguồn vốn FDI
Khác biệt giữa Tây và Đông
Theo thống kê lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 31-12-2021 của Tổng cục Thống kê, 4 đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan có số dự án và tổng vốn đăng ký lớn nhất tại Việt Nam.
Ngoài nguyên nhân do tương đồng về môi trường pháp lý và kinh doanh, văn hóa xã hội gần gũi cũng là điều kiện khiến dòng vốn từ các đối tác này chảy nhiều vào Việt Nam. Tuy nhiên, xét về mặt chất lượng, so với các dòng vốn từ các nước phát triển phương Tây, dòng vốn từ 4 đối tác này có mặt còn hạn chế.
Vai trò chính của FDI là giúp chuyển giao công nghệ, năng lực sản xuất và phương pháp quản trị vượt trội cho nước nhận đầu tư. Nguồn vốn từ Mỹ hay EU có ưu thế hơn trong khía cạnh này.
Chất lượng nguồn vốn của một quốc gia, về khía cạnh năng suất, được đo bằng tổng chi tiêu quốc nội cho R&D (GERD). Theo số liệu được dẫn ra trong Bảng 1, có thể thấy dòng vốn đầu tư từ Mỹ có hàm lượng R&D khác biệt so với dòng vốn từ Nhật Bản và cao hơn nhiều so với dòng vốn từ Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan.
Theo đánh giá, các nhà đầu tư (NĐT) Nhật Bản muốn tìm thị trường tiêu thụ các loại hàng hóa có sẵn hơn là thị trường sản phẩm độc quyền, hàm lượng tri thức cao, nên họ cần nguồn cung lao động có chi phí thấp, hơn là yếu tố năng suất và công nghệ quá cao hay cách biệt như NĐT Mỹ.
Ngoài ra, chất lượng nguồn vốn đầu tư còn chịu tác động bởi chất lượng lao động, được thể hiện ở quy mô tổng các nhà nghiên cứu.
Thu hút đa dạng nguồn vốn FDI ảnh 1 Bảng 1. Tổng chi tiêu quốc nội cho R&D (GERD) và tương quan của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan so với Hoa Kỳ, giai đoạn 2005-2019, theo giá 2015 và PPP. (Đơn vị: triệu USD). Nguồn: https://data.oecd.org/rd/gross-domestic-spending-on-r-d.htm#indicator-chart và tính toán của tác giả.
Mỹ là nền kinh tế có quy mô nhân lực các nhà nghiên cứu lớn nhất trong các nước có vốn đầu tư vào Việt Nam, với trung bình hơn 1,363 triệu người. Quy mô này gấp 3,8 lần Hàn Quốc, gấp 9,6 lần Đài Loan và gấp 37,6 lần Singapore.
Điều này cho thấy Mỹ chú trọng vào các tiêu chí đầu tư bền vững và công nghệ, đi vào chiều sâu, hơn là vốn đầu tư thuần túy dựa trên các lợi thế thị trường, tài nguyên và lao động giá rẻ để tận dụng năng lực gia công sản xuất của nước sở tại, vốn chỉ mang lại giá trị gia tăng thấp cho nước nhận đầu tư.
Bên cạnh đó, một trong những hạn chế lớn của 3 thập niên vừa qua trong thu hút vốn FDI là khả năng khuếch tán công nghệ từ dòng vốn đến từ các nước châu Á cho doanh nghiệp trong nước rất thấp.
Từ những thuộc tính dòng vốn đầu tư, có thể thấy vốn đầu tư từ Mỹ có mục tiêu và động cơ hoàn toàn khác với các NĐT lớn nhất đang bỏ vốn tại Việt Nam. Khác với Nhật Bản, Mỹ thường không chú ý vào những thị trường hàng hóa đã có người tiêu dùng, mà thường cân nhắc đến các thị trường chưa có khách hàng hay những thị trường đòi hỏi hàm lượng R&D và đội ngũ khoa học cao.
Đã có các nghiên cứu cho thấy Mỹ có khuynh hướng đầu tư xuất khẩu các sản phẩm thâm dụng lao động tri thức hơn Nhật Bản.

Cần chính sách nghiêng nhiều hơn về phương Tây
Để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao từ các nước phát triển như Mỹ, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm nâng cao lợi thế địa điểm. Trọng tâm lợi thế này về 3 khía cạnh trên đối với dòng vốn từ Mỹ tập trung vào chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ (thể hiện thông qua GERD) và tính minh bạch, lành mạnh trong hệ thống pháp lý đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó là hệ thống hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật và công nghệ thông tin được xây dựng kỹ lưỡng.
Thu hút đa dạng nguồn vốn FDI ảnh 2 Bảng 2. Tương quan tổng nhân lực các nhà nghiên cứu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan so với Hoa Kỳ, giai đoạn 2005-2019. Nguồn: https://www.oecd-ilibrary.org/science-and-technology/main-science-and-technology-indicators/volume-2020/issue-2_0bd49050-en và tính toán của tác giả.
Theo một báo cáo được thực hiện giữa Bộ Khoa học - Công nghệ và tổ chức SIRO’s Data61 của Australia trong năm 2021, ngân sách chi cho các hoạt động R&D của Việt Nam năm 2019 chỉ 0,53% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN (chỉ trên Indonesia và Philippines). Đây là trở ngại lớn khi tăng thu hút vốn FDI từ Mỹ. 
Thực tế, đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện, sau đó cất vào tủ kính vì chưa bám sát với yêu cầu thực tiễn và thị trường khoa học. Điều này đỏi hỏi các cơ quan chức năng khi phê duyệt, xét duyệt các đề tài cần đặt ra yêu cầu cao hơn về tính thực tiễn ứng dụng.
Đồng thời, cần xem xét cắt giảm các thủ tục, quy định rườm rà, khơi thông cho công tác nghiên cứu khoa học, củng cố niềm đam mê và động cơ nghiên cứu của các nhà khoa học. Có chính sách hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật và bảo hộ nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo toàn dân và huy động được nguồn lực xã hội cho các hoạt động R&D có chất lượng.
Việt Nam được đánh giá có nguồn lao động giá rẻ, nhưng giá lao động cạnh tranh không thể tách rời năng suất lao động. Giai đoạn 2011-2020, năng suất lao động của Việt Nam 5,1%, cao hơn mức trung bình của ASEAN nhưng rất thấp về giá trị tuyệt đối.
Chỉ tiêu này vẫn thấp hơn Singapore 26 lần, Malaysia 7 lần, Thái Lan 3 lần và Philippines 2 lần. Ngoài ra, nếu Việt Nam vẫn chỉ duy trì mức tăng trưởng khá, nguồn vốn FDI kêu gọi được sẽ chỉ như tình trạng lâu nay, tiếp tục gia công sản xuất, đóng vai trò thứ yếu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Có nghĩa, dòng vốn FDI chỉ đóng vai trò khai thác lợi thế hữu hạn về tài nguyên và lao động giá rẻ, kém khả năng chuyển giao công nghệ. 
Rào cản phổ biến ở Việt Nam hiện nay tác động đến dòng vốn FDI từ các nước phương Tây, là mức độ bảo vệ dành cho quyền sở hữu trí tuệ (IP). Để nâng cao khả năng bảo vệ IP, đáp ứng nhu cầu các NĐT, Việt Nam cần đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sở hữu trí tuệ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý đăng ký, phát hiện hành vi xâm phạm IP. 
 Việc chỉ tập trung thu hút vốn FDI từ các nước Đông Bắc Á và Singapore có khả năng biến mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam trở thành “lâu đài trên cát”. Bởi FDI từ các quốc gia này thường thiếu yếu tố bền vững là năng suất và công nghệ, vốn là lợi thế của dòng vốn từ Mỹ hay EU.

Các tin khác