Kết thúc quý III-2019, Vietinbank là NH đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng lợi nhuận của các NHTM, dù mảng đóng góp chính là tăng trưởng tín dụng chỉ tăng 3%. Về nợ xấu, giá trị tuyệt đối có dao động qua các quý, song nhà băng này vẫn nằm trong nhóm các NHTM có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống.
Rào cản tín dụng không cản lợi nhuận
Rào cản tín dụng không cản lợi nhuận
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III-2019, Vietinbank ghi nhận 8.456 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng lợi nhuận là thu nhập lãi thuần đạt 24.507 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ 2018. Các khoản đóng góp đáng kể nữa là lãi hoạt động dịch vụ tăng trưởng 53,4% (đạt gần 3.047 tỷ đồng) và lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2018 (đạt gần 1.189 tỷ đồng).
Dù quy mô hoạt động tăng trưởng thấp, tính đến hết quý III, dư nợ cho vay của NH mới tăng 3% so với đầu năm, nhưng hiệu quả cải thiện tích cực, tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng 12,5% so với cùng kỳ, đạt 29.948 tỷ đồng trong 3 quý.
Lũy kế 9 tháng, chi phí hoạt động giảm 0,8% xuống mức 10.610 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro 10.882 tỷ đồng (tăng 30,6%). Sau khi trừ các khoản này, lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 11,3%, đứng ở vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng lợi nhuận của các NH tại thời điểm 30-9-2019.
Đặc thù của ngành NH là thu nhập lãi thuần đóng góp rất lớn vào lợi nhuận. Vì vậy, nếu tháo gỡ được vướng mắc trong vấn đề tăng vốn, lợi nhuận của NH còn có triển vọng khả quan hơn. Hiện nay, Vietinbank đang đối mặt với vướng mắc trong việc tăng vốn điều lệ nên không thể tăng trưởng mạnh về tín dụng.
Trong khi các NHTM khác được cấp chỉ tiêu tín dụng 13-14% vào đầu năm, sau đó một số nhà băng được NHNN cấp thêm hạn mức, Vietinbank chỉ có thể tăng trưởng ở mức 6-7% trong năm 2019. Trong 3 quý đầu năm, dư nợ cho vay khách hàng chỉ tăng 3% lên 899.056 tỷ đồng. Với mức tăng trưởng tín dụng này nhưng lợi nhuận vẫn ở nhóm dẫn đầu, cho thấy Vietinbank đang hoạt động hiệu quả.
Nếu nút thắt về vấn đề tăng vốn được tháo gỡ, cải thiện được tỷ lệ an toàn vốn (CAR), Vietinbank bứt phá mạnh về lợi nhuận là điều hoàn toàn có thể kỳ vọng. Còn trong thời điểm hiện nay, để nâng cao năng lực tài chính, ngoài việc trình NHNN và các cấp có thẩm quyền phương án bổ sung vốn điều lệ, NH cho biết đang chủ động nhiều giải pháp như phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2, tối ưu hóa danh mục đầu tư và danh mục tín dụng, kiểm soát chất lượng tín dụng, kiểm soát các ngành/lĩnh vực có hệ số rủi ro cao…
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao
Thực tế, năm 2018 nợ xấu của Vietinbank đã tăng thêm 4.680 tỷ đồng so với đầu năm, lên 13.690 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 gần 9.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,13% cuối năm 2017 lên mức 1,58% cuối năm 2018.
Về vấn đề này, trong một thông cáo, NH đã cho biết nguyên nhân do đang khẩn trương áp dụng các chuẩn mực Basel II, các tiêu chuẩn về chất lượng tín dụng được nâng cao, đã làm một bộ phận nợ chuyển nhóm cao hơn, tác động tăng nợ xấu, tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro, giảm lãi dự thu.
Trao đổi riêng với ĐTTC, đại diện Vietinbank cho biết cuối năm 2018, NHNN phê duyệt một số nội dung về mục tiêu, định hướng, giải pháp và lộ trình thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 của Vietinbank.
Trọng tâm của phương án này là nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tài sản, khắc phục triệt để những hạn chế, phát triển hoạt động kinh doanh hiệu quả, an toàn, bền vững, nâng cao tính minh bạch trong quản trị điều hành, quản trị rủi ro.
NH đã chủ động rà soát, sàng lọc khách hàng tiềm ẩn rủi ro để điều chỉnh phân loại nợ theo năng lực tài chính thực tế khách hàng đó. Nợ xấu phát sinh tăng nằm trong kế hoạch tài chính đã xây dựng của Vietinbank và vẫn đảm bảo mục tiêu lợi nhuận đã đặt ra.
Nhìn vào các báo cáo tài chính năm 2019, nợ xấu của NH này ở mức 15.963 tỷ đồng vào cuối quý I, tăng hơn 2.200 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2018, trong đó nợ nhóm 5 tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng và chiếm hơn 65% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng từ 1,58% lên 1,85%.
Đến cuối quý II, trong khi nợ xấu tại Vietcombank và BIDV tăng, Vietinbank lại có xu hướng giảm. Cụ thể, nợ xấu nội bảng cuối tháng 6 là 13.010 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 giảm 22% xuống 7.521 tỷ đồng, nợ nhóm 3 giảm 14% xuống 1.829 tỷ đồng, riêng nợ nhóm 4 tăng 84% lên 3.659 tỷ đồng.
Cuối quý III, nợ xấu nội bảng của Vietinbank tăng 2,7%, lên 14.066 tỷ đồng. Song so với đầu năm, nợ nhóm 5 và nợ nhóm 3 đã giảm lần lượt 639 tỷ đồng và 453 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 1.467 tỷ đồng.
Xét riêng nợ nhóm 5, dù ở mức 8.831 tỷ đồng, chiếm khoảng 62,7% tổng nợ xấu nhưng so về con số tuyệt đối đã giảm 6,7% so với cuối năm 2018 và Vietinbank chưa phải là nhà băng có nợ nhóm 5 cao nhất. Quán quân về nợ nhóm 5 vào thời điểm cuối tháng 9-2019 là BIDV với 10.492 tỷ đồng.
Hơn nữa về tỷ lệ, nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ cho vay khách hàng đã giảm từ 1,58% hồi đầu năm xuống 1,56% vào cuối tháng 9, nhà băng này tiếp tục nằm trong nhóm các NH có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong hệ thống.
Trong vấn đề nợ xấu, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhận định tỷ lệ nợ xấu của từng NH nói riêng và cả hệ thống nói chung trong từng thời điểm có thể tăng hoặc giảm. Nhưng xét trong 3 năm trở lại đây, vấn đề nợ xấu của hệ thống NH tương đối ổn, những NH giữ tỷ lệ nợ xấu mức dưới 2% là mức chấp nhận được.
Vị này cho rằng nợ xấu có thể phát sinh, ở NH này có thể tăng nhưng NH kia có thể giảm, về tổng thể tỷ lệ nợ xấu của NH ở mức thấp cũng không thành vấn đề.
Theo thông tin Vietinbank cung cấp, số liệu trái phiếu đặc biệt VAMC đã được công bố trên báo cáo tài chính năm 2018, hiện tại nhà băng này đã trích lập dự phòng rủi ro trái phiếu đặc biệt tương ứng hơn 40% mệnh giá trái phiếu đặc biệt (cao hơn gấp 2 lần so với quy định của NHNN).