Tại Việt Nam, ứng dụng của công nghệ số trong các công đoạn của chuỗi giá trị đang dần trở nên phổ biến hơn như ứng dụng blockchain trong logistics, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mô hình thương mại không giấy tờ,...
Thông tin từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy, thời gian qua, với nhiều hoạt động liên quan tới tư vấn, phản biện chính sách và pháp luật, phổ biến tuyên truyền về thương mại điện tử… Hiệp hội đã chủ trì hoặc phối hợp triển khai một số chương trình trọng điểm, tạo sự quan tâm của đông đảo hội viên và cộng đồng doanh nghiệp như Chỉ số Thương mại điện tử (EBI); Chương trình phát triển thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019-2025, Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam, Diễn đàn tiếp thị trực tuyến… và nhiều hoạt động liên quan tới dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng, thanh toán, du lịch trực tuyến, thương mại di động, bảo vệ thông tin cá nhân…
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, tân Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) nhiệm kỳ IV giai đoạn 2021-2025 cho biết, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đòi hỏi cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ các hoạt động kinh doanh trực tuyến, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời bảo vệ người tiêu dùng.
“Thời gian tới, Hiệp hội cần chủ động theo dõi và có các hoạt động tư vấn, phản biện chính sách, pháp luật liên quan tới thương mại điện tử trên nền tảng di động, kinh doanh trên các mạng xã hội, thương mại điện tử gắn với AI, Blockchain, các loại tiền điện tử, quảng cáo trực tuyến, bảo vệ thông tin cá nhân, các vấn đề liên quan tới bảo vệ người tiêu dùng và cạnh tranh lành mạnh, thuế, giải quyết tranh chấp. Trong giai đoạn này, thương mại điện tử được coi là giải pháp tối ưu cho nền kinh tế và doanh nghiệp, khi phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu cũng như trong nước”, ông Dũng nói.