Thuốc y học cổ truyền phòng ngừa và hỗ trợ điều trị Covid-19

(ĐTTCO) - Từ ngày xưa, các bệnh lý lưu cảm (cảm mạo có tính chất lây lan) cùng các bệnh dịch đã là nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Các thầy thuốc ngày xưa đã tổng kết quy luật hình thành của các bệnh dịch để tổng kết thành các học thuyết, các quy nạp triệu chứng, thể bệnh và cách điều trị.
Hiểu bệnh theo y học cổ truyền
Y học cổ truyền Trung Quốc từ ngày xưa đã tổng kết được ảnh hưởng của thời tiết đối với sức khỏe và bệnh tật. Các bệnh dịch lây lan đặc biệt theo mùa đã được tổng kết trong học thuyết ôn bệnh. Ôn bệnh bao hàm các bệnh lý nóng sốt và các bệnh lý ôn dịch. Nhiều bệnh lý ôn dịch theo mùa đã được quy nạp như Đông ôn, Xuân ôn, hay do đặc điểm thời tiết như Thử ôn, Thấp ôn… để từ đó đưa ra nguyên nhân bệnh lý, cơ chế phát sinh bệnh tật, các triệu chứng để chẩn đoán và các phương pháp điều trị, trong đó quan trọng nhất là các bài thuốc.
Riêng dịp Tết năm 2019, do thời tiết khí hậu bất thường, mùa đông không lạnh nên các động vật bị lây nhiễm các loại virus lẽ ra do khí hậu lạnh khắc nghiệt sẽ chết thì vẫn còn sống và là nguồn lây cho các đợt dịch. Vì vậy đầu năm 2020 chúng ta chứng kiến hàng loạt dịch đã xảy ra cùng lúc ở nhiều nơi trên thế giới như: Merk ở Đài loan, Cúm mùa ở Mỹ với số lượng 26 triệu người mắc, 250.000 người nhập viện và 14.000 người tử vong chiếm tỷ lệ cao nhất trong hơn 10 năm qua, dịch sốt xuất huyết bùng phát tại Singapore. Nhưng nguy hiểm hơn hết là dịch Covid-19 bùng nổ trên toàn thế giới với số người mắc, số người tử vong, số quốc gia lây nhiễm lịch sử. Hơn nữa nó đã làm tê liệt, trì trệ nền kinh tế toàn thế giới, cũng đem lại mối hoảng loạn trên toàn thế giới.
Thuốc y học cổ truyền phòng ngừa và hỗ trợ điều trị Covid-19 ảnh 1 TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc
Theo tổng kết của Ôn bệnh học, bệnh lý thuộc phạm vi phục tà: lây qua đường hô hấp, gây các triệu chứng hô hấp: Sốt cao, đau đầu, ho, khó thở. Thời kỳ ủ bệnh khoảng 14 ngày, phát bệnh nặng ở người lớn tuổi, người có bệnh nền. Ở giai đoạn 2020 với chủng Alpha Virus xuất phát vào mùa đông, mang đặc tính của cúm mùa đông là yếu hơn ở khí hậu nóng đây là điểm lợi của Việt Nam.
Cơ chế tấn công là virus có độc lực không mạnh, lặng lẽ nhiễm vào cơ thể, sinh sôi, làm suy yếu cơ thể và phát bệnh khi lượng virus sinh sôi đủ lớn và hệ miễn dịch đã suy giảm sau 14 ngày. Tức là chính khí yếu, tà khí không quá mạnh. Vì vậy giai đoạn này điều trị quan trọng nhất là tăng cao sức đề kháng, theo hướng dẫn của Bộ Y tế vào năm 2020 với xu thế: Phòng ngừa mắc bệnh và khi mới nhiễm là nâng cao sức đề kháng, khi có triệu chứng thì điều trị triệu chứng.
Ở giai đoạn năm 2021, chủng Delta kết hợp 2 chủng từ Nam Phi (mùa hè) và Anh (mùa đông), độc lực và tốc độ cao hơn so với nguyên bản virus 2-3 lần, lây qua đường không khí, khoảng 70% bệnh nhân không có triệu chứng, nhưng một số bệnh nhân trở nặng rất nhanh, trẻ hơn thậm chí không có bệnh nền. Đồng thời cũng không bị yếu bớt do thời tiết nóng. Do đó xu hướng điều trị kết hợp y học cổ truyền lúc này là kết hợp phù chính và khu tà. Trong y học cổ truyền, có rất nhiều loại thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và virus như kim ngân hoa, bồ công anh, xuyên tâm liên, diệp hạ châu…

Kinh nghiệm điều trị
Viện Y dược học dân tộc, từ tháng 7-2021 được giao theo dõi và điều trị khu cách ly 100 giường của quận Phú Nhuận và từ tháng 8 đến hết tháng 10-2021 được giao quản lý và điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 Phú Nhuận. Tại đây dựa trên các hướng dẫn về y học hiện đại và y học cổ truyền đã ứng dụng các loại thuốc y học cổ truyền vào điều trị và nghiên cứu, bước đầu đã đem lại kết quả rất khả quan. 
Tổng kết kinh nghiệm điều trị tại Viện cho các giai đoạn bệnh. Giai đoạn phòng bệnh cho những người chưa nhiễm và người F1. Bài thuốc Ngọc bình phong tán gia vị : Hoàng kỳ 8g; Bạch truật 8g; Phòng phong 4g; Sa nhân hạt 4g. Tán bột mịn, uống hay hãm với nước ấm, có thể nén lại thành viên, ngày uống 2 lần x 12g
Giai đoạn F0 với người không có triệu chứng hay triệu chứng nhẹ và vừa: Nhân sâm bại độc tán: Sài hồ 12g; Bạch linh 12g; Nhân sâm (hay đảng sâm) 12g; Tiền hồ 12g; Cát cánh 12g; Xuyên khung 12g; Chỉ xác 12g; Khương hoạt 12g; Độc hoạt 12g; Cam thảo 12g. Tán bột mịn, uống hay hãm với nước ấm, có thể nén lại thành viên, ngày uống 2 lần x 12g, uống sau ăn. Hay sử dụng sản phẩm đã làm viên : KOVIR ngày uống 3 lần x 3 viên sau ăn. Xuyên tâm liên ngày uống 3 lần x 3 viên. Trường hợp bệnh nhân tiêu chảy không dung hay dùng cùng nước gừng ấm.
Giai đoạn phục hồi: Thể phế tỳ khí suy (thể hàn). Triệu chứng lâm sàng: hụt hơi, mỏi mệt uể oải, buồn nôn, ăn kém, bụng đầy, tiêu lỏng, sợ lạnh. Lưỡi nhạt bệu, rêu trắng nhờn. Liệu pháp điều trị: Kiện tỳ bổ phế, ích khí hóa thấp. Sâm linh bạch truật tán (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương). Sài hồ 12g, Bạch linh 12g, Nhân sâm (hay đảng sâm) 12g, Tiền hồ 12g, Cát cánh 12g, Xuyên khung 12g, Chỉ xác 12g, Khương hoạt 12g, Độc hoạt 12g, Cam thảo 12g. Tán bột mịn, uống hay hãm với nước ấm, có thể nén lại thành viên, ngày uống 2 lần x 12g, uống sau ăn.
Đối với thể khí âm lưỡng hư (thể nhiệt): Triệu chứng lâm sàng mệt mỏi, hụt hơi, miệng khô, khát, hồi hộp, nhiều mồ hôi, ăn kém, sốt hâm hấp hoặc không sốt, ho khan ít đờm. Mạch tế hoặc hư vô lực. Liệu pháp điều trị: ích khí dưỡng âm, hoạt huyết thông lạc. Bài thuốc: Sinh mạch tán (Nội ngoại thương biện hoặc luận), Đảng sâm 12, Ngũ vị tử 8, Mạch môn 12. Tán bột mịn, uống hay hãm với nước ấm, có thể nén lại thành viên, ngày uống 2 lần x 12g, uống sau ăn.  

Các tin khác