Mỗi năm, cứ vào ngày 11 tháng giêng, xã Tân Cương lại mở hội thi chè. Nếu đến dự ngày hội đó, du khách sẽ được tận mắt xem những người dân Tân Cương tái hiện quy trình làm chè truyền thống của mình. Còn với những người đã trót thương nhớ chè Tân Cương sẽ được gặp lại hương vị xưa cũ, của loại chè được sao suốt (hoàn toàn) trong chảo gang trên bếp củi.
Từ sáng sớm tinh mơ của ngày hội, 12 đội thi đại diện cho 12 xóm của xã Tân Cương, gồm những tay hái chè, làm chè lành nghề nhất, đã có mặt ở đồi chè để hái những búp chè xuân non mơn mởn khi mặt trời còn chưa kịp ló dạng.
Những bàn tay thoăn thoắt như múa, chỉ một loáng thúng chè đã đầy ắp và được đưa về sân bãi để cuộc thi sao chè bắt đầu. Một chiếc chảo gang to đặt trên bếp củi đã được nổi lửa trước đó, đủ để chảo đã nóng tay, lửa không còn lên ngọn lớn và than đã đượm hồng.
Sau khi đổ chè tươi vào chảo, người ta dùng đũa lớn để đảo chè cho đều, chừng khoảng 30 phút chè đã héo. Bấy giờ chè được đổ ra cái nong để chuyển sang khâu vò chè. Khâu này cần nhẹ và dẻo tay, để những búp chè được săn lại. Chè thành phẩm có đẹp hay không một phần lớn do khâu này.
Sau đó, chè lại được cho vào chảo sao tiếp. Đến đoạn này lửa được rút bớt dần và người ta hoàn toàn dùng tay trần để xoa đều chè trên chảo. Cứ liên tục như vậy, mỏi thì đổi tay, chừng khoảng hơn tiếng rưỡi chè đã khô hoàn toàn. Những gộc củi được rút hẳn ra ngoài, chỉ còn lại than hồng.
Lúc này đến khâu quan trọng nhất là lấy hương, mất khoảng 1 tiếng. Thỉnh thoảng, người sao lại lấy một cánh chè cho vào miệng nhấm thử xem đã đủ giòn, đủ thơm, đủ đậm hay chưa, cho đến khi thấy vừa ý thì dừng lại. Lúc này chè sao đã thành sản phẩm được gọi là trà.
Khi chuông bấm giờ kết thúc, các đội mang thành phẩm trình ban giám khảo, là những người sành chè nhất vùng. Nguyên liệu và quy trình giống nhau là vậy, nhưng hương vị trà của mỗi đội lại rất riêng. Việc để lửa đến đâu, điểm dừng mỗi khâu lúc nào để có vị trà thơm ngon nhất phụ thuộc rất nhiều vào cảm nhận, kinh nghiệm riêng của mỗi người.
Có người rất giỏi hái chè, người rất giỏi vò chè, người rất giỏi sao chè, có người lại giỏi khâu lên hương. Chả thế có nhà vợ hái chè, sao chè rất giỏi nhưng đến khâu lấy hương, lên mốc lại phải anh chồng ra tay. Vậy nên giám khảo mới “phán” được: trà của xóm này còn vị ngái, do không đủ lửa; trà của xóm kia hơi gắt nhẹ do quá lửa; trà này lên hương chưa chuẩn; trà kia chưa có màu “mốc” đẹp...
Cuối cùng người ta cũng tìm ra “hoa hậu” của hội thi, đó là loại trà có màu đen hơi ánh bạc, gọi là “lên mốc”, những cánh chè đều đặn không bị gãy vụn, nước trà trong, xanh hơi óng vàng, có vị chát đậm và hậu vị ngọt sâu. Đặc biệt hương trà mới pha dậy lên thật thanh khiết và quyến rũ.
Chè sao suốt tại ngày hội rất ít, một mẻ 3kg chè tươi chỉ lấy được khoảng 5 lạng trà thành phẩm. Sau khi lấy một phần đi dự thi, du khách may mắn mới có thể mua được vài lạng làm quà, với giá 1-2 triệu đồng/kg. Nó quý vì ngày nay người dân hầu như không còn làm chè sao suốt chảo gang nữa.
Ngoại trừ khâu hái chè, còn tất cả đã có máy móc, từ đảo chè, vò chè, sao chè. Máy móc giúp sản lượng trà Tân Cương lớn hơn, lên đến 1.000 tấn chè búp khô mỗi năm, chất lượng ổn định hơn. Khách cũng có nhiều lựa chọn hơn với các loại thành phẩm, được phân biệt từ cách hái búp chè như thế nào.
Loại phổ biến nhất là trà móc câu, hái 1 tôm 2 lá, nghĩa là 1 búp nhọn và 2 lá tiếp theo, có giá vài trăm đến hơn 1 triệu đồng/kg. Loại ngon hơn chút là trà nõn, chỉ hái 1 tôm 1 lá, có giá 1-2 triệu đồng/kg. Loại ngon nhất là trà đinh, chỉ hái phần búp nhọn như cái đinh, rất khó làm, có giá 3-7 triệu đồng/kg.
Dù loại nào, trà Tân Cương vẫn đậm đà hương vị riêng có mà thiên nhiên biệt đãi cho mảnh đất này. Nhưng những người sành biết rõ chè Tân Cương sao suốt chảo gang vẫn có hương vị rất khác, dường như nó đượm thêm một chút khói từ củi lửa, cùng rất nhiều công sức và tâm huyết của những người làm chè.
Anh bạn tôi, một “con nghiện” trà thứ thiệt, kể vào mỗi buổi sớm, pha một ấm trà Tân Cương, nhấp từng ngụm nhỏ, sẽ cảm nhận rõ hương vị của nó như hội tụ của mọi loại hương thơm cây cỏ. Anh còn quả quyết, nó có mùi ngầy ngậy của cỏ mật, mê hoặc lắm.
Mùi hương chè sao suốt chảo gang đã đưa tôi quay trở lại những ngày xa xưa. Tôi nhớ đến mẹ tôi, người đã từng tự tay hái chè vườn nhà, sao suốt trên chảo gang rồi dành dụm từng lạng chè ngon uống Tết.
Tôi nhớ đôi tay thoăn thoắt hái chè của bà, nhớ dáng ngồi cặm cụi miệt mài sao chè, gương mặt hồng rực vì hơi nóng phả lên. Tôi cũng nhớ nụ cười hài lòng, đôi mắt ấm áp của bà mỗi khi pha một ấm trà mới tự tay mình sao.
Ở cái nơi rét cũng hơn người “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế”, vào cái thời “ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm”, hương thơm từ chén trà Xuân mẹ pha những ngày Tết năm đó sao ấm áp, ngọt ngào, lẩn quất mãi trong tâm trí tôi cho đến tận bây giờ.