Thúc đẩy dòng chảy “nguồn lực vàng” kiều hối

(ĐTTCO) - Trong những năm gần đây, việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh đã giúp “nắn dòng” kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, góp phần tạo công ăn việc làm và vực dậy sản xuất trong nước.
Thúc đẩy dòng chảy “nguồn lực vàng” kiều hối


Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM, năm 2018, có tới 72% lượng kiều hối chuyển về đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, gần 22% lượng kiều hối đầu tư vào bất động sản và số còn lại dùng cho hỗ trợ người thân trong cuộc sống.

Theo mô hình số nhân chi tiêu, 1 đôla kiều hối các hộ gia đình nhận được sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bán lẻ, tăng thêm nhu cầu hàng hóa và dịch vụ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm.

Dòng kiều hối tăng lên sẽ làm tăng lượng tiền gửi cũng như tín dụng tại các tổ chức tín dụng, thúc đẩy cải cách pháp lý trong lĩnh vực tài chính và lĩnh vực chuyển tiền, thúc đẩy các ngân hàng đưa ra các chính sách thu hút kiều hối. Nguồn lực “vàng” kiều hối vừa trực tiếp hỗ trợ người dân trong nước thông qua các chương trình an sinh, từ thiện cộng đồng, vừa gia tăng nguồn ngoại tệ, giảm sức ép trên thị trường ngoại hối, tạo điều kiện để thực hiện các chính sách về tỷ giá hối đoái và tăng dự trữ ngoại hối để ổn định vĩ mô và củng cố tiềm lực tài chính quốc gia.

Tính chung trong giai đoạn 1991-2015, tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam đạt khoảng 104,5 tỷ USD, chỉ sau nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và lớn hơn nguồn viện trợ phát triển (ODA) đã giải ngân. Đặc biệt, có những giai đoạn như từ năm 2004-2006, kiều hối thậm chí còn là nguồn vốn lớn nhất của đất nước. Từ năm 2019 đến nay, lượng kiều hối đổ về Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng, đều tăng dần theo các năm. Năm 2022, đi ngược với xu hướng quốc tế khi lượng kiều hối chuyển về các nước thu nhập thấp và trung bình đều giảm so với năm 2021 thì kiều hối đổ về TPHCM dự báo đạt khoảng 6,8 tỷ USD, tăng 3% so với 2021 (6,6 tỷ USD), năm 2020 (6,1 tỷ USD).

Con số “vàng” ấy được lý giải bởi: do từ cuối năm 2021, các nền kinh tế lớn trên thế giới kiểm soát được dịch và bắt đầu phục hồi kinh tế, giúp cho lao động Việt Nam ở nước ngoài, kiều bào có thu nhập ổn định trở lại. Một đặc tính của người Việt xa xứ lại càng bộc lộ rõ qua cơn đại dịch, đó là gửi tiền về hỗ trợ người thân, cộng đồng sau “cơn bạo bệnh” Covid-19. Hơn nữa, từ ổn định của kinh tế vĩ mô, sự cải thiện về môi trường kinh doanh cho đến các cải cách pháp lý trong lĩnh vực tài chính và lĩnh vực chuyển tiền, các chính sách hấp dẫn từ ngân hàng đã tạo niềm tin cho nhiều Việt kiều gửi tiền về Việt Nam hỗ trợ người thân hoặc đầu tư, sản xuất kinh doanh, kể cả một số Việt kiều có nhu cầu chuyển tiền về để chuẩn bị hồi hương.

Không loại trừ một số lo ngại về rủi ro của kiều hối từ bài học của giai đoạn 2007-2008, khi kiều hối mang tính đầu cơ, không tập trung vào sản xuất - kinh doanh mà chủ yếu đầu cơ vào chứng khoán, bất động sản, tạo ra bong bóng trong hai lĩnh vực này và gây áp lực lạm phát cho nền kinh tế. Hoặc như, nếu kiều hối tăng trong giai đoạn các dòng tiền khác cũng tăng (như ODA, FDI, xuất khẩu…) thì có thể gây ra bong bóng trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản…, tạo áp lực tăng giá đồng tiền và giảm sức cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa trong nước.

Vì thế, dù lợi thế có sẵn song cần thúc đẩy các giải pháp để tiếp tục gia tăng sức hút kiều hối cho TPHCM năm 2023. Từ việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, giảm thủ tục hành chính và thực thi các chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực như giáo dục và sức khỏe cộng đồng... Môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ tạo cơ hội gia tăng hiệu quả đầu tư, cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Qua đó cần tiếp tục điều kiện để kiều bào gắn bó và có thể đầu tư trực tiếp vào thành phố.

Các tin khác