Đây là một thành quả, ghi dấu sự nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành du lịch trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó có hệ thống các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp.
Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng du lịch của Huế nói riêng và Việt Nam nói chung đều phát triển với sự xuất hiện của nhiều công trình tầm cỡ để phục vụ du khách trên khắp cả nước. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để xóa đi thực trạng, mỗi khi đến mùa du lịch thì những hình ảnh quen thuộc lại tái diễn: hàng không quá tải, đường bộ kẹt cứng, cảng biển phục vụ du khách thiếu hụt trầm trọng.
Tiếp đến là số lượng khách sạn, cơ sở lưu trú đạt chuẩn ở các địa phương đang tăng trưởng chậm, chưa tương xứng với lượng tăng trưởng du khách. Lấy ví dụ như TP Huế, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 853 cơ sở lưu trú, với 13.176 phòng và 21.240 giường. Con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với địa phương lân cận là TP Đà Nẵng có lượng khách đến hàng năm gần tương đương là khoảng 1.285 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 47.000 phòng.
Một khi hạ tầng dịch vụ không đáp ứng, thì hệ lụy kéo theo là lượng khách sẽ không đón được như kỳ vọng. Và tất nhiên chỉ số tác động kinh tế - xã hội của ngành du lịch, tức là sự tác động, tạo công ăn việc làm, đóng góp của ngành du lịch đối với tổng sản phẩm trong nước và từng địa phương cụ thể cũng sẽ không cao.
Do đó, La Vela Huế được công nhận 5 sao là một tin vui cho ngành du lịch Huế. Về lâu dài, để du lịch thật sự là “mũi nhọn” thì địa phương vẫn cần có nhiều hơn nữa những chính sách thông thoáng, hấp dẫn để kêu gọi, thu hút nhiều hơn đầu tư vào hạ tầng du lịch.