Tuần tới, Chính phủ sẽ chính thức trình Quốc hội sửa đổi một đạo luật quan trọng, đó là dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Cách đây 7 năm, khi luật này được Quốc hội khóa XII thông qua, nhiều người kỳ vọng tình trạng lãng phí - vốn được xem là nguy hại ngang với tệ tham nhũng, sẽ được đẩy lùi. Nhưng thực tế đến nay, những quy định của luật hầu như không có mấy tác động đến thực tế. Nhiều ý kiến thậm chí còn khá bức xúc khi nhận định, luật mới chỉ chống lãng phí… trên giấy!
Báo cáo tổng kết 7 năm thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, có thể thấy kết quả là đã tiết kiệm chi thường xuyên 10% hàng năm. Theo báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương, từ năm 2008 đến năm 2012, số tiền tiết kiệm được qua việc mua sắm tài sản công là 467 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế tình hình lãng phí, thất thoát trong đầu tư công vẫn là "điểm nóng". Nguyên nhân là do chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội một số ngành, vùng còn hạn chế. Nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách gây lãng phí lớn do quy hoạch thiếu tính chiến lược hoặc quy hoạch chồng lấn quy hoạch. Một số dự án phải giãn, hoãn, ngừng thi công do quyết định đầu tư dàn trải, gây nên tình trạng nhiều công trình dở dang.
Đặc biệt, tình trạng không chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính vẫn xảy ra, gây thất thoát lớn. Dù Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có tới 40 điều khoản quy định trực tiếp từ xử phạt, kỷ luật, bồi thường thiệt hại do lãng phí, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự do vi phạm, nhưng điều đáng ngạc nhiên là trong suốt 7 năm qua chưa có trường hợp nào bị kỷ luật, xử phạt. Trong khi đó trong thực tế cuộc sống bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy tình trạng lãng phí đang diễn ra khắp nơi.
TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, từng thẳng thắn nhận xét rằng, luật hiện hành không có nhiều ý nghĩa vì mới chỉ mang tính kêu gọi chứ chưa có chế tài xử lý. Ví dụ về vấn đề sử dụng xe công, TS. Trần Du Lịch cho biết lương của một ông thứ trưởng hiện hơn chục triệu đồng/tháng nhưng chi phí cho chiếc xe công phục vụ phải gấp 3 lần. Đó là những chi trả lương tài xế, phí bảo trì, bảo hiểm…
Chính vì thế, tại kỳ họp lần này, Chính phủ đã quyết định trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi của Chính phủ xem ra không có nhiều điểm mới, thậm chí khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhận xét dự thảo này “đọc từ đầu đến cuối cứ mênh mênh mang mang như lá diêu bông".
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có sự đột phá, việc sửa đổi luật sẽ không làm thay đổi tình trạng “chống lãng phí trên giấy” trong những năm qua. Trong bối cảnh hiện nay, khi tình trạng lãng phí đang là vấn đề nhức nhối, việc sửa đổi luật phải lấy chống lãng phí là trọng tâm. Do đó, nội dung của luật nên tập trung vào các quy định về cơ chế phát hiện, chế độ trách nhiệm, biện pháp chế tài nghiêm minh để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lãng phí các nguồn lực.
Đáng lo ngại là dự thảo luật đã bỏ nhiều điều khoản về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư XDCB, trong khi đây là vấn đề bức xúc, gây thất thoát lớn cho ngân sách, cần kiên quyết xử lý. Nhiều nội dung tiết kiệm liên quan đến toàn xã hội (tiết kiệm trong sử dụng đất, chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí lễ hội, hội thảo, hội họp…) lại được đề cập khá mỏng.
Một vấn đề khác là chế độ trách nhiệm, mặc dù đã được quy định thành một chương riêng trong luật sửa đổi, song còn mang tính chung chung, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra lãng phí, thất thoát. Cũng giống như vậy, luật quy định chế tài xử phạt hành vi vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng tính cưỡng chế, tính răn đe của các quy định chưa cao, khó mang lại hiệu lực thực tế.
Nhiều ý kiến cho rằng có một vấn đề khá quan trọng mà luật cần có quy định điều chỉnh, đó là tình trạng lãng phí do ban hành cơ chế, chính sách. Trên thực tế, việc ban hành cơ chế, chính sách không phù hợp, thiếu khả thi, không tính đến nguồn lực thực tế cũng là nguyên nhân dẫn đến lãng phí lớn. Nếu vấn đề này không được nhìn nhận một cách thấu đáo, việc sửa đổi luật sẽ không mang lại hiệu quả tích cực.