Thủ tục hành chính nhà đất: Cải nhiều, tiến ít

(ĐTTCO) - Các thủ tục về nhà đất như cấp phép xây dựng, cấp giấy chủ quyền… thời gian qua đã có nhiều cải tiến theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân. 
Tuy nhiên trong thực tế vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp, trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Qua một cửa nhưng chưa liên thông

Ông Tống Đức Tiến, Trưởng phòng Cấp phép (Sở Xây dựng TPHCM), cho biết mỗi năm các quận huyện cấp phép cho khoảng 60.000 trường hợp xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, Sở Xây dựng cấp phép cho khoảng 200 dự án. Riêng các dự án nhà ở phải qua nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều sở, ngành trước khi dự án được cấp phép nên mất khá nhiều thời gian. Trong khi đó dự án nhà ở riêng lẻ của người dân khá đơn giản, theo quy định hiện nay thời gian giải quyết mỗi hồ sơ chỉ 15 ngày làm việc. 

Mới đây, để tạo thuận lợi cho người dân đỡ phải mất thời gian đi lại, TP đã triển khai dịch vụ cấp phép qua mạng, thời gian giải quyết cũng 15 ngày làm việc kể từ ngày đầy đủ hồ sơ.
Anh Hải, một người dân đang đến UBND quận Bình Thạnh để bổ túc hồ sơ xin phép xây dựng căn nhà trên đường Bùi Đình Túy, cho biết: “Khi chuẩn bị xây nhà, tôi có tìm hiểu thủ tục xin cấp phép xây dựng và được biết có dịch vụ xin cấp phép qua mạng. Tuy nhiên sau một số lần gửi thông tin đi, chờ phản hồi rồi sau đó bổ sung một số giấy tờ tôi thấy phiền phức vì cứ phải chờ đợi qua mạng, nên hủy toàn bộ thông tin đã gửi trước đó để đến đây xin phép trực tiếp”.  Khi chọn cách nộp hồ sơ qua mạng, ngoài những giấy tờ như bản vẽ, đơn xin cấp giấy phép, người dân cần phải chụp toàn bộ các mặt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất, kể cả phần thông tin cập nhật tên chủ sở hữu mới trong giấy chứng nhận. Chính vì vậy nhiều người dân không biết cách làm nên khi chuyển hồ sơ trực tuyến, tổ tiếp nhận thấy thiếu giấy tờ phải gửi phản hồi đề nghị bổ sung. Và mỗi lần như vậy thường mất thêm không ít thời gian, vì vậy nhiều người dân vẫn theo thói quen chọn cách nộp hồ sơ trực tiếp.  Ngoài tâm lý e ngại vì còn mới mẻ, người dân nhiều lúc chưa đáp ứng được yêu cầu. Bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết một trong những trở ngại, khó khăn nhất khi triển khai dịch vụ công trực tuyến là hiện nay nhiều người dân còn hạn chế trong việc sử dụng công nghệ thông tin, khả năng sử dụng, cập nhật internet còn thấp. Ngoài ra, tâm lý người dân lâu nay lo ngại về sự không thuận tiện, mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, do vậy đa số người dân vẫn lựa chọn cách nộp trực tiếp tại UBND quận như lâu nay. Trao đổi với ĐTTC, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Thông tin-Truyền thông TP, cho biết chúng ta đang hướng đến xây dựng “TP thông minh” nhưng hạ tầng kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, việc sử dụng dữ liệu giữa các sở, ngành với nhau cũng còn gặp khó khăn. Chính vì vậy, việc cấp phép qua mạng nói chung và cấp phép xây dựng nói riêng TP cần xây dựng quy chế mô hình một cửa liên thông, tiến đến liên thông điện tử tại từng sở (Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tư pháp) với cơ sở pháp lý chặt chẽ.
Thủ tục hành chính nhà đất: Cải nhiều, tiến ít ảnh 1 Với một "rừng" thủ tục không phải người dân nào cũng nắm bắt để kê khai suôn sẻ. Ảnh: LONG THANH 
Qua dịch vụ dễ thông
Nghị định 01/2017 của Chính phủ được đánh giá là có nhiều cải tiến về cấp giấy chứng nhận chủ quyền nhà, đất cho người dân, đặc biệt là những nhà đất mua bán bằng giấy tay từ năm 2008 trở về trước.
Ông Nguyễn Thanh Bình (quận 9) mua 50m2 đất bằng giấy tay vào năm 1998, đến năm 2005 thì xây nhà. Tưởng có thể đăng ký cấp sổ đỏ theo Nghị định 01 nên ông đến Văn phòng Đăng ký đất đai quận 9 nộp hồ sơ. Qua kiểm tra bước đầu, cán bộ trả lại hồ sơ vì căn cứ vào giấy viết tay thời điểm mua bán diễn ra không đúng trong khung thời gian từ 1-7-2004 đến 1-1-2008. 

Theo luật sư Phan Tấn Hải (Đoàn Luật sư TPHCM), cán bộ hiểu như vậy là cứng nhắc. Bởi theo thời điểm nói trên là để mở rộng cho những trường hợp mua bán bằng giấy tay được hợp thức hóa theo Luật Đất đai 2013.
Còn trước thời điểm từ 2004 trở về trước, theo quy định cũ các trường hợp mua bán giấy tay vẫn được cấp giấy chủ quyền, nếu trước đó người dân chưa xin cấp thì bây giờ vẫn có thể làm được. Trên thực tế khi người dân trực tiếp đi xin cấp giấy chủ quyền vẫn phải chạy tới chạy lui bổ sung nhiều lần hồ sơ mới được hoàn chỉnh. Trong khi đó, nếu thông qua các “dịch vụ” hồ sơ được giải quyết khá nhanh. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM, cho rằng Nghị định 01 trong mục cấp sổ đỏ cho trường hợp viết giấy tay vẫn còn một số vướng mắc. Tuy nhiên, để giải quyết sớm cho người dân, Sở Tài nguyên-Môi trường đã chủ động phần việc nào có thể xử lý được sẽ làm trước, đồng thời gửi giấy báo đến tận nhà người dân mời lên làm việc.
Ông Thắng đề nghị người dân chuẩn bị bộ hồ sơ gồm: đơn đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất; giấy tờ liên quan chứng minh diễn biến, quá trình xây dựng và sử dụng căn nhà; bản vẽ tổng thể mảnh đất và thiết kế căn nhà. Hồ sơ nộp tại UBND xã, phường hoặc văn phòng đăng ký đất đai cấp quận, huyện.

Các tin khác