Theo các nhà phân tích, một hệ lụy tất yếu là toàn bộ chiến lược đàm phán về việc Anh rời Liên minh châu Âu đứng trước nguy cơ bị xem xét lại. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã có những phản ứng đầu tiên.
Kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 8/6 đã không chỉ khiến người đứng đầu chính phủ Bảo thủ của Anh bỏ lỡ “canh bạc” do chính mình khởi xướng để củng cố quyền lực, mà còn khiến vị nữ lãnh đạo này gặp khó khăn trong việc áp đặt lập trường trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu dự kiến bắt đầu 10 ngày sau cuộc tổng tuyển cử.
Chủ trương về một “Brexit cứng”, bao gồm cả việc rời thị trường chung, bà Theresa May đã quyết định tổ chức bầu cử Quốc hội sớm 3 năm so với kế hoạch để có thể nhận được “một nhiệm kỳ rõ ràng” cũng như nhằm chấm dứt mọi hoài nghi trong đảng của mình.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, uy tín của người đứng đầu Chính phủ Anh đã bị suy yếu mạnh, vào thời điểm điều này là rất cần thiết để bắt đầu các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu.
Dĩ nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt trong đó là Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hai đầu tuần của khối và cũng là những nước dẫn đầu các dự án cải cách châu Âu tham vọng sẽ không rời mắt khỏi sự kiện quan trọng này. Bởi, kết quả của nó chắc chắn sẽ làm thay đổi các cuộc đàm phán về cơ bản.
Nhiều nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu đã bày tỏ lo ngại việc không đảng nào giành đa số ghế trong Quốc hội mới tại Anh sẽ khiến tiến trình đàm phán đưa Anh rời EU bị trì hoãn và nguy cơ đàm phán thất bại lớn hơn.
Ông Pierre Moscovici, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính châu Âu nói: “Điều duy nhất tôi muốn nói đó là Ủy ban châu Âu với các nhà đàm phán sẵn sàng bắt đầu các cuộc thảo luận. Liệu chúng ta có thể bắt đầu các cuộc đàm phán Brexit từ 19/6 hay không thì cần phải chờ đợi.
Chúng ta phải đợi các tuyên bố của bà Theresa May, việc thành lập chính phủ cũng như quan điểm khác nhau về Brexit trong nội bộ Đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào chúng tôi cũng sẵn sàng đàm phán”.
Trọng trách đối với bà Theresa May không chỉ có một, mà gần như là nhân đôi. Trên bình diện quốc tế, uy tín của bà đã bị giáng một đòn mạnh. Theo các nhà phân tích, giờ đây khi bà đưa ra bất kỳ đề xuất nào, các đối tác châu Âu đều có thể nói: “rất tốt, song chúng tôi cần thời gian xem xét”.
Thủ tướng Anh cũng sẽ phải đấu tranh để có thể áp đặt quyền lực của mình trong chính đảng Bảo thủ cầm quyền, cũng như phải chịu trách nhiệm trước những nghị sĩ hoài nghi châu Âu, từng dành sự ủng hộ lớn cho bà trước đây.
Rõ ràng, nếu bà Theresa May nhận được một sự ủy thác quyền lực mạnh mẽ của cử tri, thì tiếng nói của bà cũng sẽ có nhiều trọng lượng hơn để thương lượng những hồ sơ gai góc như khoản tiền nước Anh nợ Liên minh Châu Âu, ước tính vào khoảng 50-100 tỷ euro hay những quyền lợi dành cho công dân châu Âu.
Trong một phản ứng đầu tiên trước kết quả bầu cử, ông Nigel Farage, cựu lãnh đạo Đảng Độc lập Vương quốc Anh (Ukip) phản đối châu Âu lo ngại, tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu có thể bị lâm nguy, thậm chí cảnh báo khả năng vấn đề bị xem xét lại.
Theo ông Nigel Farage, điều 50 của Hiệp ước Lisbon đã được kích hoạt và tất cả đều đã sẵn sàng, song chính bà Theresa May lại khiến mọi việc trở nên khó khăn. Ngay cả Bộ trưởng Brexit David Davids cũng bắt đầu cho thấy những hoài nghi.
Còn những người phản đối Brexit ngay lập tức tìm cách tận dụng cơ hội này để yêu cầu một sự thay đổi trong cách tiếp cận về việc rời Liên minh châu Âu.
Hiện có nhiều lời đồn đoán rằng một chính phủ liên minh tại Anh có thể sẽ ủng hộ quá trình đàm phán rời EU "mềm mỏng hơn" so với kế hoạch của bà May, đồng thời có thể sẽ để Anh ở lại thị trường chung song cũng gây ra những mối phiền toái mới cho EU.
Vì vậy lo ngại về viễn cảnh một cuộc ly hôn không thỏa thuận là hoàn toàn có cơ sở. Dẫu vậy, theo Thủ tướng Pháp Edouard Philippe trong bất kỳ kịch bản, châu Âu cũng sẵn sàng đàm phán với Anh trên tinh thần “đôi bên cùng có lợi”.
“Bất cứ chính phủ nào được thành lập sau bầu cử cũng sẽ là một đối tác hợp pháp trong các cuộc đối thoại với chính phủ Pháp. Trong khuôn khổ nghị định khung châu Âu, chúng tôi sẽ thảo luận với người Anh về các điều kiện Brexit cũng như các hoạt động hợp tác song phương, trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Vì Anh là một đối tác quan trọng của Pháp”, ông Philippe nói.
Trong lúc này vấn đề được dư luận quan tâm nhất hiện nay chính là lộ trình chính trị tiếp theo của nước Anh. Vì không thể giành được thế đa số tuyệt đối tại Quốc hội, bà Theresa May sẽ phải cố gắng thành lập Chính phủ, điều này có thể kéo dài và phức tạp. Tương lai của chính Thủ tướng Theresa May cũng bị đặt đang trong tầm ngắm.