Lãi suất tăng, tỷ giá căng thẳng, nhà đầu tư trái phiếu sốt sắng tất toán trước hạn… đã đặt doanh nghiệp trước hàng loạt áp lực xoay xở dòng tiền. Rất nhiều giải pháp, kiến nghị tháo gỡ đã được gửi đến Chính phủ, cùng với Ngân hàng Nhà nước.
Dòng vốn đang mắc kẹt ở đâu?
Câu chuyện thanh khoản trên thị trường tiền tệ không phải mới. Hết quý 1/2022 câu chuyện về room tín dụng và tiếp cận vốn trên thị trường mới nổi lên rất nhức nhối. Đến giữa tháng Mười, sự kiện liên quan đến thị trường trái phiếu xảy ra, thì vấn đề tiếp cận vốn với doanh nghiệp lại càng trở nên khó khăn hơn.
Việc nhà đầu tư mất niềm tin toàn bộ vào thị trường trái phiếu dẫn đến việc rút tiền đồng loạt khiến thị trường trái phiếu không thể đáp ứng được trong một thời gian ngắn. Nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu rõ về thị trường, tham gia vì lãi suất cao nay lựa chọn cách ứng xử “gây áp lực” với tổ chức tư vấn, phân phối, nhà phát hành (tập trung đông người tại trụ sở một số công ty chứng khoán, ngân hàng) khiến hiệu ứng domino chưa ngừng lại.
Thị trường cổ phiếu cũng bị ảnh hưởng dẫn đến doanh nghiệp không thể phát hành cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu được.
Với doanh nghiệp, lãi suất và tỷ giá đều là hai gánh nặng trên vai tại thời điểm này.
Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho hay 2022 là một năm rất khó khăn với ngành thép. Trong đó, tỷ giá đã khiến các doanh nghiệp thành viên của công ty tăng chi phí từ vài chục tỷ đồng lên tới 70-80 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất thực sự đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là lý do khiến kết quả quý 3 của đa phần doanh nghiệp thép đều thê thảm.
Không chỉ lãi suất tăng, các doanh nghiệp cũng chia sẻ rất khó tiếp cận vốn do thanh khoản thị trường cạn kiệt. Theo tính toán của các chuyên gia, tính cả lượng tiền mà Ngân hàng Nhà nước hút về qua kênh bán ngoại tệ và lượng vốn đầu tư công khoảng 900.000 tỷ đồng Bộ Tài chính hút về đang nằm im trong các ngân hàng thì nền kinh tế đã bị rút về 1,5 triệu tỷ đồng.
Phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, nghẽn thanh khoản kéo dài sẽ triệt tiêu hoạt động sản xuất, kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp, ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án, qua đó cũng ảnh hưởng đến tiến độ dòng tiền thu về trong tương lai.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết nhiều ý kiến đề xuất nới trần tín dụng, song dù Ngân hàng Nhà nước nới trần tín dụng thì các ngân hàng thương mại cũng không còn vốn để cho vay ra. Hiện nay không chỉ các doanh nghiệp gặp khó khăn mà các ngân hàng cũng đang và sẽ rất khó khăn để cấp vốn cho nền kinh tế.
Theo thông lệ, ngân hàng chỉ là nơi cung cấp vốn lưu động, chủ yếu là vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, doanh nghiệp muốn huy động vốn trung, dài hạn thì phải ra thị trường vốn. Song, hiện nay thị trường vốn và thị trường tiền tệ đang mất cân đối nghiêm trọng khi xảy ra tình trạng trái phiếu chưa đến hạn đã phải trả trước hạn. Việc phải trả cả trái phiếu chưa đến hạn, buộc doanh nghiệp phải lấy cả nguồn tiền sản xuất kinh doanh, thậm chí cả vốn vay ngân hàng để trả nợ.
Nêu số liệu tín dụng 10 tháng qua tăng trưởng 11,5% trong khi nguồn vốn chỉ tăng 4,8%, ông Hùng cho rằng ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước có nới thêm "room" tín dụng thì ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay tiếp thêm.
Theo ông Hùng, hiện nay các ngân hàng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn, tính chung cả ngành bởi dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau. Do đó, để đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong thời gian tới, buộc ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất huy động đầu vào. Điều này, có thể sẽ ảnh hưởng tới việc hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Tìm điểm cân bằng để gỡ cho dòng tiền
Trước những khó khăn này, theo các chuyên gia việc gỡ điểm nghẽn cho dòng vốn là rất quan trọng. Một số chuyên gia cho rằng “tử huyệt” của thị trường vốn hiện nay chính là trái phiếu doanh nghiệp, do đó ưu tiên cần kíp nhất giai đoạn hiện nay là phải ổn định thị trường trái phiếu.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa tính toán hiện còn khoảng 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công đang bị “nhốt” tại hệ thống ngân hàng thương mại. Chuyên gia này cho rằng, nên trích một nửa trong số đó (khoảng 500.000 tỷ đồng) để lập quỹ bảo lãnh hoặc quỹ bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp như Trung Quốc, Hàn Quốc đang làm.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng về dài hạn, hỗ trợ nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào chính sách tài khóa, các đề xuất giải pháp như thành lập quỹ trái phiếu doanh nghiệp là phù hợp, trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân đang mất lòng tin với trái phiếu và nguồn tín dụng từ ngân hàng bị hạn chế.
Dù vậy, việc này không đơn giản và mất nhiều thời gian nên theo bà Lam cấp thêm room tín dụng từ nay đến cuối năm là cần thiết.
Cũng về lập quỹ trái phiếu doanh nghiệp, tiến sỹ Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng đây là kiến nghị đáng xem xét, song không dễ thực hiện.
“Cục tiền đầu tư công thuộc về tài khóa, dù chưa chi được, nhưng phải gắn với kế hoạch quyết liệt chi tiêu đầu tư công thời gian tới. Nếu chúng ta nhìn con số mấy trăm nghìn tỷ đồng thì có đóng góp rất tích cực, nhưng so với nhu cầu hiện nay thì không phải là quá lớn,” ông Thành phân tích.
Theo ông Thành, trước mắt cần phải tìm được điểm cân bằng giữa các mục tiêu, quan trọng nhất không gây ra sự đổ vỡ thị trường, bởi “nếu để vỡ trận thì cái gì cũng sẽ vỡ.”
Ông Thành chia sẻ tâm lý thị trường hiện nay là tâm lý phòng thủ rất cao, nhiều người có thể có tiền nhưng không muốn xuống tiền, nói vui trong giai đoạn này thì 'ai có tiền mặt là vua'. Đó là những lý do vì sao thanh khoản hiện nay lại khó khăn như vậy.
Theo ông, cái khó lớn nhất hiện nay là cùng lúc chúng ta phải xử lý 3 bài toán: Thứ nhất là ổn định vĩ mô. Thứ hai là tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế. Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam (dòng tiền ra, dòng tiền vào) tuy không quá khó khăn nhưng không còn đẹp như những năm trước đây. Thứ ba là câu chuyện an toàn của hệ thống ngân hàng.
Để tìm điểm cân bằng giữa các mục tiêu, theo ông Thành, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm thế giới để áp dụng thực tế tại Việt Nam.
“Vừa qua Trung Quốc đã có chương trình giải cứu bất động sản gồm 16 điều, tôi thấy tinh thần có 3 điểm cơ bản: Một là nới ít nhiều điều kiện cho vay đối với bất động sản; hai là nới ít nhiều tín dụng cấp cho người đi mua nhà ở; ba là tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu quay lại vận hành. Chương trình này khá cụ thể, tôi nghĩ là Việt Nam có thể tham khảo. Như trên phương tiện truyền thông đã nói, hiện nay Chính phủ đã có giải pháp gỡ khó từ tổng thể dòng tiền gắn với ba điều tôi đã nói, là ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống tài chính ngân hàng và phục hồi, gỡ khó cho sản xuất kinh doanh,” ông Thành chia sẻ.