Nhiều tín hiệu lạc quan
Chưa đầy 3 tuần đầu năm mới 2022, hàng loạt các tỉnh Nghệ An, Bắc Giang, Quảng Trị, Long An, Quảng Ninh... đã có những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được khởi công, trao giấy phép đầu tư mới, tạo không khí rộn ràng ngay đầu năm.
Đơn cử ngày 19.1, Công ty CP phát triển công nghiệp BW, liên doanh giữa 2 nhà đầu tư Becamex IDC (VN) và Warburg Pincus LLC (Mỹ) công bố đã hoàn tất mua lại khu đất 74.000 m2, lập khu nhà xưởng xây sẵn nằm trong khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, do Khu công nghiệp DEEP C phát triển tại Quảng Ninh.
Trước đó, ngày 14.1, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An cho biết đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola với tổng đầu tư 136 triệu USD (tương đương hơn 3.000 tỉ đồng) tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, H.Bến Lức, Long An.
Mở màn cho cuộc đua hút vốn ngoại năm nay có thể nói là tỉnh Nghệ An. Ngày 11.1 vừa qua, tỉnh này đã trao giấy chứng nhận đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho Tập đoàn Goertek - chuyên chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, với tổng mức đầu tư từ 100 triệu USD lên 500 triệu USD. Tăng đầu tư 400 triệu USD, Goertek trở thành dự án FDI có quy mô vốn đầu tư lớn nhất tỉnh Nghệ An hiện nay.
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), dự kiến đến tháng 6 năm nay, dự án này sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2023, thu hút thêm 30.000 lao động.
Trước đó, trong những ngày làm việc cuối cùng của năm 2021, Nghệ An cũng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Excel Smart Global Limited (Samoa) để triển khai xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 1, với vốn đầu tư lên tới 200 triệu USD.
Cũng trong những ngày đầu năm 2022, tỉnh Bắc Giang đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một số dự án sản xuất, gia công, sửa chữa dụng cụ dao kim cương của nhà đầu tư Zhengzhou Boruikate Tools Co. Ltd (Trung Quốc) với tổng đầu tư gần 9,3 tỉ đồng; cấp chứng nhận đầu tư cho dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Yên Lư cho nhà đầu tư bất động sản Capella với tổng đầu từ 2.700 tỉ đồng.
Cuối năm 2021, để đón làn sóng đầu tư vào địa phương, tỉnh này cũng cấp phép thành lập Khu công nghiệp Tân Hưng với tổng đầu tư 1.185 tỉ đồng.
Ngoài cấp giấy đăng ký mới và tăng vốn đầu tư, ngày 15.1 vừa qua, Công ty CP tập đoàn T&T và tổ hợp các nhà đầu tư Hàn Quốc gồm: Tổng công ty khí Hàn Quốc (KOGAS), Tổng công ty điện lực Hàn Quốc (KOSPO) và Công ty CP năng lượng Hanwha Hàn Quốc (HANWHA) cũng tổ chức lễ khởi công dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 - 1.500 MW tại xã Hải An, H.Hải Lăng, Quảng Trị.
Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 53.600 tỉ đồng, tương đương 2,32 tỉ USD, trong đó tổ hợp nhà đầu tư góp vốn hơn 13.400 tỉ đồng. Đại diện các nhà đầu tư Hàn Quốc đã cam kết sẽ dùng công nghệ tốt nhất, thực hiện hoàn thành đúng tiến độ giai đoạn 1 dự án.
FDI tăng 20% trong năm nay?
Năm 2021, thu hút vốn FDI của Việt Nam vượt mốc 31 tỉ USD. Nhiều tổ chức cũng như các công ty chứng khoán đều đưa ra dự báo, ngoài đầu tư công thì thu hút vốn FDI sẽ là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn năm 2022.
Cơ sở để đưa ra nhận định về khả năng phục hồi dòng vốn FDI của Việt Nam, theo ông Michael Kokalari, đến từ 3 yếu tố: chi phí thuê công nhân ở Việt Nam thấp hơn khoảng 2/3 so với Trung Quốc nhưng chất lượng lao động lại tương đương; Việt Nam có vị trí địa lý gần với chuỗi cung ứng của châu Á, đặc biệt là trong ngành công nghệ cao; Nhật Bản và Hàn Quốc đang đối mặt với các vấn đề cơ cấu, buộc phải đầu tư ra nước ngoài, mà Việt Nam được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp hai nước này.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, GS-TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - bổ sung, có nhiều cơ sở để đưa ra kỳ vọng về thu hút FDI do các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia ký kết đã có hiệu lực. Xuất khẩu vào các thị trường đó đang tăng trưởng tốt cũng chứng minh hiệu quả của các FTA này trong vài năm qua.
Lúc này đây, sau 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, vắc xin đã phủ toàn cầu, Việt Nam là một trong quốc gia có tốc độ phủ vắc xin lớn, như vậy với nhu cầu phục hồi kinh tế, nối lại các đường bay, giao thương quốc tế… bắt buộc các nước phải trở lại trạng thái bình thường. Muốn bình thường phải tăng tốc đầu tư mới, mở rộng đầu tư. Và Việt Nam đang vào tầm ngắm của các nhà đầu tư lớn. Dự báo vốn ngoại đăng ký sẽ tăng 20% trong năm nay.
“Năm 2021, đầu tư nước ngoài đã đạt gần 31,5 tỉ USD. Với các tín hiệu mới ngay từ đầu năm và thực tế qua các cuộc trao đổi với các nhà đầu tư cho thấy, việc tăng 10 - 20% vốn đăng ký FDI lên 40 tỉ USD trong năm 2022 là có thể thực hiện được. Hiện nhiều dự án đầu tư về năng lượng, sản xuất điện tử… đã vào và một số nhà đầu tư cũng đang tìm hiểu nên tôi nghĩ chúng ta có thể lạc quan cho dòng vốn FDI năm nay”, ông Mại nói.
“Không những tăng tốc tại các dự án đầu tư mới và mở rộng đầu tư các dự án cũ, một số dự án có kế hoạch mở rộng vốn đầu tư trong năm qua, nhưng tạm hoãn vì dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát, thì trong năm nay, các nhà đầu tư có thể quay lại mở rộng”.
GS-TSKH Nguyễn Mại