Các siêu thị bắt đầu bán nông sản của Hải Dương
Ngày 23-2, Tập đoàn Masan cho biết, hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ của tập đoàn này đang tích cực tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn cho bà con nông dân tỉnh Hải Dương. Hiện tại, VinMart và VinMart+ ở khu vực miền Bắc đang bán hàng không lợi nhuận một số loại nông sản của Hải Dương như: cà chua, su hào, cà rốt, bắp cải, ổi... với sản lượng tiêu thụ dự kiến khoảng 70 tấn/tuần. Tại vùng dịch như Hải Dương, Quảng Ninh..., VinMart và Vinmart+ đang ưu tiên triển khai các chương trình bình ổn giá, khuyến mại, giảm giá tới 40% cho các sản phẩm tươi sống, thực phẩm thiết yếu, như: cá basa fillet đông lạnh giảm giá sâu tới 39% (chỉ còn 59.900 đồng/kg), mực ống đông lạnh giảm 21% (chỉ còn 109.900 đồng/khay 500g), củ cải trắng giảm 31% (chỉ còn 8.900 đồng/kg), cà chua giảm 22% (chỉ còn 9.900 đồng/kg)…
Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông của Tập đoàn Central Retail, hiện nay hệ thống siêu thị Big C và Go! của tập đoàn đang đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản, nhằm hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương giảm bớt thiệt hại về kinh tế. Hệ thống siêu thị Big C và Go! đang áp dụng chương trình ưu đãi giá cho các loại nông sản của tỉnh Hải Dương từ nay cho tới cuối mùa vụ với sản lượng dự kiến khoảng 70 tấn/tuần.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Co.op Mart Hà Nội, từ ngày 22-2 đến nay, ngoài bán tại các siêu thị trên địa bàn, Co.op Mart Hà Nội còn tổ chức thêm các gian hàng “giải cứu” nông sản Hải Dương tại 10 điểm của Liên minh Hợp tác xã Hà Nội. Ước tính, đợt này, siêu thị sẽ bù chi phí để bán khoảng 200 - 300 tấn nông sản hàng hóa hỗ trợ cho tỉnh Hải Dương.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết, sở đã kết nối để 32 doanh nghiệp thương mại, 34 chợ của Hà Nội với 59 đơn vị sản xuất để thu mua nông sản của Hải Dương. Đồng thời, sở phối hợp với Sở GTVT và Công an TP Hà Nội tạo điều kiện để phương tiện chở nông sản của bà con ở những địa phương có dịch Covid-19 vào thành phố tiêu thụ. Đến nay, các đơn vị trực thuộc sở đã thu mua tiêu thụ hơn 400 tấn nông sản.
Ghi nhận tại hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam cho thấy, hệ thống cũng đã bán nông sản của bà con nông dân tỉnh Hải Dương từ ngày 22-2 trên địa bàn Hà Nội (với sản lượng khoảng 5 - 6 tấn/ngày) và dự kiến sẽ đưa vào bán tại Đà Nẵng, TPHCM trong 1 - 2 ngày tới. Tại thị trường TPHCM và miền Trung, dự kiến mỗi tuần sẽ có 2 chuyến hàng giải cứu với tổng sản lượng khoảng 70 tấn.
Đề nghị Hải Phòng “mở đường” cho nông sản xuất khẩu
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, mặc dù nhiều địa phương đang tích cực hỗ trợ bà con nông dân Hải Dương tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa, nhưng do đang trong thời kỳ thu hoạch nên tỉnh vẫn còn khoảng 90.000 tấn hành, tỏi, cà rốt, rau ăn lá chưa tiêu thụ. Nhiều năm qua, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn được nuôi, trồng ở Hải Dương theo hợp đồng giữa doanh nghiệp với bà con nông dân chủ yếu để xuất khẩu. Dự kiến đến cuối tháng 2, có khoảng 80% lượng nông sản cần xuất khẩu qua cảng Hải Phòng để đưa tới các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan… theo hợp đồng và lịch tàu biển đã ký kết.
Thế nhưng hiện nay, nông sản, thực phẩm, nguyên liệu sản xuất… của các doanh nghiệp ở tỉnh Hải Dương đang gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, lưu thông từ Hải Dương ra cảng Hải Phòng. Cụ thể, mặc dù từ ngày 18-2, TP Hải Phòng đã cho phép hàng hóa từ Hải Dương được vận chuyển vào địa bàn Hải Phòng, nhưng lại ra các điều kiện khắt khe như: lái xe chở hàng từ Hải Dương phải có kết quả xét nghiệm âm tính với dịch Covid-19 “trong 3 ngày gần nhất”, phải ăn ở và quản lý tập trung; xe tải chở hàng phải có hợp đồng, đơn hàng cụ thể, được phun khử khuẩn… Yêu cầu này đã khiến nhiều xe hàng từ Hải Dương sang Hải Phòng phải quay đầu.
Từ ngày 16-2 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương liên tục có công văn gửi các bộ, ngành liên quan đề nghị hỗ trợ; đồng thời, UBND tỉnh Hải Dương đã ký 4 công văn gửi TP Hải Phòng đề nghị tạo điều kiện tốt nhất cho các container chở hàng hóa, nhất là nông sản của Hải Dương ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu. Trong đó, tỉnh Hải Dương đề nghị, đối với hàng hóa chở bằng xe đầu kéo, giải pháp là có thể đổi đầu kéo và lái xe đi từ Hải Dương bằng đầu kéo và lái xe từ Hải Phòng...
Công văn do Sở GTVT tỉnh Hải Dương gửi Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam ngày 22-2 cũng đề xuất phương án đối với xe chở nông sản của tỉnh Hải Dương chuyên chở bằng container sau khi khử khuẩn sẽ đi thẳng ra cảng để xuống hàng, lái xe và phụ xe không xuống xe. Sau khi xuống hàng xong sẽ quay lại Hải Dương ngay.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công thương đã có công văn đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh tình trạng mỗi địa phương tự áp dụng một cách như hiện nay; đồng thời, huy động các đơn vị xét nghiệm hỗ trợ những tỉnh có dịch, bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của lái xe, áp tải hàng trong thời gian ngắn nhất, hạn chế ách tắc lưu thông hàng hóa.
Đối với các địa phương, Bộ Công thương đề nghị ưu tiên tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho đội ngũ lái xe và người áp tải hàng hóa; đồng thời thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng về triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, không để tình trạng “ngăn sông cấm chợ” diễn ra trên địa bàn.