Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ công bố thỏa thuận hợp tác và trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Bộ KH-ĐT, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam bộ với các đối tác, nhà đầu tư. Theo đó, có tổng số 20 dự án với hơn 10 tỷ USD và hơn 5.000 tỷ đồng ở các lĩnh vực lọc hóa dầu, điện tử, hạ tầng khu công nghiệp, du lịch, đô thị… Trong đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã trao 4 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 4 doanh nghiệp với tổng số vốn là hơn 71,2 triệu USD. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trao 3 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn 4.789,6 tỷ đồng và 250 triệu USD; trao 7 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng số vốn hơn 7,9 tỷ USD và 1.820 tỷ đồng. Trong đó, dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam giai đoạn 2 có số vốn đăng ký là 5,5 tỷ USD. UBND tỉnh Bình Phước trao 2 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn 30,4 triệu USD, trao 1 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn 162 triệu USD và 1 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với số vốn là 26.000 tỷ đồng. UBND tỉnh Tây Ninh trao 1 giấy chứng nhận đầu tư với số vốn 250 triệu USD; UBND tỉnh Đồng Nai trao 1 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn là 125 triệu USD. |
Sáng 26-11, Bộ KH-ĐT phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 154 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT; Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM.
Khắc phục tồn tại, hạn chế
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng Đông Nam bộ có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ; thành quả đạt được của vùng là rất lớn, góp phần vào thành quả chung của đất nước sau 35 năm đổi mới. Sau đại dịch Covid-19, vùng Đông Nam bộ đã phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững.
Thủ tướng khẳng định những thành tựu đạt được của vùng góp phần vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của cả nước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Dù vậy bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra, vùng Đông Nam bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải giải quyết. Thủ tướng chỉ ra những điểm mâu thuẫn lớn nhất của vùng, đó là tiềm năng của vùng rất lớn nhưng cơ chế chính sách còn hạn hẹp, đây là mâu thuẫn lớn nhất của vùng.
Kết nối hạ tầng chiến lược đồng bộ chưa đầy đủ, toàn diện và hiệu quả; huy động nguồn lực của vùng chủ yếu dựa vào nhà nước, chưa huy động, phát huy được nhiều nguồn lực trong xã hội, trong nhân dân. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa ngang tầm với vị trí, vai trò, lợi thế, với yêu cầu phát triển của vùng. Văn hóa chưa theo kịp với sự phát triển của chính trị, kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, Thủ tướng chỉ ra các thách thức đối với vùng, là phát triển chưa bền vững, tắc nghẽn giao thông, biến đổi khí hậu, ngập úng, ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu nghèo, an sinh xã hội…
Trước những mâu thuẩn và thách thức lớn đối với vùng, Thủ tướng đặt ra câu hỏi cần làm gì để giải quyết các mâu thuẫn cũng như vượt qua những thách thức trên.
Đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện
Thủ tướng nhắc lại các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể phát triển vùng Đông Nam bộ đóng góp vào phát triển chung của cả nước, theo quan điểm “phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm, tổng thể và bền vững”. Đồng thời, phân tích sâu các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển vùng Đông Nam bộ với phương châm “Tư duy đổi mới - Đột phá mới – Giá trị mới”.
Thủ tướng phân tích “tư duy mới” là phải phát huy tính tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, chân trời cửa biển của vùng; không trông chờ ỷ lại. Cùng với đó, dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài. Nội lực là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử - văn hóa, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
"Từ đấy, chúng ta có những sản phẩm không phải “Made in Vietnam” mà là “Make in Vietnam”. Sản phẩm của chúng ta phải là trí tuệ, năng lực, bản lĩnh từ người Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. Đồng thời đó, nội lực phải kết hợp với ngoại lực. Ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Tư duy đổi mới còn là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, độc lập tự chủ không có nghĩa là tự cung tự cấp, tự khoanh mình lại. Mà đó là tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất và hiệu quả. Tư duy đổi mới còn là biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể.
Cùng với đó, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp ngoài nước, với bạn bè quốc tế. Những vấn đề toàn cầu phải có tư duy, cách tiếp cận toàn cầu; các vấn đề tác động toàn dân phải được tiếp cận toàn dân. Mọi chính sách phải hướng đến người dân, người dân tham gia vào xây dựng chính sách một cách dân chủ, công bằng, bình đẳng. “Tư duy mới này phải phát huy nhiều hơn nữa. Chúng ta đang làm thì làm tốt hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa mà Thủ tướng dành thời gian phân tích đó là “đột phá mới”. Trong đó, phải có cơ chế chính sách đột phá xuất phát từ thực tiễn. Khi đó, cơ chế chính sách tạo ra nguồn lực, nguồn lực bắt đầu từ thực tế. Đồng thời, có nhiều cách thức, phương thức huy động nguồn lực từ nhà nước, người dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước; nguồn lực được tích luỹ qua nhiều năm.
Bên cạnh đó, huy động nguồn lực hợp tác công tư với các hình thức như “lãnh đạo công, quản trị tư” cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Những hình thức khác nữa là “đầu tư công, quản lý tư”, “đầu tư tư, sử dụng công”. Thủ tướng đặt vấn đề đáng suy nghĩ: Suốt 10 năm qua, vì sao cả vùng Đông Nam bộ chỉ có 50km đường cao tốc, trong khi có những tỉnh đã xây dựng gần 200km đường cao tốc mất thời gian chưa đến 10 năm?
Đột phá mới, theo Thủ tướng phân tích, đó là phải hình thành trung tâm tài chính quốc tế huy động nguồn lực; cùng với đó, cần thiết phải có quỹ phát triển hạ tầng giao thông chiến lược của vùng Đông Nam bộ.
“Những việc này các bộ ngành Trung ương, các địa phương và doanh nghiệp phải bám sát thực tiễn, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm để xử lý”, Thủ tướng chỉ rõ.
Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh phải lấy khoa học công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, tăng năng suất lao động phải trở thành phong trào, xu thế phát triển trong vùng. Đột phá về phát triển văn hóa, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị. Từ những đột phá mới này, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng sẽ góp phần vào việc hoàn thiện con người Việt Nam.
Một trong những đột phá nữa là hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, Thủ tướng lưu ý coi công việc của doanh nghiệp như việc của chính quyền hàng ngày. Đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng. Thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội, trong đó chăm lo nhà ở cho công nhân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, với đất nước.
Cuối cùng, Thủ tướng phân tích “giá trị mới” là phải mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, giá trị đóng góp vào ngân sách cao hơn. Một giá trị mới nữa là so sánh thu nhập bình quân đầu người với các nước trong khu vực và quốc tế. Cùng với đó, phấn đấu chỉ số phát triển con người cao hơn, ngang tầm với các nước phát triển; hạ tầng kết nối vùng, cả nước và quốc tế phải tốt nhất cả nước, trong khu vực. Về những giá trị mới khác, Thủ tướng phân tích: đó là khắc phục được những tồn tại mà nhân dân bức xúc, đó là tắc nghẽn giao thông, môi trường sống suy thoái, biến đổi khí hậu… Đông Nam bộ cũng phải đi đầu, tiêu biểu của cả nước về phát triển chuyển đổi số, phát triển xanh bao trùm, toàn diện...
Thủ tướng khẳng định, giá trị mới lớn nhất của vùng này chính là góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, người dân được hạnh phúc, ấm no.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, các bộ ngành Trung ương và các địa phương, đối tác, doanh nghiệp “đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải đạt hiệu quả”. Đồng thời, các bên thực hiện hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp với phương châm “lợi ích hài hòa, khó khăn, rủi ro chia sẻ.”