Tiền tiết kiệm đang đổ mạnh vào chứng khoán?

(ĐTTCO) - Từ đầu năm 2024 đến nay, thanh khoản của thị trường chứng khoán (TTCK) được cải thiện khá rõ rệt, với nhiều phiên giao dịch vượt mốc 30.000 tỷ đồng. Theo giới phân tích, dòng tiền mới đổ vào TTCK phần nhiều xuất phát từ dòng tiền tiết kiệm của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân.

Tiền tiết kiệm đang đổ mạnh vào chứng khoán?

NĐT cá nhân quay lại TTCK

Kết thúc tháng 2, TTCK có chuỗi tăng điểm ở tháng thứ 4 liên tiếp, vượt xa kỳ vọng của giới phân tích. Đà tăng được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu (CP) ngân hàng, nhờ vào triển vọng tích cực sau 2 quý giảm.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý IV-2023 của 27 ngân hàng niêm yết đã tăng 26%, tạo động lực cho tăng trưởng của ngành năm 2023, nhờ kiểm soát chi phí và cải thiện chất lượng tài sản. Dù tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) không thay đổi, nhưng các ngân hàng kỳ vọng sẽ cải thiện chỉ số này, và đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong các quý tới, nhờ lãi suất huy động thấp và nhu cầu tín dụng hồi phục.

Nhờ kết quả kinh doanh khả quan, nhóm CP ngân hàng trở thành động lực kéo chỉ số và thanh khoản bật tăng mạnh. Theo thống kê, VN Index tăng 21,7% kể từ tháng tăng điểm đầu tiên (tháng 11-2023), và có mức cao thứ 7 trên tổng số 9 chuỗi tăng điểm mạnh kể từ 2009.

Về thanh khoản, giá trị giao dịch trung bình trong tháng 2 của sàn HoSE đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 28,3% so với trung bình 12 tháng gần nhất. Điểm nhấn thanh khoản chính là dòng tiền của các NĐT cá nhân, đã chuyển sang mua ròng mạnh với 6.495 tỷ đồng trong tháng 2. Lũy kế mua ròng 12 tháng của nhóm NĐT cá nhân cũng nâng lên con số kỷ lục 34.867 tỷ đồng.

Theo CTCK Nhất Việt (VFS), đa phần dòng tiền mới xuất phát từ dòng tiền tiết kiệm có xu hướng đổ một phần vào TTCK, với kỳ vọng tỷ suất sinh lời cao hơn ngân hàng, nhưng vẫn an toàn về mặt pháp lý và tính thanh khoản cao. Bên cạnh đó, lãi suất thấp cũng ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời, nên NĐT có xu hướng “dễ tính” hơn trong việc lựa chọn CP trong hoạt động đầu cơ và đầu tư.

Chờ dòng vốn ngoại

Có thể nói, dòng tiền rẻ từ NĐT nội chính là yếu tố giúp VN Index “thăng hoa” trong khoảng 4 tháng trở lại đây. Thế nhưng, trái ngược với dòng tiền nội, khối ngoại bất ngờ quay trở lại trạng thái bán ròng mạnh trong tháng 2, với con số 2.769 tỷ đồng. Lý do khối ngoại bán ròng bởi thị trường đang ở vùng giá hấp dẫn để chốt lời.

Cụ thể, đến cuối tháng 2, P/E trượt 12 tháng của VN Index đã vượt 14x. Quan sát quá khứ, VDSC nhận thấy đây là vùng bán ròng ưa thích của khối ngoại trong ngắn hạn, khi TTCK Việt Nam thiếu vắng những câu chuyện lớn. Do vậy, VDSC không loại trừ áp lực này sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, nhìn về trung và dài hạn, VDSC cho rằng trạng thái giao dịch ròng của NĐT ngoại sẽ đảo chiều tích cực trở lại, và chấp nhận trả một mức P/E cao hơn một khi các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu lộ trình cắt giảm lãi suất, và Việt Nam cải thiện các tiêu chí để được nâng hạng thị trường.

Theo một báo cáo tổng hợp dữ liệu của Bloomberg, bên cạnh sức mạnh của đồng USD, mối quan hệ thương mại sâu rộng giữa các nước Đông Nam Á với Trung Quốc, là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tâm lý của dòng vốn ngoại đối với TTCK Đông Nam Á trong năm 2023, dưới bối cảnh sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc gây thất vọng cho giới đầu tư.

Theo giới phân tích, do doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết tại Đông Nam Á chủ yếu đến từ thị trường nội địa, nên khả năng bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của Trung Quốc nếu có là không thật sự nhiều.

TTCK Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam với triển vọng lợi nhuận và định giá hấp dẫn tại thời điểm hiện tại, sẽ là điểm đến ưa thích của dòng tiền ngoại, khi chính sách lãi suất cao trong thời gian dài hơn được thay thế bằng một lộ trình giảm lãi suất rõ ràng hơn, và được kỳ vọng bắt đầu từ nửa sau năm 2024.

Nhóm ngành hút dòng tiền

Tính tới thời điểm hiện tại, thị trường gần như đã phản ánh tương đối đầy đủ kết quả kinh doanh quý IV-2023. Trong khi đó, các thông tin nổi bật về kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm 2024 sẽ bắt đầu được quan tâm từ cuối tháng. Do đó, trong phần lớn thời gian giao dịch trong tháng 3, TTCK sẽ xoay quanh thông tin về kết quả kinh doanh quý I-2024 của các doanh nghiệp. Đây cũng là nhóm ngành được dự báo sẽ hút mạnh dòng tiền.

Dựa trên kết quả kinh doanh quý IV-2023, các chuyên gia CTCK Mirae Asset Việt Nam (MAS) đã tiến hành lọc CP có kết quả kinh doanh ổn định, duy trì sức tăng trưởng tốt và có câu chuyện riêng. Các tiêu chí dựa trên sự kết hợp giữa phương pháp chọn CP có nền tảng cơ bản tốt theo phương pháp SEPA của Mark Minervini, và phương pháp đầu tư Canslim của William O’neil.

Trong đó, các CP thuộc một số nhóm ngành mang tính ổn định như thực phẩm, hóa chất, bảo hiểm là những lựa chọn tương đối an toàn. Ngoài ra nhóm ngành dần hồi phục như bất động sản, chứng khoán cũng là lựa chọn phù hợp khi rơi về những vùng giá hấp dẫn.

Về mặt dòng tiền, lãi suất thấp kỷ lục sẽ là động lực tăng trưởng chính, đặc biệt đối với NĐT cá nhân. Tiền gửi tại ngân hàng vẫn đang tiếp tục tăng do các kênh đầu tư khác khá hạn chế. Đó là giá vàng đã tăng mạnh, trong khi ngành bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cần nhiều thời gian để hồi phục.

Do NĐT cá nhân chiếm tới 92,2% khối lượng giao dịch trung bình ngày toàn thị trường năm 2023, SSI Research dự đoán VN Index sẽ có một số bước nhảy vọt trong năm 2024 nhờ dòng vốn này.

Trong quá khứ, ở vùng định giá P/E 14x như hiện tại, thị trường khó có khả năng tiến xa hơn nếu thiếu sự tham gia mạnh mẽ của NĐT nước ngoài. Do vậy, giới phân tích nghiêng về kịch bản đà tăng của chỉ số sẽ giảm tốc và thị trường sẽ trải qua giai đoạn giằng co nhiều hơn.

Năm 2024 dự kiến là một năm tương đối thuận lợi với TTCK, với sự phục hồi mạnh có thể nối tiếp ngay sau các phiên điều chỉnh sâu. Do vậy, NĐT được khuyến nghị mua khi thị trường điều chỉnh mạnh. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất thấp kỷ lục, tỷ suất cổ tức cao đang trở thành một yếu tố hấp dẫn dòng tiền.

Các tin khác