Chứng khoán, ngân hàng vẫn “rủng rẻng”
Ngành tài chính dịch vụ như ngân hàng (NH), bảo hiểm luôn thuộc nhóm dẫn đầu về thưởng tết trong nhiều năm trước đây. Mặc dù các nhà băng khá kín tiếng về vấn đề này nhưng theo tìm hiểu, chính sách lương thưởng của họ hầu như không thay đổi nhiều do kết quả kinh doanh năm 2021 của nhiều NH đã đạt và vượt kế hoạch đề ra dù chưa hết năm.
Do đó theo ước tính, mức thưởng bình quân của ngành này vẫn được duy trì phổ biến từ 2 - 4 tháng lương ngoài lương tháng 13.
Trong khi đó, nhân viên các công ty chứng khoán (CTCK) đang tràn ngập hy vọng về một năm “được mùa” và chờ đợi mức thưởng cho dịp tết đang đến gần.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á, ngoài lương tháng 13 như thường lệ, công ty đã trình kế hoạch thưởng tết là 2 tháng lương cho toàn bộ nhân viên và đang chờ phía chủ quản thông qua. Đây có lẽ là năm đầu tiên sau gần chục năm qua CTCK này vui mừng gia tăng thưởng tết cho nhân viên vì lợi nhuận đạt và vượt gấp hơn 4 lần kế hoạch.
Ông Tuấn hồ hởi, nhiều năm trước, công ty luôn gặp khó khăn, đa số là hòa hoặc bị thua lỗ thì năm nay đến giữa năm đã về đích kế hoạch đề ra. Một phần do kế hoạch năm trước không cao nên chỉ tiêu năm nay không tăng nhiều. Nhưng quan trọng là thị trường chứng khoán VN năm 2021 tăng cao vượt mọi dự đoán. Thanh khoản của thị trường luôn duy trì ở mức trên 2.000 - 3.000 tỉ đồng/phiên đã mang lại doanh thu môi giới rất cao cho các CTCK.
Tuy nhiên, do quy định chung trong hệ thống nên cũng chỉ đề xuất thưởng ở mức 2 tháng lương và có thể đây là mức thưởng khá thấp trong ngành. Theo dự đoán của ông, các CTCK lớn với doanh thu và lợi nhuận lên con số cả ngàn tỉ đồng thì chắc chắn mức thưởng tết năm nay sẽ khá cao.
“Năm nay hầu hết CTCK đều vượt kế hoạch năm khá cao, trong đó có nhiều doanh nghiệp (DN) lãi gấp đôi. Thông thường các công ty sẽ chi thưởng từ 5 - 10% trên mức vượt kế hoạch và con số đó rất khủng. Có thể nói năm nay là năm thịnh vượng của ngành chứng khoán nên nhân viên cũng sẽ được mùa. Tôi còn nhớ cũng như thời kỳ đỉnh cao là giai đoạn năm 2006 - 2007 khi thị trường giao dịch sôi động, các công ty lãi lớn thì cuối năm nhiều DN thưởng tết đến 8 - 10 tháng lương”, ông Huỳnh Anh Tuấn nói.
Tương tự, Phó tổng giám đốc một CTCK có vốn nước ngoài cũng chia sẻ kế hoạch thưởng tết sẽ phải đợi tập đoàn phê duyệt và có lẽ đến giữa tháng 1.2022 mới biết. Nhưng năm nay, cũng như nhiều công ty trong ngành thì công ty đã vượt kế hoạch đề ra nên ông kỳ vọng mức thưởng cũng tăng thêm 1 - 2 tháng lương so với năm trước, lên từ 4 - 5 tháng lương.
Theo ông, mức thưởng không nhiều đột phá bởi tập đoàn sẽ cân đối và có thể chia sẻ thêm nếu đơn vị ở thị trường nào gặp khó. Chẳng hạn cách nay vài năm khi công ty này mới bắt đầu hoạt động tại VN dù chưa có lợi nhuận thì vẫn được nhận lương tháng 13 và đó là phần chia sẻ từ các công ty ở những thị trường khác.
Chứng khoán, ngân hàng dự báo sẽ thưởng tết lớn |
“Quán quân” than khó
Nhiều năm trước, nhóm DN bất động sản cũng luôn vào top dẫn đầu về mức thưởng Tết âm lịch khiến nhiều nhân viên của ngành khác ao ước. Cứ tết đến, lại có thông tin đơn vị này thưởng lớn nhất 1 căn hộ, căn nhà cho nhân viên. Nhưng năm nay nhiều công ty đến lúc này vẫn khá dè dặt và cho biết “chưa lên kế hoạch cụ thể”.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại Lê Thành, chia sẻ thực tế kế hoạch thưởng Tết âm lịch qua đầu năm 2022 mới tính cụ thể được. Tình hình chung là vẫn có thưởng nhưng giảm mạnh. Ông thông tin thêm: Công ty hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, từ xây dựng đến bán lẻ. 5 tháng giãn cách không có một đồng doanh thu, mọi nguồn lực tập trung làm công tác xã hội, cứu trợ người dân, người lao động trong “bão” Covid-19.
Ngành bán lẻ mà DN tham gia mở rộng đến 15 cơ sở tại TP.HCM sau khi mở cửa vẫn tập trung hàng thiết yếu, tươi sống. Tuy nhiên, doanh thu từ nhóm sản phẩm đó không bù lại cho doanh số cả ngành bán lẻ khi tình hình chung vẫn giảm mạnh.
“Với ngành kinh doanh dịch vụ bất động sản, tuy dịch bệnh bùng phát nặng, trong ngành có vài DN lớn, có dự án mới vẫn tăng doanh thu và lợi nhuận rất tốt. Tuy nhiên, số này không thể đại diện cho hết cả ngành trong khi đa số không có dự án mới hoặc có thì đã khai thác trước hết rồi, nên nhiều DN năm nay khó có thưởng. Công ty chúng tôi cũng dự kiến sẽ phân bổ mức thưởng đều cho nhân viên có tết. Mức thưởng chung sẽ giảm từ 30 - 50% so với mấy năm trước”, ông Lê Hữu Nghĩa cho hay.
Khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng là những đơn vị thường xuyên có mức thưởng cao. Nhưng năm nay tình hình khá yên ắng. Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM, thông tin các DN sản xuất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn chưa chốt kế hoạch thưởng tết cho người lao động. Tuy nhiên, tình hình chung là vẫn có thưởng.
Ông Bé nói: “TP.HCM và một số tỉnh thành phía nam có 4 - 5 tháng buộc đóng cửa nền kinh tế để chống dịch, song qua trao đổi, các DN nước ngoài sản xuất xuất khẩu trong khu công nghiệp cho biết sẽ cố gắng duy trì lương tháng 13 theo thỏa ước với người lao động. Còn kế hoạch thưởng tết nữa chắc là khó. Thực tế, sau khi mở cửa lại nền kinh tế, nhiều ngành sản xuất xuất khẩu “phất lên” rất rõ rệt, đặc biệt là xuất nhập khẩu. Dịch bệnh lan tràn cả thế giới, người tiêu dùng vẫn phải mua sắm để duy trì cuộc sống, nên xuất khẩu trong 2 tháng qua tăng rõ rệt.
Năm ngoái, xuất nhập khẩu của cả nước tính hết năm chỉ đạt hơn 500 tỉ USD, hết tháng 11 năm nay đã đạt 600 tỉ USD, tăng hơn 22%. Theo tôi, DN ngành sản xuất xuất khẩu năm nay sẽ duy trì thưởng tết mức thấp nhất bằng 50% so với năm ngoái”.
Ngành hàng thiết yếu cố gắng duy trì lương, thưởng
Trong khi đó, những tưởng ngành hàng sản xuất thiết yếu vẫn có thể về đích dù bị ảnh hưởng của đại dịch nhưng không ít công ty cũng “than khó” khi được hỏi về kế hoạch thưởng tết cho người lao động.
Đại diện Công ty TNHH phân bón Điền Trang (TP.HCM) cho biết mấy ngày nay công ty đang “đau đầu” với kế hoạch thưởng tết cho nhân viên. Năm nay doanh thu giảm nhiều so với năm ngoái, nhiều mảng không có lợi nhuận nhưng thưởng cho công nhân viên thì không thể bỏ.
Vị này chia sẻ thêm: Lãnh đạo công ty xác định thế nào cũng cố gắng lo cái tết tươm tất cho người lao động vì họ đi đường dài với mình, có người gắn bó cả cuộc đời với công ty. Không thể mình khó khăn rồi bắt công nhân cùng khó với mình được. Thế nên kế hoạch vẫn có thưởng, nhưng chỉ khoảng 70% so với các năm trước.
Tương tự, đại diện Công ty nước ngoài G., chuyên sản xuất thịt sạch, cho hay kế hoạch cụ thể công ty chưa có, nhưng “chắc chắn giảm nhiều so với năm trước”. Vị này cho hay công ty luôn thưởng theo lợi nhuận, kết quả kinh doanh năm nay quá “tả tơi” do giá heo giảm mạnh, giá nguyên liệu và vận chuyển tăng khủng khiếp.
Bên cạnh đó, nhóm hàng thức ăn cho cá cũng ảnh hưởng nặng nề vì xuất khẩu cá tra, cá ba sa không được. DN sản xuất kinh doanh ngành hàng thực phẩm sẽ ít bị ảnh hưởng hơn do vẫn hoạt động liên tục trong đại dịch nhưng thị trường yếu, chuỗi cung ứng đứt gãy, phí logistics tăng quá cao và nhu cầu tiêu thụ giảm. Nên nhìn chung, thưởng tết năm nay giảm hơn 50% so với năm ngoái.
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT), cho biết kết quả kinh doanh cả năm công ty bị âm, thua lỗ. Dù cũng là ngành lương thực thực phẩm và các sản phẩm trong mùa dịch vẫn tiêu thụ được nhưng do công ty cam kết bình ổn giá bán ra nên mọi chi phí đầu vào tăng vọt nên phải gánh chịu.
Đồng thời, năng suất lao động, công suất nhà máy giảm mạnh chỉ còn 30 - 40% trong quý 3 nên cũng ảnh hưởng nhiều đến doanh thu. Nhưng ban lãnh đạo cũng quyết định vẫn trả lương tháng 13 cho toàn bộ nhân viên.
Đồng thời, vẫn tổ chức bữa tiệc cuối năm để người lao động chung vui, có rút thăm trúng thưởng mỗi người một phần quà trị giá từ 500.000 đồng đến cao nhất là xe máy trị giá 20 triệu đồng…
“Nhiều DN ngành lương thực thực phẩm tại TP.HCM năm nay bị thua lỗ nhưng chúng tôi trao đổi với nhau đều cố gắng có lương tháng 13 để tạo cho anh em lao động có một tết an vui. Coi như tích góp nhiều năm trước đây thì năm nay cũng chia sẻ, cùng nhau vượt qua khó khăn và hy vọng năm mới sẽ khả quan hơn”, ông Trương Tiến Dũng nói.
Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM đã có công văn gửi đến các DN đang hoạt động trên địa bàn, yêu cầu các đơn vị thông tin sớm và đầy đủ kế hoạch trả lương, trả thưởng trong dịp tết trước ngày 25.12.2021.