Cả thế giới đang dõi theo từng bước đi của cuộc họp thượng đỉnh các nước khu vực đồng Euro (Eurozone), bắt đầu vào 16 giờ ngày 26-10 tại Brussels, Vương quốc Bỉ (khoảng 21 giờ Việt Nam). Nhiều người hy vọng giới lãnh đạo châu Âu sẽ đưa ra được những quyết sách giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng đã hoành hành lục địa già gần 2 năm qua.
Những dấu hiệu bất lành
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, nói với báo giới rằng EU vẫn trên tiến trình đạt sự đồng thuận. Nhưng các nước Eurozone vẫn chưa nhất trí trên một số điểm chính, như sự chia rẽ trong việc quyết định các ngân hàng phải chịu thua lỗ bao nhiêu đối với các khoản trái phiếu Hy Lạp mà họ đang nắm giữ.
Đức đang cố ép các ngân hàng phải hủy tới 60% nợ chính phủ Hy Lạp, nhưng Pháp khăng khăng việc hủy nợ “không nên” cao hơn 40%, một quan điểm được giới ngân hàng ủng hộ.
Các lãnh đạo châu Âu vào phòng họp thượng đỉnh hôm qua 26-10. |
Các ngân hàng cho rằng việc hủy tới 60% nợ sẽ không thể gọi là “hành động tự nguyện” và sẽ làm phát sinh cơn sốt mua bảo hiểm vỡ nợ (CDS) đối với nợ Hy Lạp.
Các công ty đánh giá tín dụng cũng từng cảnh báo sẽ tuyên bố Hy Lạp vỡ nợ nếu các nước Eurozone áp đặt một thỏa thuận không dựa trên sự tự nguyện của các khu vực tư (xem thêm ĐTTC số trước). Việc làm thế nào để tăng vốn cho Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) cũng là một đề tài tranh cãi.
Dấu hiệu bất đồng lộ rõ khi cuộc họp Bộ trưởng Tài chính 27 nước Liên minh châu Âu (EU) bị hủy vào phút chót. Theo kế hoạch, cuộc họp được triệu tập vào sáng 26-10, với mục đích tìm kiếm một sự đồng thuận giữa các nước thành viên trước khi bước vào cuộc họp thượng đỉnh buổi chiều và tối.
Một trong những nguyên nhân khiến cuộc họp bị hủy là 10 nước EU không sử dụng EUR, đặc biệt Anh, không muốn ký trước bất kỳ một biện pháp nào, đã làm nổ ra một cuộc cãi vã to tiếng giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Sarkozy hôm 23-10 cũng đã chỉ trích ông Berlusconi thậm tệ vì không thực hiện lời hứa cắt giảm khoản nợ khổng lồ của nước này (khoảng 2.650 tỷ EUR - 120% GDP) và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kế hoạch nào?
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cho rằng bước đầu tiên để tăng tính cạnh tranh của bất kỳ nước nào là đưa hệ thống tài chính công vào tầm kiểm soát. Bước tiếp theo là cải tổ cấu trúc, như các quy định về lao động, quỹ hưu trí... để giúp đất nước có thể tăng trưởng vững chắc hơn.
Những bước đi này có thể đau đớn trong ngắn hạn, nhưng Schauble nói rằng không có sự thay thế và dẫn chứng rằng Đức là bằng chứng cho điều đó. Tuy nhiên, cần thấy rằng Đức có thể tăng trưởng tốt trong giai đoạn nhu cầu nội địa giảm vừa qua là nhờ sự gia tăng nhu cầu ở bên ngoài, bởi phần lớn đơn hàng của Đức đến từ các nước Eurozone.
Hơn nữa, dù cải tổ nội địa là điều kiện cần thiết cho thành công, nhưng nó vẫn chưa đủ. Những gì diễn ra ở thế giới bên ngoài cũng có tác động rất lớn, đặc biệt trong một liên minh tiền tệ như các nước Eurozone, khi các công cụ thông thường - như phá giá tiền tệ - không thể tiến hành.
Theo Viện kinh tế Bruegel, có một số cách khác có thể hiệu quả hơn. Đầu tiên là việc dùng đến những quỹ cấu trúc và liên kết mà một số nền kinh tế bị khủng hoảng có thể tiếp cận. Ở Bồ Đào Nha, quỹ này có thể lên đến hơn 9% GDP. Hy Lạp cũng chưa dùng các quỹ khoảng 7% GDP.
Bruegel cho rằng EC cần tìm những biện pháp thúc đẩy việc sử dụng các quỹ này hiệu quả hơn. Thứ 2, các chương trình điều chỉnh của IMF-EU cần chú trọng hơn đến tăng trưởng. Trong bối cảnh sức ép trên thị trường đã gia tăng, các chính phủ ngày càng nhắm tới các loại thuế có hại cho tăng trưởng để có thể lấp đầy kế hoạch chống thâm hụt, sẽ càng khiến tình hình tệ hơn.
Cuối cùng, còn có các đề xuất khác trong tình hình xấu hơn, là ECB nên hạ tiếp lãi suất và nới lỏng định lượng quy mô lớn (cỡ 1.000 tỷ EUR).