Đồng loạt tăng giá vào cuối năm
Dự thảo Nghị quyết tăng thuế BVMT dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 6 tới đề xuất tăng biểu thuế BVMT các mặt hàng như xăng dầu, than đá, dung dịch HCFC, túi nilon, thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng, và thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.
Với phương án tăng thuế BVMT như đề xuất của Bộ Tài chính, số thu thuế sau khi điều chỉnh đối với mặt hàng xăng dầu (giả sử số lượng các sản phẩm tiêu thụ như năm 2017), tổng thu thuế BVMT với xăng dầu ước đạt 55.096 tỷ đồng/năm (tăng 14.368 tỷ đồng); than đá ước đạt 2.385 tỷ đồng/năm (tăng 795 tỷ đồng), dung dịch HCFC tăng khoảng 63,5 tỷ đồng/năm, túi nilon tăng khoảng 67,5 tỷ đồng/năm. |
Như vậy, tất cả mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh tăng kịch khung mức thuế, trong đó dầu hỏa có mức tăng cao nhất khoảng 1.700 đồng/lít, nhiên liệu bay không tăng được vì đã kịch trần biểu thuế.
Nhóm mặt hàng than đá cũng được điều chỉnh tăng thuế BVMT lần này, như than nâu, than mỡ, các loại than khác tăng từ 10.000 đồng/tấn lên 15.000 đồng/tấn, riêng than antraxit tăng từ 20.000 đồng/tấn lên 30.000 đồng/tấn. Bên cạnh đó, nhóm các mặt hàng dung dịch HCFC tăng từ 4.000 đồng/kg lên 5.000 đồng/kg; túi nilon tăng từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg. Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng tăng 1.000 đồng/kg.
Tương tự, thuốc diệt cỏ tăng 500 đồng/kg, thuốc bảo quản lâm sản tăng 1.000 đồng/kg và thuốc khử trùng kho tăng 1.000 đồng/kg. Nếu được Quốc hội thông qua, thuế BVMT các nhóm mặt hàng nêu trên sẽ đồng loạt tăng giá mạnh vào cuối năm nay.
Tăng thuế để giảm ô nhiễm
Tăng thuế để giảm ô nhiễm
Theo Bộ Tài chính, việc tăng thuế BVMT nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam là thành viên. Đến nay Việt Nam đã tham gia 12 FTA song phương, đa phương, trong đó có 2 FTA đã ký giữa ASEAN - Hồng Công (AHKFTA) và Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chưa có hiệu lực.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang áp thuế nhập khẩu MFN với tất cả thành viên WTO, quy định mức thuế nhập khẩu trần 40% với sản phẩm xăng. Ở phạm vi khu vực ASEAN, theo cam kết FTA nội khối ASEAN (ATIGA), từ năm 2012 mức thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng là 20%, dầu diezel 5%, dầu hỏa 7%, nhiên liệu bay 10%, dầu mazut 0%. Theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với mặt hàng xăng từ năm 2016 là 10%, các mặt hàng dầu hiện đã về 0%.
Theo ghi nhận từ số liệu của Bộ Tài chính, việc thực hiện các lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu xăng, dầu theo các cam kết FTA đã làm số thu thuế từ nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm trong những năm qua. Năm 2015, thu thuế nhập khẩu xăng dầu đạt 53.000 tỷ đồng, năm 2016 giảm còn 13.400 tỷ đồng (giảm 39.600 tỷ đồng so với năm 2015), năm 2017 giảm còn 14.100 tỷ đồng. Số thu thuế nhập khẩu trong năm 2017 tăng nhẹ so với năm 2016 do sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng mạnh.
Đến năm 2018, số thu thuế nhập khẩu xăng dầu dự báo giảm xuống còn 10.300 tỷ đồng. Và theo cam kết của ATIGA, mức thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ đồng loạt về 0% vào năm 2024.
Mặt khác, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu Việt Nam hiện nay cơ bản thấp hơn các nước có chung đường biên giới trong ASEAN và châu Á. Theo xếp hạng của Global Petrol Prices vào đầu tháng 3 vừa qua, giá bán lẻ xăng của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 47 từ dưới lên, tức giá bán lẻ xăng Việt Nam sẽ rẻ hơn 120 nước trong tổng số 167 nước được xếp hạng. Với mức giá 19.980 đồng/lít xăng, giá xăng Việt Nam vẫn thấp hơn Lào 5.556 đồng/lít, Campuchia 3.745 đồng/lít, Trung Quốc 1.468 đồng/lít và thấp hơn nhiều nước khác như Singapore, Philippines.
Bộ Tài chính cũng cho rằng mức thuế BVMT đối với các nhóm hàng hóa chịu thuế hiện nay đang ở mức thấp so với mức độ tác động đến môi trường. Cụ thể, nhóm hàng xăng, dầu, mỡ nhờn là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường như chì, lưu huỳnh, benzen, hydrocacbon thơm, hydrocacbon nặng và một số phụ gia. Than đá cũng là một trong những sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi sử dụng, quá trình đốt cháy than tạo khí methane gây hiệu ứng nhà kính và các chất ô nhiễm độc hại khác.
Đối với túi nilon thuộc diện chịu thuế, mức thuế BVMT đang quá thấp nên chưa tác động nhiều đến hoạt động sản xuất, sử dụng túi nilon.