Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Không hợp thức hóa sai phạm nhưng phải tìm cơ chế giải quyết'

(ĐTTCO) - Đối với các dự án có kết luận thanh tra, kiểm tra, xét xử của tòa án nhưng sau đó có những vướng mắc không giải quyết được, Chính phủ xin Bộ Chính trị chủ trương, từ đó thể chế hóa cơ chế giải quyết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Không hợp thức hóa sai phạm nhưng phải tìm cơ chế giải quyết'

“Tinh thần không hợp thức hóa sai phạm nhưng phải tìm cơ chế, chính sách giải quyết việc này để giải phóng nguồn lực" là phát biểu kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM ngày 16-4.

Thường trực Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thường trực Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thủ tướng tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí đầu tàu, tầm quan trọng của TPHCM đối với cả nước trên các lĩnh vực và ngược lại cả nước vì TP. TP có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và có đầy đủ yếu tố để tiếp tục phát triển nhanh, bền vững cùng đất nước.

Phân tích các yếu tố tác động đến nền kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến phục hồi và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong khi nền kinh tế nước ta với độ mở lớn sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép cả từ các yếu tố bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại.

Thủ tướng nhận định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Do đó phải vượt qua thách thức, tháo gỡ khó khăn bằng các cơ chế, chính sách; chỉ đạo điều hành của các cấp tạo động lực, truyền cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp tham gia giải quyết khó khăn.

Thủ tướng yêu cầu phải kiên trì, kiên định, cương quyết thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đồng tình và hoan nghênh các giải pháp của TPHCM để thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm một số giải pháp. Trong đó, các bộ, ngành và thành phố phối hợp tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình trong nước, nước ngoài và tại TPHCM.

TP phải bình tĩnh, chắc chắn, chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả trong xử lý các vấn đề, cả nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất và các vấn đề tồn đọng với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, không chủ quan và dứt khoát là không bi quan.

Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai quyết liệt, đồng bộ các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội, các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ gần đây; tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo nhiều sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ.

Cùng với đó, phải tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, bất động sản; tháo gỡ vướng mắc về quy định phòng cháy, chữa cháy đúng tình hình, sát thực tế, khả thi; tập trung làm tốt việc giao đất, định giá đất; đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế; kích cầu đầu tư; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Khẳng định vai trò của đầu tư công trong dẫn dắt đầu tư tư nhân, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, Thủ tướng yêu cầu TPHCM đảm bảo tiến độ, kế hoạch giải ngân đầu tư công. Đồng thời, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.

Đi vào từng nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu TPHCM khẩn trương hoàn thành quy hoạch chung thành phố. Với nhiệm vụ này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ KH-ĐT, Văn phòng Chính phủ cùng các đơn vị liên quan tập trung hỗ trợ thành phố để kịp hoàn thành trong năm nay. Bên cạnh đó, TPHCM và các bộ, ngành phối hợp xây dựng các giải pháp thúc đẩy hấp thụ vốn, tiếp cận vốn, giãn nợ, khoanh nợ… để tạo sự tăng trưởng tiêu dùng và sản xuất.

Đối với các dự án bất động sản, Thủ tướng yêu cầu TPHCM giải quyết từng dự án cụ thể, nhất là các dự án lớn. Tập trung công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm về giao thông. TP cần rà soát lại công tác cán bộ, tránh khuynh hướng sợ trách nhiệm và tham nhũng; thành lập Tổ công tác do Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án...

Để thực hiện kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để TPHCM phát triển nhanh, bền vững, trên tinh thần cả nước vì TPHCM, TPHCM vì cả nước, Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành, thành viên Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động phối hợp, hỗ trợ TPHCM.

Đối với các kiến nghị cụ thể của TPHCM, Thủ tướng cơ bản đồng ý xem xét, giải quyết và giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành phối hợp với TPHCM để triển khai thực hiện. Trong đó, với nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội, Chính phủ đã thống nhất và giao Bộ KH-ĐT trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp vào tháng 5 tới.

Với kiến nghị gỡ vướng cho dự án bất động sản liên quan đến các khu đất của doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, Thủ tướng cho biết, tổ công tác của Thủ tướng về kiểm tra, rà soát, tháo gỡ khó khăn liên quan đến các dự án đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và một số tỉnh, thành phố (Tổ công tác 153) đã có báo cáo Thủ tướng để báo cáo Bộ Chính trị một lần về vướng mắc.

Đối với các dự án có kết luận thanh tra, kiểm tra, xét xử của tòa án nhưng sau đó có những vướng mắc không giải quyết được, Chính phủ xin Bộ Chính trị chủ trương, từ đó thể chế hóa cơ chế giải quyết.

“Tinh thần không hợp thức hóa sai phạm nhưng phải tìm cơ chế, chính sách giải quyết việc này để giải phóng nguồn lực. Thanh tra Chính phủ phải khẩn trương việc này với sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Các tin khác