Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại siêu thị Go! quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: THI HỒNG
Chiều 25-7, một số siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TPHCM đồng loạt thông tin về chương trình giảm giá mạnh các mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Hệ thống Central Retail cho biết, hàng chục sản phẩm thực phẩm tươi sống bao gồm: thịt, cá, hải sản, rau củ và trái cây tiếp tục được hệ thống siêu thị GO!, Big C giảm giá 10%.
Tại khu vực TPHCM, các sản phẩm thịt heo như thịt vai, thịt cốt lết, thịt chân giò tiếp tục được bán giá bình ổn thị trường (thịt vai 136.000 đồng/kg; thịt cốt lết 135.000 đồng/kg; thịt chân giò 122.000 đồng/kg).
Tương tự, tại hệ thống MM Mega Market, Emart, Aeon hay Co.opmart, Satra… đang giảm giá từ 30%-60% mặt hàng tại các khu tự chọn. Trong đó, mức giảm giá của mặt hàng thực phẩm bình quân 10%, tùy sản phẩm.
Nhiều siêu thị cho biết, đến nay giá xăng dầu đã giảm khoảng 6.000 đồng/lít so với tháng 6, nhưng nhà cung cấp vẫn chưa giảm giá sản phẩm. Tuy vậy, các siêu thị vẫn duy trì khuyến mại, điều chỉnh giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng.
Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, hầu hết các mặt hàng vẫn chưa giảm giá, sau khi giá xăng dầu 2 lần giảm mạnh. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, khi giá xăng dầu giảm thì phải ít nhất nửa tháng mới hình thành sự điều chỉnh chung trên thị trường giá cả. Do vậy, người dân, doanh nghiệp cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc giá hàng hóa, dịch vụ, thực phẩm giảm ngay lập tức.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ba Huân, đánh giá, việc xăng dầu liên tiếp giảm giá giúp “hạ nhiệt” phần nào giá cước vận chuyển. Tuy vậy, trong cơ cấu giá thành trứng gia cầm, chi phí logistics chiếm một phần nhỏ (chưa tới 20% và chi phí xăng dầu chiếm tỷ lệ nhỏ trong đó). Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi các loại đang tăng mạnh do đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn thế giới nên để giảm giá trứng sẽ rất khó.
Đại diện hãng taxi Vinasun thông tin sẽ điều chỉnh giá cước mới cho phù hợp tình hình thực tế nhưng cần độ trễ nhất định. Hãng này lý giải, trường hợp giá xăng dầu tăng 10% thì doanh nghiệp được điều chỉnh tăng cước khoảng 3% và ngược lại. Để điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp phải có văn bản gửi cơ quan chuyên trách về việc điều chỉnh giá cước, sau khi được đồng ý doanh nghiệp cần kiểm định lại đồng hồ tính tiền. Khoảng thời gian này phải chờ đợi, không nhanh được.
Đại diện các chợ đầu mối như Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức cho biết, không có tình trạng “nhảy giá”, bà con tiểu thương đã chủ động điều chỉnh mức giá bán tốt nhất đến tay người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TPHCM), thông tin, lượng hàng hóa về chợ mỗi đêm đạt khoảng 2.500 tấn.
Đối với chợ đầu mối Hóc Môn, lượng hàng nhập chợ mỗi đêm cũng trên 2.400 tấn. Giá rau, củ các loại chịu tác động trực tiếp bởi thời tiết nên bà con nông dân khó chủ động về giá.
“Nhìn chung, một số nhà xe đều sẵn sàng trợ giá cước hỗ trợ người mua nhưng kèm điều kiện giá xăng dầu giảm đủ lâu để doanh nghiệp phục hồi. Bởi trong suốt thời gian xăng dầu tăng giá, không ít doanh nghiệp chấp nhận gồng mình chịu lỗ, trợ giá cho đối tác”, đại diện một doanh nghiệp vận tải ở quận 3 (TPHCM) nói.