Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội, thành phố cần khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển với các cấp độ khác nhau trong bối cảnh nền kinh tế đất nước, khu vực và thế giới có nhiều thay đổi để chủ động tận dụng mọi thời cơ mới, khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy mọi nguồn lực phát triển để xây dựng Hà Nội trở thành thành phố giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, năng động và là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.
Tăng cường hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội cần tiếp tục thực hiện việc phòng chống dịch COVID-19, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của người dân; tập trung đầu tư, cung ứng đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Song song với công tác phòng chống dịch, phải tiếp tục đảm bảo cung ứng, kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm của thành phố, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thành phố cần quyết liệt, chủ động, sáng tạo, triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 mà thành phố đã đề ra, góp phần quan trọng cùng cả nước hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Thủ đô Hà Nội."
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần triển khai các biện pháp có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở huy động, sử dụng nguồn lực tiết kiệm và hiệu quả cao nhất, phù hợp với yêu cầu đón bắt thời cơ, phương châm nhanh, chính xác, kịp thời.
Cần khen thưởng, động viên kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, trục lợi, vi phạm pháp luật.
Thành phố Hà Nội cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; nỗ lực phát huy các tiềm năng, thế mạnh, nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội phát triển, đặc biệt là tận dụng các cơ hội mới từ các cam kết hội nhập quốc tế mới ký kết và có hiệu lực.
Phát huy mọi nguồn lực, sức mạnh của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị, đề xuất các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế-xã hội; tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân, tạo vốn thực hiện kích cầu... cũng là các nhiệm vụ thời gian tới của thành phố Hà Nội.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các dự án đầu tư, trọng tâm là các dự án nông nghiệp, giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội; đôn đốc quyết liệt các công trình trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách, các dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Xây dựng nền hành chính văn minh, thanh lịch
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính; xây dựng nền hành chính Hà Nội văn minh, thanh lịch; tăng cường làm tốt hơn nữa xây dựng nông nghiệp kinh tế số, công khai minh bạch, công bố phần mềm mới qua điện thoại di động.
Ngoài ra, Hà Nội phải thúc đẩy phát triển mạnh ngành nông nghiệp, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhất là giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn; đẩy mạnh việc tái đàn lợn, đảm bảo chỉ tiêu tổng đàn lợn đạt 2 triệu con và có giải pháp kiểm soát tốt giá thịt lợn trên thị trường.
Thủ tướng chỉ đạo thành phố phải chuẩn bị và triển khai tốt công tác phòng chống thiên tai; làm tốt hơn nữa công tác quản lý đô thị, mở rộng ranh giới đô thị ra các quận, huyện để giảm mật độ dân trong trung tâm thành phố; đặc biệt là quản lý trật tự xây dựng, an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị, phát triển hạ tầng thông tin-truyền thông.
Thành phố cần quan tâm tới vấn đề môi trường đô thị, đảm bảo cung ứng đủ nước sạch cho người dân với giá phù hợp; xử lý triệt để ô nhiễm nguồn nước ở sông Đáy, sông Nhuệ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án tiếp nước, cải tạo sông Tích để chuyển nước cho sông Đáy.
Lãnh đạo thành phố cần tập trung chỉ đạo triển khai tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tăng cường trách nhiệm của cấp cơ sở trong tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, khiếu kiện tập trung đông người tiềm ẩn gây mất an ninh, trật tự; tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân; giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.
Khẩn trương giải quyết "bốn tồn tại"
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội khẩn trương giải quyết những vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm, trong đó có 4 tồn tại cần tập trung xử lý.
- Về vấn đề liên quan đến xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức), thành phố cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới.
- Về dự án xây dựng ở số 8B Lê Trực, Hà Nội cần khẩn trương giải quyết dứt điểm, bảo đảm đúng quy hoạch chi tiết, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, chính đáng cho nhà đầu tư.
- Về dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm để đưa vào khai thác vận hành trong năm 2020.
- Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội khẩn trương xử lý dứt điểm các vi phạm liên quan đến việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng, sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính (quận Ba Đình) và mương thoát nước Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), thành phố Hà Nội.