Nhiều chuyên gia kinh tế, y tế, doanh nghiệp (DN) đề cập câu chuyện tiêm đủ 2 mũi vaccine rồi ngồi nhà và trăn trở về những khó khăn vô cùng lớn hiện nay của kinh tế đất nước, DN…. Đa phần ý kiến cho rằng cần sớm mở lại hoạt động kinh tế một cách có kiểm soát, qui định khoa học trong việc quản lý bệnh tật, để những người đã được tiêm đủ vaccine có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế -xã hội, sản xuất, kinh doanh…
Vì sao trong lúc này, bài toán về mở cửa lại các hoạt động kinh tế lại trở nên cấp bách như vậy? Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2021, cả nước có khoảng 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 24,2% so với năm 2020, tương đương 10.000 doanh nghiệp dừng hoạt động/tháng.
Trong khi đó, trong tháng 8/2021, cả nước còn có 3.865 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 21,9% so với tháng trước và giảm 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Cộng gộp 8 tháng năm 2021, cả nước có 32.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng qua lên 114.000 doanh nghiệp.
Còn theo báo cáo của Bộ Y tế, đến trưa 2/9, cả nước đã tiêm trên 20,5 triệu liều vaccine COVID-19. Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng; Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được giao nhiệm vụ tiêm vaccine COVID-19. Cụ thể, khẩn trương rà soát các đối tượng đã tiêm mũi 1 và lập kế hoạch tiêm mũi 2 vaccine COVID-19 cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 đủ thời gian tại đơn vị mình để chủ động tổ chức tiêm chủng ngay khi tiếp nhận từng đợt vaccine.
Đã đến lúc chúng ta cần đặt bài toán kinh tế bên cạnh bài toán về y tế, phòng, chống dịch. Y tế làm tốt chống dịch, chăm sóc sức khoẻ nhân dân để phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Và ngược lại có phát triển kinh tế thì mới có nguồn lực để y tế hoạt động.
Việt Nam đã có một bước ngoặt trong tư duy chống dịch Covid 19 khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 khẳng định: “Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên. Chúng ta vẫn đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, là trước hết, càng khó khăn càng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đặc biệt là lúc dịch đã đi qua”
Không chỉ ở Việt Nam mà các nước phát triển cũng đã phải tính đến câu chuyện sống chung, thích ứng với dịch bệnh. Một chủ doanh nghiệp nhỏ người Việt Nam hiện đang kinh doanh tại Vương quốc Anh chia sẻ: Hai năm vừa qua, Chính phủ Anh hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ trả 80% lương cho những người đi làm hưởng lương. Tuy nhiên, sang năm 2021, Chính phủ đã phải tính tới phương án khác, bằng việc cho mở cửa các hoạt động kinh tế trở lại (kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, du lịch) nhưng có kiểm soát. Bởi Chính phủ cũng phải thừa nhận rằng không thể đủ lực để chống đỡ dịch bệnh nếu cứ đóng băng nền kinh tế.
Trở lại câu chuyện của Việt Nam, theo quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, dù tạo điều kiện để một số đối tượng, một số lĩnh vực kinh tế-xã hội được hoạt động trở lại nhưng vẫn phải dựa trên nguyên tắc tính mạng và sức khỏe của người dân là số 1. Những người được tiêm đầy đủ vaccine cần được tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội, cần được đi làm để khỏi lãng phí nguồn lực đã đầu tư cho họ, tạo nguồn lực trở lại cho y tế, cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ những vùng khó khăn hơn.
Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua 4 lần ảnh hưởng của dịch Covid 19 nhưng đợt thứ 4 này kéo dài và nặng nề nhất. Bởi việc giãn cách, phong toả diễn ra trên diện rộng, có thời điểm các hoạt động kinh tế gần như “đóng băng” vì các qui định phòng, chống dịch. Chúng ta không thể mãi ôm cách làm cũ, để con virus trì trệ ăn sâu vào tư duy nhiều vị lãnh đạo, ôm khư khư sự an tâm, an toàn mà lơ là nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế. Nếu không sớm thay đổi tư duy, cách làm thì ngoài việc gây ra đứt gãy trong chính nội tại nền kinh tế thì sự đứt gãy với kinh tế toàn cầu đang là mối đe doạ rất lớn và còn nguy hiểm hơn. Đã đến lúc, chúng ta không thể để những tổn thất vượt quá ngưỡng chịu đựng của nền kinh tế vì sẽ rất dễ xảy ra suy thoái… khiến đất nước không còn đủ nguồn lực phục vụ chống dịch, đời sống người dân sẽ vô cùng khó khăn.