Thu hút FDI chất lượng cao bằng chính sách khác biệt

(ĐTTCO) - Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 66 về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó xóa bỏ nhiều điều kiện kinh doanh chồng chéo. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể thu hút dòng vốn FDI.

Thu hút FDI chất lượng cao bằng chính sách khác biệt

Những lý do chọn Việt Nam

Theo số liệu từ Cục Thống kê, 2 tháng đầu năm tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 6,9 tỷ USD (tăng 35,5%), vốn thực hiện ước đạt 2,95 tỷ USD (tăng 5,4%). Các đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam vẫn truyền thống đến từ châu Á, đứng đầu là Hàn Quốc với vốn đăng ký hơn 1,5 tỷ USD, gấp 5,4 lần cùng kỳ. Kế đến là Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.

Nói về lý do các doanh nghiệp (DN) trên thế giới, đặc biệt là nhiều DN Hàn Quốc, đánh giá cao tiềm năng đầu tư FDI vào Việt Nam và coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu khi xem xét mở rộng đầu tư ra nước ngoài, ông Jeong Jihoon, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), đánh giá 3 yếu tố.

Thứ nhất, Việt Nam đang tích cực triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn như đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, nhà máy điện hạt nhân và nhà máy điện khí.

Thứ hai, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ đầu tư vào hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển), đồng thời ưu đãi mạnh mẽ cho ngành công nghệ thông tin và công nghệ cao.

Thứ ba, Việt Nam có lợi thế địa lý thuận lợi, có hệ thống logistics và giao thông phát triển, duy trì sự ổn định về mặt ngoại giao, giúp giảm bớt rào cản trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Đồng tình với nhận định trên, ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Singapore tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam là một ngôi sao đang lên trong nền kinh tế toàn cầu, và quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Phân tích sâu hơn, ông Seck Yee Chung nhấn mạnh vào một số yếu tố thuận lợi của Việt Nam như: vị trí chiến lược tại Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng GDP luôn vượt xa các nước trong khu vực. Ngoài ra Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, có học thức và năng động. Chính phủ Việt Nam đã chủ động trong việc thu hút FDI, những nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thuế quan và ưu đãi thuế đã giúp DN nước ngoài thành lập và hoạt động dễ dàng hơn.

Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), cho biết nếu cách đây hơn 10 năm việc thu hút FDI của Việt Nam vẫn trong thế bị động, thì nay đã chuyển sang tâm thế mới, cách thức mới chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các nhà đầu tư FDI đánh giá Việt Nam có những lợi thế và cũng là lý do họ chọn đầu tư. Cụ thể Việt Nam có tình hình chính trị xã hội ổn định, chi phí sản xuất cạnh tranh, nhân lực dồi dào và đang trong giai đoạn dân số vàng, thị trường tiềm năng lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, chính sách ưu đãi cạnh tranh, vị trí chiến lược trong khu vực.

Cần bứt phá chính sách

Để có thể chuyển từ thế bị động sang tâm thế chủ động trong thu hút FDI, nhất là đón dòng đầu tư chất lượng cao, Việt Nam đang có những chuẩn bị về quỹ đất, hạ tầng khu công nghiệp. Việt Nam cũng đang chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với đề án đào tạo 100.000 kỹ sư ngành điện tử và 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn.

Ngoài ra, Việt Nam đang tập trung phát triển hạ tầng năng lượng nhất là năng lượng điện. Thành lập tổ hỗ trợ các dự án đầu tư nước ngoài trọng điểm… Đáng chú ý, Việt Nam đang triển khai một số ưu đãi đầu tư đặc biệt. Thời gian hưởng thuế suất ưu đãi tối đa 5% có thể lên tới 37 năm; mức miễn giảm tối đa 6 năm, giảm 50% trong 13 năm.

Đối tượng và điều kiện hưởng ưu đãi gồm, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm R&D vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 3 năm; dự án thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, vốn đầu tư trên 30.000 tỷ đồng, giải ngân 10.000 tỷ đồng trong 3 năm.

Dự án thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, vốn trên 30.000 tỷ đồng đáp ứng thêm 1 trong những tiêu chí bổ sung: công nghệ cao, có DN tham gia chuỗi giá trị gia tăng, chuyển giao công nghệ sẽ được hưởng mức ưu đãi đặc biệt cao hơn.

Những nỗ lực của Việt Nam đã và đang được các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận. Tuy vậy, theo ông Seck Yee Chung, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực cạnh tranh dòng vốn FDI. Các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng đưa ra các ưu đãi hấp dẫn và có cơ sở hạ tầng phát triển tốt. “Việt Nam phải tạo sự khác biệt bằng các thế mạnh riêng, nhưng đồng thời khắc phục những điểm yếu của mình”- ông Chung chia sẻ.

Ông Seck Yee Chung cho rằng Việt Nam cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm các rào cản quan liêu và tăng cường tính minh bạch để tạo ra môi trường đầu tư dễ dự đoán và hiệu quả hơn. Tương tự, phía KOCHAM cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống thủ tục hành chính thông qua số hóa, nâng cấp hệ thống quản lý nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, thì quá trình tiếp cận thị trường của DN FDI sẽ diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Trước những nội dung được các DN nước ngoài đặt ra, ông Đỗ Văn Sử cho biết, Nghị quyết 66 cũng đặt mục tiêu, với tất cả cơ quan nhà nước, 100% thủ tục hành chính liên quan đến DN sẽ thực hiện trên mạng. Vì vậy các thủ tục sẽ được minh bạch, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư”.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực cạnh tranh dòng vốn FDI, bởi các nước láng giềng cũng có chính sách ưu đãi hấp dẫn không kém. Do vậy Việt Nam phải tạo sự khác biệt bằng các thế mạnh và khắc phục những điểm yếu.

Các tin khác