Theo thiết kế, chiều dài toàn tuyến đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài khoảng 53,5km, với điểm đầu giao với đường Vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn (TPHCM) và điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh).
Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT (có sự hỗ trợ của Nhà nước) và chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, xây dựng đoạn TPHCM - Trảng Bàng (Tây Ninh) với quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn và đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài với quy mô 4 làn xe (đường cao tốc hạn chế). Giai đoạn 2 (giai đoạn hoàn chỉnh), xây dựng đoạn TPHCM - Trảng Bàng với quy mô 8 làn xe và đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài với quy mô 6 làn xe.
Sau khi hoàn thành, dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hành lang kinh tế Đông - Tây, hệ thống đường xuyên Á qua cao tốc Phnom Penh - Bavet của Campuchia.
Trước đó, UBND TPHCM và tỉnh Tây Ninh cùng gửi văn bản kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho TPHCM có thẩm quyền tổ chức triển khai dự án, phối hợp thực hiện cùng Tây Ninh. Hai địa phương cũng đề xuất tự lo kinh phí bồi thường (phía TPHCM khoảng 2.000 tỷ đồng, Tây Ninh 1.000 tỷ đồng); phần kinh phí xây lắp, đầu tư còn lại gần 8.000 tỷ đồng kiến nghị Chính phủ cho đấu thầu hoặc chỉ định thầu.
Ngày 16-10, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu cùng đại diện các bộ, ngành liên quan đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành sớm hoàn tất các công việc, phấn đấu đến quý 1-2021 khởi công giai đoạn 1 sân bay Long Thành...