TPHCM có mạng lưới giao thông đường bộ đang khai thác với tổng chiều dài hơn 4.900km. Gắn với đó là hoạt động kinh doanh trên một phần lòng đường, vỉa hè rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác thời gian qua còn nhiều bất cập dẫn đến lòng đường, vỉa hè thường xuyên bị lấn chiếm.
Việc TP có chính sách cho phép sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè được kỳ vọng sẽ chấn chỉnh tình trạng này và góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.
Lòng đường, vỉa hè thành nơi kinh doanh
Cứ mỗi chiều tối, khi đèn đường bật sáng cũng là lúc hàng quán buôn bán tấp nập trên vỉa hè hai bên tuyến đường Phạm Văn Đồng (đoạn tiếp giáp giữa quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp). Dọc tuyến đường từ chân cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh) đến ngã tư Lê Quang Định (quận Gò Vấp) có hàng chục quán nhậu nằm san sát nhau.
Từ khoảng 16 giờ mỗi ngày, nhiều hàng quán bắt đầu xếp bàn ghế từ trong nhà ra vỉa hè để buôn bán. Có nhiều quán vừa xếp bàn ghế vừa để xe máy chiếm gần trọn phần vỉa hè rộng hơn 5m, nhân viên quán có lúc xuống cả lòng đường vẫy khách.
Buôn bán lấn chiếm vỉa hè đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: THU HƯỜNG |
Cách đó không xa, dọc các tuyến đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh) cũng ken kín hàng quán trên vỉa hè, phần vỉa hè còn lại thì bị chiếm dụng làm nơi để xe cho khách. Nhiều xe đẩy bán hàng rong dưới lòng đường, hàng quán bày ghế nhựa chiếm trọn phần vỉa hè buộc người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Thường hay đi bộ qua khu vực này để đến trường, anh Bùi Văn Tư (22 tuổi, sinh viên) cùng nhóm bạn phải lách giữa các hàng xe máy xếp dày trên vỉa hè hoặc đi xuống lòng đường. “Nhiều nơi cũng như vậy, hàng quán bày bàn ghế trên vỉa hè buộc người đi bộ phải đi xuống lòng đường, khá nguy hiểm cho người lưu thông. Tôi thấy lực lượng chức năng cũng hay đi xử lý lắm, nhưng khi họ rút đi thì đâu lại vào đấy”, anh Tư nói.
Tương tự, nhiều tuyến đường từ ngoại thành vào trung tâm TPHCM như Nguyễn Thái Sơn, Lê Quang Định (quận Gò Vấp); Trần Quang Diệu (quận 3), đường Hai Bà Trưng (quận 1), hay tuyến Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Phạm Hữu Lầu (quận 7)… dù vỉa hè khá hẹp nhưng mỗi buổi sáng và chiều tối, nhiều hàng quán bán đồ ăn thức uống bày bàn ghế, xe đẩy xếp hàng ngang trên vỉa hè.
Còn đường Nguyễn Duy Trinh thuộc phường Bình Trưng Tây và Bình Trưng Đông (TP Thủ Đức) có nhiều đoạn vỉa hè rộng đến hơn 10m (quy hoạch mở rộng đường) cũng thường xuyên bị ken kín bởi nhiều sạp hàng và hàng hóa của các cửa hàng tràn xuống.
Ghé mua trái cây ở một sạp trên vỉa hè đường Nguyễn Duy Trinh (thuộc phường Bình Trưng Đông), chị Nguyễn Thị Mến Thương loay hoay mãi vẫn không tìm được chỗ đậu xe máy. “Vỉa hè rất rộng nhưng gần như không còn khoảng trống để “thở”, hàng hóa ngổn ngang, mạnh sạp nào sạp nấy mở loa giới thiệu mặt hàng mình bán, rất ồn ào”, chị Mến Thương ngán ngẩm.
Danh chính ngôn thuận nên an tâm hơn
Dọc vỉa hè tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, các sạp hàng bày san sát nhau. Những cửa hàng kinh doanh trái cây chiếm diện tích khoảng 2-3m2, xen lẫn vào đó là tủ gỏi cuốn, xô cá đồng hay đơn giản chỉ là cái mẹt có vài bó rau vườn... Những hình ảnh cho thấy vỉa hè đang là nơi mưu sinh của rất nhiều gia đình.
Hàng quán bày bàn ghế chiếm hết vỉa hè đường Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh. Ảnh: NGÔ BÌNH |
“Cửa hàng” của chị Nguyễn Lan Anh chỉ vỏn vẹn cái tủ kính nhỏ đặt ở một góc vỉa hè, bên trong là các loại lòng heo luộc chín, nhưng là “cần câu cơm” của cả gia đình. Trước đây, chị Lan Anh làm công nhân cho một xưởng may gia công, đầu năm 2022 xưởng ngưng hoạt động, chị xoay nhiều nghề khác nhưng không có thu nhập.
Thấy chị làm mấy món lòng heo ngon, bạn bè khuyên chị làm đem ra bán cho khách mang về. Đầu năm 2023, chị Lan Anh bắt đầu “khởi nghiệp”, thu nhập không nhiều nhưng khéo thu vén cũng đủ để trang trải cơm rau hàng ngày. Chị mong muốn khi thành phố áp dụng chủ trương thu phí sử dụng tạm lòng đường, hè phố sẽ tính đến hoàn cảnh từng hộ dân để có sự bố trí cũng như mức giá phù hợp, đảm bảo tính nhân văn trong các chủ trương, chính sách.
Từ thông tin trên báo, đài, ông Trần Ngọc Nam (kinh doanh rau củ và đồ khô trên đường Bùi Văn Ba, quận 7) rất trông chờ về việc cơ quan chức năng sớm triển khai, cho phép sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố có thu phí. Lâu nay, ông Nam thuê điểm bán trước nhà một hộ dân, mỗi tháng vài triệu đồng nhưng luôn trong tình trạng thấp thỏm, lo trật tự đô thị “hốt” vì lấn chiếm vỉa hè. “Nhà nước mà cho thuê tôi chịu liền, danh chính ngôn thuận thì buôn bán sẽ an tâm hơn và chúng tôi cũng chủ động bày biện hàng hóa theo diện tích thuê được”, ông Nam nói.
Theo ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh vẫn còn diễn ra ở một số tuyến đường trên địa bàn. UBND quận 7 đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp thường xuyên rà soát, cập nhật các khu vực, điểm buôn bán mới phát sinh tại các tuyến đường chính để tập trung xử lý dứt điểm, không để phát sinh kéo dài.
Chẳng hạn, quận tập trung tăng cường xử lý trật tự lòng lề đường và vệ sinh môi trường tại các tuyến đường Trần Xuân Soạn (về đêm), Huỳnh Tấn Phát, khu vực Phú Mỹ Hưng, Phạm Hữu Lầu, đường 15B và tuyến đường xung quanh các chợ truyền thống. Tuy nhiên, do nhu cầu mưu sinh, người dân vẫn buôn bán hàng ăn, thức uống chiếm dụng lòng đường, vỉa hè và chính quyền gặp khó khăn, không thể xử lý dứt điểm trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, UBND quận 12 đã chỉ đạo, quán triệt UBND 11 phường thường xuyên duy trì công tác phối hợp với ngành chức năng quận tổ chức các đợt ra quân, tuần tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự lòng đường, vỉa hè. Lực lượng liên ngành thường xuyên cử người tham gia phối hợp ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại các trục đường chính, có tình hình giao thông phức tạp và xảy ra lấn chiếm.
Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức cũng thông tin, nhu cầu sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn quận 12 để sử dụng ngoài mục đích giao thông (như tổ chức hoạt động hiếu hỉ, để xe, buôn bán…) là có thật.
Tuy nhiên, thời gian qua các quy định còn chưa đồng bộ, chưa có hướng dẫn chi tiết về việc sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè nên việc quản lý còn nhiều khó khăn. Do đó, việc TPHCM triển khai thu phí sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè là phù hợp yêu cầu thực tế công tác quản lý và nhu cầu của người dân.
Toàn TPHCM có 4.869 tuyến đường có lòng đường rộng từ 5m trở lên:
Về lòng đường:
- 3.631 tuyến đường, dài 2.328km có lòng đường nhỏ hơn 7,5m
- 1.238 tuyến đường, dài 1.716km có lòng đường từ 7,5m trở lên.
Về vỉa hè:
- 2.598 tuyến đường, dài 2.074,64km không có vỉa hè.
- 2.271 tuyến đường, dài 1.969,36km có vỉa hè, gồm:
- 929 tuyến, dài 673,31km có vỉa hè rộng từ 3m trở lên
1.342 tuyến, dài khoảng 1.296,05km có vỉa hè rộng dưới 3m.