Thủ tướng vui mừng thông báo với cộng đồng doanh nghiệp về tốc độ tăng trưởng năm 2019 của nền kinh tế đạt trên 7%, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất toàn cầu; môi trường kinh doanh vững chắc với lạm phát thấp và tỷ giá ổn định. Đồng thời, Việt Nam cũng đã cán đích xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD, một kỷ lục chưa từng có. Thâm hụt ngân sách và nợ công giảm đáng kể, năng lực tài chính nhà nước được củng cố…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – hội nhập – hiệu quả - bền vững”
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, doanh nghiệp là lực lượng quan trọng nhất để phát triển kinh tế vì doanh nghiệp là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu, động lực cạnh tranh, sáng tạo mạnh mẽ nhất và là lực lượng tiên phong đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống.
“Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu, không thể có nền kinh tế lớn nếu thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng, không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu cá nhân xuất sắc”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, sự lớn mạnh của doanh nghiệp không thể thiếu vai trò kiến tạo của nhà nước. Ngược lại, sự yếu kém của doanh nghiệp chắc chắn có một phần trách nhiệm của nhà nước. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ hiểu rõ, bên cạnh những thành công, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn.
“Chính phủ thấm thía mỗi năm có hàng vạn doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngưng hoạt động, nhiều doanh nghiệp lớn bị đào thải và đó là lý do vì sao Chính phủ liên tục tổ chức các hội nghị lớn nhỏ để phát triển doanh nghiệp. Hội nghị này cũng vậy, ta cần hành động gấp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, để doanh nghiệp mạnh hơn, bền vững hơn, tăng về số lượng, phát triển hơn về chất lượng”, Thủ tướng nói.
Nhìn nhận năm 2020 là năm quan trọng về đối ngoại, đối nội của đất nước và cũng là năm hoàn thành nhiều mục tiêu trung hạn của nhiều doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp thảo luận 4 nhóm vấn đề chính.
Một là những khó khăn, trở ngại trong quá trình sản xuất, kinh doanh như quy hoạch, tiếp cận đất đai, tín dụng, sử dụng lao động, thủ tục hành chính, thuế, hải quan, giấy phép, cung cấp điện nước… Đặc biệt là vấn đề thanh kiểm tra chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp như thế nào, kể cả tình trạng cơ quan nhà nước dọa nạt doanh nghiệp khi doanh nghiệp có ý kiến trái chiều.
Người đứng đầu Chính phủ kiên quyết: “Đặc biệt ta cần biết và xử lý sự trì trệ của nhiều sở ngành ở địa phương, đá qua đá lại, chậm chạp, làm mất thời cơ của doanh nghiệp; cần chỉ rõ văn bản của bộ ngành nào bất hợp lý, mâu thuẫn, cản trở, không phù hợp; cơ quan nào gây nhũng nhiễu ở địa phương hay tập trung ở trung ương”.
Nhóm vấn đề thứ hai là những thách thức, sức ép đối với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, kinh tế đất nước ngày càng hội nhập, tác động của cách mạng 4.0; đề xuất cách giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng, cạnh tranh, vượt qua thách thức; đề nghị hiến kế cho Chính phủ hoàn thành mục tiêu năm 2020 và 5 năm tới.
Ba là những đề xuất đột phá về cơ chế khuyến khích doanh nghiệp.
Thứ tư là những giải pháp cải thiện hiệu quả tương tác giữa bộ ngành và địa phương; chia sẻ sáng kiến hay của doanh nghiệp mình, mô hình tốt của địa phương…
Thủ tướng cũng không quên lưu ý cộng đồng doanh nghiệp: “Tinh thần là dám nghĩ, dám làm, dám đột phá nhưng doanh nghiệp không được làm ẩu, vi phạm pháp luật. Các cơ quan thanh tra, công an, kiểm toán, tòa án… thật sự trân trọng quyền con người, quyền kinh doanh, quyền tài sản theo pháp luật, theo tinh thần cởi trói, tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp”.