Đến nay, việc xây dựng chính quyền đô thị đã đạt kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Người dân làm thủ tục hành chính tại TP Thủ Đức. Ảnh: VIỆT DŨNG
Sắp xếp lại nhân sự, bộ máy
Thực hiện chính quyền đô thị, TPHCM thành lập “thành phố trong thành phố” - TP Thủ Đức. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, TP Thủ Đức được thành lập với “sứ mệnh” xây dựng chính quyền đô thị, vì vậy ngay từ những ngày đầu thành lập, tất cả hoạt động trên các lĩnh vực của TP Thủ Đức đều xoay quanh nhiệm vụ này. Hiện nay, bộ máy của TP Thủ Đức đang vận hành ổn định. Đặc biệt, TP Thủ Đức đang tập trung tham mưu TPHCM đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp để phát triển. Điểm mới nhất là TP Thủ Đức vừa ra mắt Trung tâm điều hành thông minh IOC TP Thủ Đức. Trung tâm này đang trong giai đoạn tập hợp dữ liệu.
Theo ông Hoàng Tùng, khi thành lập, TP Thủ Đức có hiện trạng dữ liệu rời rạc, thiếu sự liên kết và thống nhất. IOC TP Thủ Đức sẽ giải quyết kỳ vọng xây dựng được hệ thống dữ liệu thống nhất, liên kết với các ngành để có thể phân tích liên lĩnh vực một cách đa chiều. Từ đó, tăng sự tương tác giữa chính quyền và người dân, giữa chính quyền và doanh nghiệp; đồng thời chuẩn bị dữ liệu dự báo xu hướng trong tương lai.
“Cấu phần quan trọng nhất của IOC TP Thủ Đức là các nội dung liên quan đến cải cách hành chính, với định hướng tất cả dịch vụ công trực tuyến tại TP Thủ Đức đều được cung cấp ở mức độ 4 nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Từ nay đến cuối năm, TP Thủ Đức phấn đấu 50% thủ tục được phục vụ trực tuyến mức độ 4 và tiếp tục đẩy nhanh cấu phần này”, ông Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Trước đó, quận 7 đã ra mắt Trung tâm điều hành, kiểm soát dịch Covid-19 và khẩn cấp khôi phục kinh tế địa phương. Quận tập trung xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Hiện tại, quận 7 đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với hơn 190 lĩnh vực.
Tại quận Gò Vấp, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Trí Dũng khẳng định: “Việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị và tăng dịch vụ công trực tuyến sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn cho người dân”.
Trong khi đó, một lãnh đạo UBND quận 11 cho biết, do thời điểm triển khai mô hình chính quyền đô thị rơi vào cao điểm dịch Covid-19 nên kết quả chưa cao, chủ yếu sắp xếp bộ máy là chính. Hiện nay, công tác cán bộ của quận đã xong và đã cơ bản sắp xếp nhân sự quận, phường.
Trên toàn địa bàn TPHCM, thành phố đã có đề án sắp xếp cụ thể nhân sự với số cán bộ thuộc diện sắp xếp là 266 trường hợp; gồm: 1 chủ tịch HĐND quận, 17 phó chủ tịch HĐND quận, 29 phó trưởng ban chuyên trách HĐND quận và 219 phó chủ tịch HĐND phường. Đến nay, việc sắp xếp cán bộ do không tổ chức HĐND quận, phường cơ bản đã hoàn thành.
Tăng cường giám sát
Thực hiện chính quyền đô thị, TPHCM không tổ chức HĐND quận, phường. Để đảm bảo dân chủ và công khai minh bạch trong mọi hoạt động của UBND quận, phường, các kết luận, quyết định của UBND quận, phường đều được đưa tin công khai. Đặc biệt, chủ tịch UBND quận, phường định kỳ phải tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân về tình hình hoạt động của quận, phường và những vấn đề liên quan đến người dân; kết quả đối thoại gửi đến HĐND, UBND cấp trên.
Tuy nhiên, TPHCM là nơi bị tác động mạnh bởi làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4, trải qua nhiều tháng giãn cách xã hội và tập trung phòng chống dịch, vì thế, các địa phương chưa tổ chức các buổi đối thoại giữa chủ tịch UBND quận, phường với người dân.
Ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng Phòng Nội vụ UBND quận 8, cho biết, từ giữa năm 2021, quận đã lên kế hoạch về việc quận và 16 phường đối thoại với người dân, nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp, sau đó trải qua đỉnh dịch, nên việc đối thoại tạm ngưng.
Tại quận Gò Vấp, dự kiến đầu tháng 12-2021, quận sẽ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo quận với người dân trước khi kỳ họp cuối năm của HĐND TPHCM diễn ra.
Vấn đề được nhiều người quan tâm là công tác giám sát khi không tổ chức HĐND quận, phường. Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng thông tin, đối với việc giám sát ý kiến kiến nghị của người dân, các phòng, ban sẽ nắm tình hình và báo cáo đề xuất quận xem xét giải quyết. MTTQ ghi nhận ý kiến của người dân thông qua các buổi tiếp xúc đối thoại giữa người dân với chính quyền để giám sát. Không tổ chức HĐND quận, phường, HĐND TPHCM sẽ trực tiếp giám sát hoạt động của UBND quận, phường.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, đã xây dựng và sẽ khẩn trương triển khai đề án nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND TPHCM trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị nhiệm kỳ 2021-2026. Cùng với đó, thành phố phát huy vai trò giám sát của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị các cấp. Đề án nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp tại thành phố giai đoạn 2021-2030 cũng đã được thông qua.
TPHCM đang tổ chức tháng cao điểm thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Trọng tâm trong tháng cao điểm, thành phố tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành với các hiệp hội, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Thành phố cũng tổ chức xúc tiến đầu tư trực tiếp và trực tuyến, kết hợp với các tổ chức quốc tế thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; tổ chức công bố và trao tặng Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần thứ 2-2021. Đặc biệt, TPHCM tổ chức tuần lễ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính ngay trong ngày; cam kết thực hiện giải quyết thủ tục hành chính sớm và đúng hạn, không có hồ sơ trễ hạn trong tháng cao điểm. |