Xe nhập khẩu tăng giá… gấp đôi
Thị trường ô tô Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn cho khu vực ASEAN từ ngày 1-1-2018 và sắp tới là EU, Nhật Bản, Mexico... Thuế nhập khẩu giảm về 0%, ô tô giá rẻ tràn vào ngày càng nhiều. Chỉ tính trong 9 tháng năm nay, ô tô các loại được nhập khẩu về Việt Nam tăng 167,8% về lượng và tăng 157% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đạt 109.000 chiếc, trị giá 2,4 tỷ USD. ASEAN là khu vực Việt Nam nhập khẩu ô tô nhiều nhất, chiếm khoảng 90% tổng lượng ô tô nhập khẩu.
Đặc biệt, giá nhập khẩu trung bình ô tô các loại hiện nay đều có xu hướng giảm, chỉ ở mức hơn 4.000USD/xe. Bên cạnh đó, sản lượng sản xuất ô tô trong nước tăng. Thế nhưng, dù nguồn cung dồi dào, giá nhập khẩu có xu hướng giảm, nhưng khi đến tay người tiêu dùng, một chiếc ô tô vẫn có giá quá cao, vượt xa tầm với của đại đa số thu nhập người dân.
Báo cáo mới đây nhất của Bộ Công thương nhìn nhận, giá ô tô tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan, Indonesia) và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Nguyên nhân lớn nhất khiến giá ô tô ở mức cao là do thuế và phí trong nước cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp (các doanh nghiệp đang sản xuất dưới rất xa so với công suất thiết kế - đạt khoảng 250.000/650.000 chiếc/năm).
Cụ thể, có 3 loại thuế tác động lớn đến giá bán ô tô là thuế nhập khẩu (với dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc), thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT. Đơn cử, chiếc xe Toyota Wigo 1.2AT nhập khẩu từ Indonesia hiện có giá bán 405 triệu đồng ở Việt Nam. Trong giá bán này, sẽ có 10% VAT, 35% thuế tiêu thụ đặc biệt và chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức (khoảng 20%). Như vậy, dù được miễn thuế nhập khẩu, dòng xe nhỏ này vẫn phải “cõng” hơn 200 triệu đồng các loại thuế và chi phí. Để lăn bánh, chủ sở hữu còn phải tốn thêm khoảng 80 triệu đồng cho lệ phí trước bạ (12% ở Hà Nội, TPHCM), phí đăng ký, đăng kiểm và bảo hiểm…
Không chỉ ô tô nhập khẩu, xe lắp ráp trong nước cũng chịu các loại thuế, phí khiến giá bán ở mức cao. Hiện thuế nhập khẩu các linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô ở mức 5% - 20%; thuế tiêu thụ đặc biệt cũng áp từ 35% đến 150% tùy thuộc dung tích động cơ, bên cạnh 10% VAT. Các chi phí cho mạng lưới đại lý, kênh phân phối dao động 10% - 20% cũng sẽ được tính vào giá xe.
“Các loại thuế, phí áp cho ô tô ở Việt Nam khiến giá xe cao. Với các xe sản xuất, lắp ráp trong nước, tỷ lệ nội địa hóa thấp và các hãng phần lớn vẫn phải nhập phụ tùng, linh kiện từ nước ngoài nên ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm. Chưa kể, việc các nhà sản xuất thiết kế công suất lớn nhưng hiện chưa chạy hết 50% công suất cũng đều tính vào chi phí, khiến giá ô tô tại Việt Nam luôn cao nhất thế giới”, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu ô tô Hoàng Hùng Nguyễn Minh Hoàng (quận Bình Tân) phân tích.
Xây dựng chính sách hài hòa
Theo các chuyên gia, để giá ô tô rẻ, các yếu tố về thuế và phí nêu trên cần phải xem xét lại. Đơn cử ở lĩnh vực thuế, hiện nay một số nước không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nhằm khuyến khích ngành công nghiệp ô tô phát triển.
Trở lại báo cáo của Bộ Công thương, tương quan về sản lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu trong trung hạn và ngắn hạn thay đổi đáng kể, theo chiều hướng tăng về số lượng xe sản xuất, lắp ráp. Tuy nhiên, ưu thế này sẽ không giữ được lâu nếu sản xuất trong nước không nỗ lực hạ giá thành để tăng tính cạnh tranh, nhất là việc cạnh tranh đối với xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN được ưu đãi thuế quan. Bởi không chỉ ô tô từ các nước ASEAN, mà trong vòng 7 - 10 năm tới còn có các sản phẩm ô tô từ các quốc gia thành viên của CPTPP và EVFTA.
Từ thực tế hiện nay, Bộ Công thương đang kiến nghị cần duy trì thực hiện Nghị định 116/2017, theo hướng siết chặt trở lại như đầu năm 2018. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề ra các giải pháp cụ thể về chính sách thuế theo hướng nới lỏng, ưu đãi nhiều cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Với loạt kiến nghị lần này, Bộ Công thương kỳ vọng vừa gia tăng dung lượng thị trường ô tô nội địa, từ đó giá thành có thể từng bước được giảm xuống.
“Để bảo vệ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa, cần xây dựng hàng rào chính sách, hàng rào kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế. Đối với xe nhập khẩu, nếu cứ tạo ra những chính sách mang tính hành chính như lâu nay càng khiến các hãng xe nhập khẩu tốn thêm thời gian, thêm chi phí và làm tăng giá bán, ảnh hưởng túi tiền của chính người tiêu dùng. Như vậy, thuế nhập khẩu giảm nhưng người dân không được hưởng lợi gì. Trong khi đó, thêm nhiều chính sách ưu ái nhưng không biết bao giờ người dân mới mua được chiếc ô tô trong nước với giá hợp lý”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, nêu quan điểm.