Thủ thuật tăng hệ số CAR của nhà băng

(ĐTTCO) - Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh ảm đạm, nhưng nhiều ngân hàng vẫn liên tục phát hành trái phiếu suốt thời gian qua. 

Thủ thuật tăng hệ số CAR của nhà băng

Đua nhau tung TP ra thị trường

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có báo cáo về giao dịch trái phiếu (TP) tại Bac A Bank, theo đó NH này phát hành thành công 500 tỷ đồng TP kỳ hạn 3 năm, lãi suất 5,2%/năm. Đây là đợt phát hành TP thứ 3 trong năm nay của NH này. Trước đó, Bac A Bank đã phát hành 1.000 tỷ đồng vào ngày 25-4 và 500 tỷ đồng vào ngày 15-5 cũng với kỳ hạn 3 năm, lãi suất lần lượt là 4,8%/năm và 5,1%/năm.

Tiếp tục, từ ngày 27-5, Bac A Bank chào bán lô TP mới giá trị 2.000 tỷ đồng với các kỳ hạn 7 năm và 8 năm. Nhà băng này cam kết mức lãi suất luôn cao hơn mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, với biên độ tối đa lên tới 1,9%/năm, dựa trên biểu lãi suất niêm yết trên website của Bac A Bank ngày 30-5, lãi suất TP lên đến 7,3%/năm. Bac A Bank dự kiến trong 3 năm tới sẽ thực hiện 6 đợt phát hành TP, tổng giá trị chào bán theo mệnh giá của cả 6 đợt là 9.000 tỷ đồng.

MSB cũng vừa phát hành 1.000 tỷ đồng TP và hoàn tất trong ngày 16-5, kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 3,9%/năm. Trước đó, NH này cũng đã phát hành 2.800 tỷ đồng với mức lãi suất 3,9%/năm vào ngày 16-4. Hồi đầu năm, Vietbank chào bán phát hành TP ra công chúng đợt 3 với khối lượng 1.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 năm lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,5% vào 5 năm đầu và biên độ 3,5% vào 2 năm cuối.

Ngày 10-5, Techcombank cũng đã phát hành 1.500 tỷ đồng TP kỳ hạn 3 năm, lãi suất ở mức 4,8%/năm. Cùng ngày, BIDV cũng phát hành thành công 950 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm, lãi suất thả nổi ở mức 5,78%/năm. Giữa tháng 5-2024, HĐQT BIDV cũng đã phê duyệt phương án phát hành TP tăng vốn riêng lẻ năm 2024, trong đó giai đoạn 1 phát hành 8.000 tỷ đồng và giai đoạn sau dự kiến phát hành tối đa 6.000 tỷ đồng.

Trước đó, trong Báo cáo cập nhật thị trường TPDN tháng 4, tổ chức FiinRatings cho biết bên cạnh nhóm ngành bất động sản vẫn chiếm ưu thế, các NH cũng tăng mạnh hoạt động huy động vốn từ kênh TP. 2 ngành này chiếm lần lượt 56% và 43% tổng giá trị phát hành trong tháng 4. Trong đó nổi bật có Techcombank phát hành 1 lô TP với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 3,7%/năm. MB phát hành 6 lô TP tổng giá trị 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn trên 5 năm, lãi suất từ 6,2-6,8%/năm.

Kênh vốn đầy hiệu quả?

Thực ra, các NH tăng cường huy động qua kênh TP để bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn, khi quy định tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn bị siết chặt, đồng thời để cân đối nguồn vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng hồi phục trở lại trong năm nay.

Từ thống kê của NHNN cho thấy, tính tới ngày 29-2-2024, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của nhóm NHTM nhà nước ở mức 23,61%. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của nhóm NHTM lên đến 40,14%. Trong khi đó, Thông tư 08/2020/TT-NHNN quy định, kể từ ngày 1-10-2023, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các NH về mức 30%.

Như vậy, áp lực kéo giảm tỷ lệ này cũng đang khá nặng nề đối với các NHTMCP, trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư khác đang hấp dẫn hơn kênh tiền gửi và TP.

Mặt khác, trong tháng 4 vừa qua, một số NH cũng rất tích cực mua lại TP sắp đáo hạn thay vì chờ đến hạn. Tổng giá trị TP được mua lại trước đáo hạn trong tháng đạt 10.400 tỷ đồng, tăng 7,2% so với tháng 3 và TP NH chiếm đến 95%.

Các chuyên gia phân tích nhận định, việc mua lại TP sẽ đáo hạn vào năm sau và phát hành TP mới là giải pháp NH nhanh chóng cơ cấu nguồn vốn trung, dài hạn. Đồng thời, hoạt động phát hành cho thấy các NH đẩy mạnh phát hành TP mới kỳ hạn 5 năm trở lên. Bởi đa số nhà băng đang có cùng mục tiêu là tăng vốn cấp 2, một nguồn vốn được tính vào tỷ lệ an toàn vốn (hệ số CAR).

Thủ thuật tăng hệ số CAR

Song bên cạnh đó, câu chuyện phát hành TP của NH để tăng vốn cũng còn những vấn đề đáng quan tâm khác. Một chuyên gia tài chính chia sẻ, đối với NH, hệ số CAR là một chỉ tiêu phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có rủi ro. Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, hệ số CAR được tính theo công thức vốn tự có chia cho tổng tài sản, tính theo rủi ro tín dụng nhân 100%. Tỷ lệ này phải đạt mức tối thiểu 8%. Trong đó vốn tự có của NH bao gồm TP có kỳ hạn dài và vốn chủ sở hữu.

Để tăng vốn tự có từ đó đạt được hệ số CAR, nhiều NH đã và đang phát hành rất nhiều TP dài hạn trên 5 năm. Theo đó, một số NH chào mời người gửi tiền mua TP với lợi ích bày ra: “TP tuy rủi ro cao hơn nhưng lãi suất cao hơn. Và người gửi tiền tiết kiệm nếu mua TP lo ngại làm sao rút tiền lúc cần? Để xử lý vấn đề này, NH sẽ mua lại TP trước hạn trong hồ sơ phát hành, để khi cần người mua có thể bán lại cho NH”.

Lợi ích của việc này đối với người mua là nắm giữ TP không kỳ hạn (có thể bán bất cứ lúc nào), nhưng khi bán lại sẽ được hưởng lãi suất có kỳ hạn. Trong khi đó, gửi tiền tiết kiệm là gửi có kỳ hạn, nhưng rút trước hạn sẽ hưởng lãi suất không kỳ hạn. Như vậy, người mua được đáp ứng nhu cầu sinh lợi còn NH được hệ số an toàn vốn tốt.

Tuy nhiên, chuyên gia này đặt vấn đề, NH phát hành TP tính vào vốn cấp 2, sau đó mua lại, vậy TP mua lại tính vào kỳ hạn nào, khi mà TP tính vốn cấp 2 phải có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Cụ thể là nếu 100 ngày sau khi phát hành, người mua bán lại TP cho NH lấy lại tiền. Còn NH vẫn hạch toán TP đó vào kỳ hạn dài tính vào vốn tự có, xem đó là vốn dài hạn đi cho vay trung và dài hạn. Liệu đó có phải là một kẽ hở trong câu chuyện NH phát hành TP tăng vốn cấp 2, từ đó đảm bảo hệ số CAR?

Các NH đẩy mạnh phát hành TP mới kỳ hạn 5 năm trở lên. Bởi đa số nhà băng đang có cùng mục tiêu là tăng vốn cấp 2, một nguồn vốn được tính vào tỷ lệ an toàn vốn (hệ số CAR).

Các tin khác