Internet đóng vai trò quan trọng trong việc mua sắm, chuyển đổi kinh doanh trực tuyến qua sàn thương mại điện tử ở Việt Nam.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, sự chuyển dịch nền kinh tế số và xu hướng mua sắm thay đổi giúp đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa, góp phần đưa hàng Việt Nam vươn xa.
Nhận định từ các chuyên gia, nếu như trước kia muốn khởi nghiệp kinh doanh, điều đầu tiên nghĩ tới là địa điểm mở cửa hàng tại phố lớn hay đại lý tại khu đông dân cư, nhưng nay ngồi đâu cũng có thể bán hàng thông qua giao dịch trực tuyến.
Đặc biệt, không ít doanh nghiệp có doanh số tăng lên đến 70-80% khi tham gia sàn thương mại xuyên biên giới.
Điều này cho thấy việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp giúp nâng cao giá trị của sản phẩm, tiết kiệm được thời gian và chi phí vận hành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại Điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) cho hay thương mại điện tử đang là trụ cột chính của kinh tế số và thể hiện qua doanh số bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam.
Nếu như năm 2022, doanh số bán lẻ trực tuyến Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD, kinh tế số Việt Nam đạt gần 23 tỷ USD, dự kiến năm 2025, con số này có thể đạt 49 tỷ USD.
Dù vậy, nhà sản xuất, phân phối hàng Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng, khai thác hết tiềm năng thương mại điện tử toàn cầu do những yếu tố như chi phí tham gia, ngôn ngữ, luật pháp, chế tài của nước nhập khẩu…
Do đó, cơ quan chức năng đã phối hợp cùng sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba tổ chức nhiều khóa tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam có thêm kiến thức xuất khẩu.
Thống kê cho thấy, năm 2022, đã có 1.300 doanh nghiệp diện siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam được tham gia các lớp đào tạo tập huấn diện với rất nhiều kiến thức nền tảng về thương mại điện tử và thương mại điện tử toàn cầu.
Cụ thể, từ lựa chọn sản phẩm theo các tiêu chí, tiêu chuẩn nào cho phù hợp với thị trường; cách thức vận chuyển – logistics xuyên biên giới có gì khác biệt so với vận chuyển nội địa; hợp đồng giao dịch trực tuyến, chuyển phí cho bên trung gian có yếu tố ngoại…
Qua đó, doanh nghiệp không chỉ có gian hàng cố định trên Amazon, Alibaba mà còn trở thành động lực phát triển thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa.
Là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử, năm 2023, tỉnh Sơn La trồng hơn 84.700ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng quả dự kiến đạt gần 452.000 tấn.
Một số loại cây ăn quả có sản lượng lớn như chuối 55.000 tấn, mận gần 90.000 tấn, xoài 81.000 tấn, nhãn 139.000 tấn…
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Sơn La hiện có khoảng 3.250 doanh nghiệp và 806 hợp tác xã. Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã tận dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để quảng bá cũng như tiêu thụ hàng hóa nông sản.
Nhờ tích cực chuyển đổi số trong sản xuất, quảng bá và tiêu thụ nông sản, từ đầu năm đến nay, hơn 500 tấn trái cây của nông dân Sơn La đã được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử.
Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Sơn La thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tập trung đẩy mạnh tập huấn, phổ biến các kiến thức, kỹ năng trong thương mại điện tử cho hợp tác xã, người dân tổ chức hội nghị tập huấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh về văn bản quy phạm pháp luật cùng kiến thức cần thiết khi kinh doanh qua thương mại điện tử.
Cùng đó, phối hợp với các sàn thương mại điện tử Postmart, Sendo, Voso tổ chức buổi hướng dẫn cho hợp tác xã trên địa bàn các huyện, thành phố Sơn La, Sông Mã, Mộc Châu, Yên Châu cách thực hành tạo lập gian hàng và thực hiện việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng website thương mại điện tử và phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh.
Khởi nghiệp trong giai đoạn thử thách do COVID-19, thương hiệu ChicnChill được thành lập vào thời điểm khá đặc biệt khi phần lớn doanh nghiệp đều thu mình tránh dịch và tìm được lối đi riêng để thủ công mỹ nghệ đan lát cói xiên mang bản sắc Việt Nam hòa mình vào dòng chảy thế giới.
Nhân viên Bách Hóa Xanh xuất đơn hàng qua app cho khách hàng. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Với thương mại điện tử xuyên biên giới, sản phẩm trang trí nhà cửa đan lát Việt Nam đã vươn ra biển lớn, làm đẹp và kết nối con người với thiên nhiên ngay trong không gian sống của mình từ nhiều nơi trên thế giới, nhất là thị trường Hoa Kỳ.
Đặc biệt, một số sản phẩm đồng loạt trên một số nền tảng nhưng không đạt kết quả như kỳ vọng. Nhưng thất bại đã đổi lấy kinh nghiệm để thương hiệu mạnh dạn hơn khi chính thức “lên sàn” Amazon vào đầu năm 2021.
Quả ngọt đã đến với ChicnChill chỉ sau một khoảng thời ngắn tham gia xuất khẩu và bán hàng trên Amazon.
Cỏ cây, mây tre Việt qua sản phẩm thủ công trang trí ChicnChill được đón nhận và yêu thích trên Amazon với tỷ lệ tăng trưởng 700% trong vòng 1 năm ra mắt; trong đó, vào những dịp lễ, Tết, tốc độ tăng trưởng doanh thu ghi nhận những con số vô cùng ấn tượng và lan tỏa những giá trị, bản sắc quê hương đến với bạn bè quốc tế.
Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu và tiêu thụ hàng Việt qua thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã phối hợp với địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa và tạo thói quen mua sắm qua thương mại điện tử.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung vào việc nâng cao năng lực ứng dụng và phát triển thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới. Điều này nhằm tạo ra môi trường thương mại điện tử mạnh mẽ và linh hoạt, thúc đẩy doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng Việt và mở rộng thị trường thông qua nền tảng thương mại điện tử.