Nhiều biến chứng nguy hiểm
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận điều trị cho anh L.V.S. (50 tuổi, ngụ tại Trà Vinh) đến khám trong tình trạng đột ngột sưng đau, căng tức chân trái, đau nhiều không giảm. Sau khi siêu âm và chụp CT mạch máu, các bác sĩ xác định người bệnh bị huyết khối tĩnh mạch toàn bộ chân trái, lan rộng tới tĩnh mạch chủ bụng, sát đến tĩnh mạch thận. Các bác sĩ đánh giá tình trạng rất nguy hiểm, nguy cơ biến chứng thuyên tắc phổi rất cao.
Sau đó, người bệnh được chỉ định đặt lưới lọc huyết khối phòng ngừa tạm thời và sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, hút huyết khối bằng phương pháp nội mạch để tái lưu thông sớm mạch máu và giảm thiểu nguy cơ gây biến chứng, đồng thời dùng thuốc kháng đông để điều trị, phòng ngừa tiến triển bệnh.
Bên cạnh đó, các khám nghiệm tầm soát phát hiện thêm tình trạng tăng đông máu tiềm ẩn, là một yếu tố nguy cơ dẫn đến biến chứng tạo lập huyết khối. Sau khi được phối hợp điều trị bởi nhiều chuyên khoa: mạch máu, tim mạch và huyết học, người bệnh đã được xuất viện sau 5 ngày với tình trạng sức khỏe ổn định, triệu chứng thuyên giảm nhiều và không có biến chứng nào xảy ra.
Có thể thấy, thuyên tắc khối tĩnh mạch là bệnh lý khá phổ biến trong cộng đồng, đứng hàng thứ 3 trong các bệnh lý về tim mạch sau nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào, liên quan đến rất nhiều yếu tố nguy cơ về cơ địa hoặc bệnh lý bẩm sinh hay mắc phải. Đây là hiện tượng tạo lập cục máu đông trong lòng hệ thống tĩnh mạch, gây bít tắc, nghẽn ứ sự lưu thông máu bình thường trong cơ thể.
Huyết khối làm ứ trệ dòng máu tĩnh mạch gây nên các hậu quả tại chỗ, có thể từ nhẹ như sưng đau, đỏ tấy dọc các mạch máu trên da (viêm tĩnh mạch nông huyết khối), sưng phù căng đau nhức chân đột ngột (huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới) hoặc gây ra các hậu quả rất nặng nề như: sung huyết, thiếu máu nuôi ruột, hoại tử ruột (tắc tĩnh mạch nuôi ruột cấp tính), phù não cấp tính (thuyên tắc các tĩnh mạch nội sọ)… có thể dẫn tới tàn phế và tử vong.
Nghiêm trọng hơn, cục máu đông có thể bong tróc, di chuyển và trôi theo dòng máu về tim, gây tắc các mạch máu phổi (thuyên tắc phổi). Đây là một biến chứng cấp tính rất nguy hiểm, làm cho người bệnh rơi vào nguy kịch và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Chủ động phòng ngừa bằng cách tầm soát sớm
Người bệnh cần lưu ý, cơ chế dẫn đến bệnh lý thuyên tắc huyết khối là bộ 3 bệnh lý: tình trạng máu tăng đông, các rối loạn về dòng chảy và tình trạng tổn thương thành mạch máu. 3 bệnh lý này có thể đơn lẻ hoặc đồng thời tác động, dẫn đến sự tạo lập huyết khối gây tắc nghẽn. Do vậy, có rất nhiều tình huống cũng như bệnh lý bẩm sinh hay mắc phải có liên quan đến bộ 3 bệnh lý này, làm tăng nguy cơ gây thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.
Chẳng hạn, người bệnh trải qua phẫu thuật và chấn thương (các mô, mạch máu bị tổn thương), người có bệnh lý ác tính, các bệnh lý tăng đông máu bẩm sinh, các bệnh lý tự miễn gây tình trạng tăng đông máu thứ phát, sử dụng thuốc ngừa thai và điều trị nội tiết tố, di chứng tai biến mạch máu não, tổn thương tủy sống… phải nằm bất động trong một thời gian dài.
Ngoài ra còn các yếu tố nguy cơ khác như: người cao tuổi, béo phì, phụ nữ có thai, tiền sử đã từng bị thuyên tắc huyết khối, hay gia đình có người bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch… Dựa vào tình trạng cụ thể của từng người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị như dùng thuốc chống đông, tiêu sợi huyết, sử dụng lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới, can thiệp nội mạch lấy huyết khối, phẫu thuật, mang vớ tĩnh mạch, vận động sớm…
Chính vì thế, người bệnh gặp đa chấn thương hoặc trải qua phẫu thuật, thay khớp gối, háng, u bướu vùng chậu là đối tượng nguy cơ cao. Bên cạnh đó, người bệnh ung thư, nhất là ở giai đoạn tiến triển, có điều trị hóa chất, rất nên được tầm soát đánh giá nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Cụ thể, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, chẩn đoán mức độ bệnh thông qua siêu âm mạch máu, phát hiện huyết khối trong thành mạch, hoặc sử dụng các biện pháp hình ảnh học, chụp CT, MRI mạch máu, chụp mạch máu cản quang. Ngoài ra có các xét nghiệm tình trạng máu, tầm soát ung thư, xét nghiệm u bướu…
Bệnh thuyên tắc khối tĩnh mạch khá nguy hiểm nhưng thường không có triệu chứng điển hình. Cứ 10 người bệnh thì chỉ có 2 – 3 người có các triệu chứng ban đầu như đột ngột sưng chân, đau, phù, căng tức, hoặc đau ngực đột ngột, đau chướng bụng… Do vậy người có các yếu tố nguy cơ kể trên nên chủ động tầm soát để điều trị ở giai đoạn sớm. Với người bệnh đang được theo dõi, điều trị thuyên tắc khối tĩnh mạch nên tuân thủ nguyên tắc điều trị và dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh hiệu quả, phòng ngừa nguy cơ tái phát.