Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm nay sẽ họp bàn tìm cách giúp khu vực đồng EUR vượt qua cuộc khủng hoảng nợ. Giới quan sát đang hy vọng điều gì theo sau cuộc họp thượng đỉnh lần này?
Loay hoay các giải pháp
Đến nay, hầu như không ai dám khẳng định 100% Hy Lạp sẽ không rời bỏ đồng EUR. Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực, đang trên bờ vực sụp đổ tài chính, nước này đã chính thức đề nghị được ứng cứu hệ thống ngân hàng, trong khi Cyprus cũng khẳng định họ sẽ theo chân.
Điều này có nghĩa gần 1/3 trong số 17 thành viên của khu vực đồng EUR không còn khả năng tự cung cấp tài chính thông qua việc vay mượn trên thị trường.
![]() |
Khủng hoảng kéo dài khiến mức sống hàng triệu người dân châu Âu sa sút nghiêm trọng. |
Tình thế khẩn cấp đến nỗi Thủ tướng Italia Mario Monti ước tính vận mệnh của đồng EUR sẽ được quyết định trong vòng 10 ngày tới.
Trong bối cảnh đó, một nhóm các nhà lãnh đạo có “máu mặt” của EU như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Eurogroup Jean Claude Juncker và Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi hôm 26-6 đã đề xuất một loạt biện pháp để chỉnh đốn lại khu vực đồng tiền chung, khôi phục niềm tin nhà đầu tư trên thị trường vay nợ quốc tế.
Một trong những biện pháp được đề xuất là thành lập một “liên minh ngân hàng”, có sự tham gia của tất cả 27 nước thành viên EU. Tuy nhiên, ý tưởng này bị dội một gáo nước lạnh khi Anh, nước có đồng tiền độc lập, khẳng định sẽ không tham gia.
Kế hoạch cũng nhắm đến việc khôi phục niềm tin của thị trường bằng cách thêm quyền độc lập của ECB trong vai trò là cơ quan quản lý hệ thống ngân hàng trong khu vực, cho phép ECB có quyền hạn cao hơn các chính phủ thành viên (về tài chính/ngân hàng).
Kế hoạch đề xuất thành lập một quỹ bảo hiểm tiền gửi trong khu vực để gia tăng niềm tin của hệ thống ngân hàng ở những nước tài chính yếu và sẽ cấu trúc lại thanh khoản cho các ngân hàng ở eurozone.
Nhiều đề xuất trong gói kế hoạch đã được bàn cãi lâu nay, bao gồm việc phát hành nợ chọn lọc, thường được biết dưới tên gọi “trái phiếu EUR”. Nhưng nhiều chi tiết quan trọng vẫn cần phải bàn bạc, bao gồm việc quyết định để ngân hàng nào “chết” dưới sự quản lý khu vực và quỹ bảo hiểm tiền gửi sẽ lấy ngân sách từ đâu.
Hoài nghi
Giới phân tích lo rằng cuộc họp thượng đỉnh hôm nay sẽ không đạt được quyết sách gì đáng kể để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đã kéo dài 2 năm rưỡi. Chẳng hạn, không có dấu hiệu gì cho thấy Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ từ bỏ việc phản đối những biện pháp ngắn hạn do Tây Ban Nha và Italia đưa ra trước đó để ngăn chặn sự hỗn loạn ở nước họ, nơi chi phí vay mượn của chính phủ đã tăng chạm mức nguy hiểm.
Trong thực tế, sự chia rẽ là “truyền thống” của các cuộc họp thượng đỉnh châu Âu từ trước đến nay, trong đó nước Đức nhiều quyền lực luôn thúc đẩy những thay đổi lớn cho khu vực, trong khi phản đối những “phương thuốc” nhất thời do các nước đang nguy khốn đề xuất. Một thỏa thuận ngắn hạn đáng chú ý được nhắc đến trước khi cuộc họp thượng đỉnh diễn ra là Pháp đề xuất bơm 162 tỷ USD từ các quỹ của EU vào việc kích thích tăng trưởng và việc làm.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng chỉ khoảng 12,5 tỷ USD là bơm mới, trong khi hầu hết đến từ việc điều chỉnh lại các quỹ đã có sẵn. Họ cũng cảnh báo số tiền trên sẽ giải ngân trong nhiều năm, và quá mỏng để có ảnh hưởng tích cực đến những nước bị khủng hoảng nặng như Hy Lạp, Italia hay Tây Ban Nha.
Những đề xuất đưa ra hôm 26-6 còn bao gồm việc thành lập một bộ tài chính liên châu Âu có quyền kiểm soát ngân sách của cả khu vực. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết nhiều đề xuất đòi hỏi phải có sự thay đổi trong các hiệp ước hiện tại, hay thậm chí là phải có những hiệp ước hoàn toàn mới.
Đức là nước đầu tiên chỉ trích những đề xuất hôm 26-6 quá “lỗ mãng” khi kêu gọi phát hành trái phiếu EUR mà không đưa ra được những chi tiết kiềm chế chi tiêu ở eurozone. Thủ tướng Đức khẳng định sẽ không có chuyện trái phiếu EUR “cho đến khi nào tôi còn sống”.