Thúc tăng trưởng tín dụng có làm lợi cho 'sân sau' các nhà băng?

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh ngành ngân hàng thừa tiền thiếu đầu ra, Chính phủ liên tục đốc thúc NHNN thực hiện các giải pháp tăng tín dụng, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Thúc tăng trưởng tín dụng có làm lợi cho 'sân sau' các nhà băng?

Sau khi hàng loạt chính sách được triển khai, tín dụng vẫn ghi nhận tăng trưởng chậm, trong khi dư nợ kinh doanh BĐS bật tăng mạnh.

Tiền thừa do khách vay hạn chế

Tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp (DN), tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, đã thẳng thắn chia sẻ chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ. Đó là việc DN bị tồn kho hàng hóa, các NHTM tồn kho tiền và hệ thống NH đang phải "chữa bệnh thừa tiền".

Dù NHNN cùng với toàn hệ thống liên tục tổ chức hội nghị kết nối NH với DN để lắng nghe ý kiến, rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; cũng như triển khai nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất cho vay... nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi DN không hấp thụ được vốn, không muốn vay.

Tính đến 29-8, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2022, tín dụng tăng 9,87%. NHNN nhận định, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DNNVV; tác động từ khả năng hấp thụ vốn của nhóm BĐS. Việc triển khai một số chương trình tín dụng (gói 120.000 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ lãi suất) cũng gặp khó khăn, vướng mắc…

Tìm cách đẩy mạnh đầu ra

Thực tế, năm nay các NH rất tích cực kích tín dụng qua nhiều hình thức. 6 tháng đầu năm, BIDV có đến 25 gói tín dụng ưu đãi với tổng quy mô 484.000 tỷ đồng, mức giảm lãi suất cho vay đối với DN 0,5-2%/năm, đối với cá nhân 1-1,5%/năm. Cùng thời gian, Vietcombank đã thực hiện 10 đợt giảm lãi suất huy động, 5 đợt giảm lãi suất cho vay cho cá nhân và DN. Agribank có 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trong 9 tháng năm 2023.

Tính đến giữa tháng 8, TPBank có 8 lần giảm lãi suất với tổng mức giảm 1,5-2,25% cho các khoản vay hiện hữu. Tương tự, Sacombank, ACB, BVBank, OCB, VietBank… cũng tung các gói tín dụng ưu đãi quy mô lớn. Nhiều NH còn phát triển kinh doanh dựa trên chiến lược bán hàng theo phân khúc, có các chương trình riêng cho từng đối tượng khách hàng, tăng cường cho vay thấu chi…

NH đang bị kẹt trong thế “thừa tiền khó cho vay”, vì khả năng tiếp cận vốn của DN hạn chế dù lãi suất đã giảm nhiều, trong khi tín dụng cho BĐS dễ bị rủi ro lại rất nhiều.

Giữa tháng 8, NHNN có văn bản yêu cầu các TCTD giảm lãi suất với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu 1,5-2%/năm.

Trong tháng 9, thị trường tiếp tục chứng kiến nhiều gói tín dụng ưu đãi, chương trình giảm lãi suất khoản vay mới. Đặc biệt, sau khi Thông tư 06 của NHNN có hiệu lực từ ngày 1-9, nhiều NH thông báo cho khách hàng vay để trả nợ NH khác với lãi suất hấp dẫn.

Khởi đầu là Vietcombank cho cá nhân vay trả nợ trước hạn khoản vay tại NH khác, với lãi suất chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu, 7,5%/năm trong 12 tháng đầu, hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Ở BIDV lãi suất từ 6%/năm cho khoản vay dưới 12 tháng, từ 6,8%/năm với khoản vay từ 12 tháng. VietinBank, Techcombank cũng triển khai sản phẩm cho vay tương tự.

Liệu vốn có đi vào sản xuất kinh doanh?

Có thể thấy ngành NH có nhiều nỗ lực đẩy vốn thông qua giảm lãi suất, vì tín dụng vẫn là nguồn thu chính của họ. Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã giảm 1,5-2,5% tùy kỳ hạn, giảm sâu hơn mức giảm lãi suất điều hành của NHNN. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc vốn chảy vào sản xuất kinh doanh như định hướng Chính phủ và NHNN hiện vẫn khó khăn vì khả năng tiếp cận vốn của DN còn hạn chế.

Vậy khi “chữa bệnh thừa tiền” này, vốn có thể đi về đâu? Trong bức tranh khó khăn tiếp cận vốn vẫn đang có lĩnh vực có điểm sáng, đó là BĐS. Một so sánh nhỏ để thấy điều này, 6 tháng đầu năm dư nợ đối với DNNVV chỉ tăng gần 4% so với cuối 2022, trong khi dư nợ kinh doanh BĐS tăng 17,41%, vượt tốc độ tăng trưởng 10,73% của cả năm 2022.

Gần đây, Chính phủ nhiều lần yêu cầu tiếp tục quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Cụ thể, yêu cầu NHNN rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các DN BĐS; chỉ đạo các NHTM có giải pháp phù hợp, hiệu quả để DN, dự án BĐS và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, nhất là xem xét cho vay các dự án BĐS đang dở dang, sắp hoàn thành…

Mới đây tại Nghị quyết 144/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ yêu cầu NHNN khẩn trương xem xét, điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro đối với các phân khúc BĐS. Liên quan đến Nghị quyết 144, NHNN đã lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 41/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với NH, chi nhánh NH nước ngoài.

Trong đó, NHNN chỉ đề xuất giảm hệ số rủi ro tín dụng cho các khoản vay thế chấp nhà ở xã hội, còn lại đều giữ nguyên. Song yêu cầu của Chính phủ đối với NHNN qua Nghị quyết 144, cho thấy tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là nội dung lớn ngành NH phải quan tâm trong thời gian tới. Và với diễn biến tín dụng BĐS như trên, cộng với các chỉ đạo mới, lĩnh vực BĐS có thể dễ hấp thụ vốn hơn.

Dẫu vậy, khi triển khai nội dung này, các NH vẫn phải đảm bảo nguyên tắc không để "đồng tiền dễ dãi". Vì những biến cố trên thị trường thời gian qua cũng khiến nhiều NH thận trọng hơn. Thế nên, rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các DN BĐS, hay giảm hệ số rủi ro tín dụng có thể chưa giải quyết hết các khúc mắc của thị trường.

Song một số chuyên gia nhận định, có thể các công ty BĐS là sân sau của các NHTM sẽ hưởng lợi từ các chính sách này. Vì thời gian qua, nhiều DN BĐS lo “nghẹt thở” vì nghẽn vốn, khó tiếp cận tín dụng chủ yếu là những DN không có “họ hàng” với các ông chủ nhà băng. Đó là vấn đề nhà quản lý cần quan tâm để tránh việc chính sách chung nhưng chỉ mang lại lợi ích cho một số nhóm.

Các tin khác