Cạnh tranh sẽ gay gắt hơn
Số liệu của Hiệp hội Thép thế giới (WSA) trong tháng 8 cho thấy, sản xuất phôi thép toàn cầu tăng hơn 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, giá thép nhìn chung có xu hướng giảm. Giá thép cán nóng (HRC) Mỹ giảm 50USD/tấn, trong khi ở châu Âu giảm về dưới 450EUR/tấn - mức thấp nhất trong vòng 3 năm và thép biển Đen giảm về dưới 450USD/tấn, thấp nhất kể từ năm 2017.
Trong khi đó, giá quặng sắt tăng mạnh, từ mức 70USD/tấn lên sát mốc 125-130USD/tấn. Giá vốn sản xuất thép gia tăng trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước tăng cường mở rộng công suất, càng khiến cạnh tranh trở nên gay gắt, biên lợi nhuận giảm sút.
Giá quặng sắt trong nước tăng ảnh hưởng phần lớn do giá quặng sắt thế giới gia tăng trong thời gian qua. Yếu tố khiến giá quặng sắt tăng mạnh trong nửa đầu năm 2019 do nhu cầu của Trung Quốc gia tăng.
Bên cạnh đó, sự cố vỡ đập ở công ty sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới Vale tại Brazil, khiến hoạt động khai thác sản xuất bị buộc phải ngừng hoạt động. Ngoài ra, cơn bão Veronica ở Australia hồi tháng 3 cũng khiến các hầm mỏ khai thác quặng ở đây phải đóng cửa.
Trái ngược với xu hướng tăng của giá quặng sắt, giá sắt thép phế liệu giảm khá mạnh. Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 5,6 triệu tấn sắt thép phế liệu từ Nhật Bản, Mỹ, Australia…
Thép phế là nguồn sắt tương đối tinh khiết so với quặng sắt dù các tạp chất có thể có như kẽm (phế thép mạ kẽm), thiếc (thép mạ thiếc) và các nguyên tố khác (các phế thép hợp kim). Song công nghệ sản xuất thép hồ quang làm cho thép phế có khả năng tái sử dụng gần như 100%.
Với việc đi vào hoạt động, Formosa Hà Tĩnh đã cung cấp ra thị trường 3,3 triệu tấn HRC năm 2018 và hơn 2,1 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm 2019. Giá bán HRC của Formosa cạnh tranh hơn so với HRC nhập khẩu từ các thị trường truyền thống.
Cộng với việc khoảng cách địa lý thu hẹp, đã giúp nhiều doanh nghiệp sản xuất tôn và ống thép tiết kiệm chi phí sản xuất. Tập đoàn Hòa Phát đầu tư mạnh cho dây chuyền sản xuất cuộn thép cán nóng HRC với sản lượng 3,5 triệu tấn/năm, cũng góp phần làm nguồn cung thép HRC - nguồn nguyên liệu sản xuất thép ổn định hơn.
Cung cầu thị trường cân bằng ở sản phẩm thép xây dựng và ống thép, nhưng khá mất cân bằng ở thị trường tôn mạ. Sản phẩm tôn mạ với các đơn vị điển hình như Tôn Hoa Sen, Thép Nam Kim dù tăng trưởng tiêu thụ tôn trong nước rất tốt, với tốc độ tăng trưởng CAGR 20,5% trong suốt giai đoạn 2013-2018, nhưng các doanh nghiệp này lại đầu tư phát triển công suất sản xuất quá mức, gây mất cân đối nguồn vốn và tổng tài sản.
Tình trạng thừa cung đã dẫn tới việc các doanh nghiệp cạnh tranh nhau gay gắt bằng cách hạ giá bán. Dựa quá nhiều vào hoạt động xuất khẩu cũng là điểm yếu khác của ngành, nhất là trong bối cảnh thương mại toàn cầu bất ổn. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất tôn hiện nay mới dừng lại các khâu ở hạ nguồn có biên lợi nhuận thấp. Điều này có thể bị đe dọa khi các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh tham gia cạnh tranh.
M&A là xu thế tất yếu
M&A là xu thế tất yếu
Việc công suất gia tăng nhanh hơn sản lượng tiêu thụ đã khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng thua lỗ kể từ năm 2018 và đầu năm 2019. Ngoài Tập đoàn Thép Hòa Phát có mức biên lợi nhuận cao hơn hẳn, các doanh nghiệp trong ngành hầu hết có mức biên lợi nhuận rất thấp, dễ bị tổn thương khi trong ngành có các điều kiện bất lợi.
Cụ thể, với việc công suất tăng cao đến từ Thép Hòa Phát sẽ gây ra cuộc cạnh tranh về giá, khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ rơi vào thua lỗ trong các năm tiếp theo (Tôn Hoa Sen, Thép Tiến Lên, Thép Việt Ý, Thép Việt Đức...). Những doanh nghiệp nhỏ không có lợi thế về quy mô, các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả sẽ bị đào thải khỏi ngành.
Dẫn đầu ngành thép hiện nay có thể kể ra một số doanh nghiệp nổi bật, như CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG - HSX), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG - HSX), CTCP Thép Pomina (POM - HSX), CTCP Thép Nam Kim (NKG - HSX), CTCP Thép Việt Ý (VIS - HSX)... HSG, NKG chuyên về tôn mạ, thép dẹt trong khi Hòa Phát, POM, VIS thế mạnh chính là sản xuất thép xây dựng.
Với tình hình giá nguyên liệu đầu vào biến động, giá quặng sắt tăng cao sẽ khiến lợi nhuận của HPG tiếp tục giảm ở quý IV-2019. Chi phí lãi vay cũng là yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của HPG. Chúng ta nên nhớ, HPG vẫn là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực thép xây dựng khi chiếm 37,5% thị phần của cả nước.
Còn với HSG, doanh nghiệp này đã gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh các năm 2017, 2018 và 9 tháng năm 2019. Bị cạnh tranh mạnh trong ngành cùng với tình hình kiểm soát chi phí lỏng lẻo, đầu tư không hiệu quả, là những nguyên nhân khiến tình hình sản xuất kinh doanh giảm mạnh.
Hiện nay, HSG đang tích cực trong việc tái cơ cấu lại hệ thống chi nhánh/cửa hàng, nhờ đó giúp cắt giảm chi phí. Cộng với việc giá HRC trong nước giảm đang là yếu tố hỗ trợ tích cực trong trung hạn đối với tập đoàn này.
Trong khi đó, với VIS, giai đoạn 2013-2015 khi sáp nhập với luyện thép Sông Đà, doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động thoái vốn của Tập đoàn Sông Đà với sự tham gia của cổ đông chiến lược Thái Hưng, đã giúp Thép Việt Ý chuyển mình trong giai đoạn 2016-2018. Cùng với sự tham gia của cổ đông lớn Nhật Bản (Kyoei Steel Ltd) và lợi thế trong lĩnh vực thép xây dựng, VIS sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh trong giai đoạn tới.
Triển vọng giai đoạn 2020-2022
Triển vọng giai đoạn 2020-2022
Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh và phát triển các dự án bất động sản. Định hướng chiến lược của Chính phủ vẫn hướng tới các hoạt động sản xuất công nghiệp và nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu cảng, với các đại dự án đang được xem xét triển khai như đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, hệ thống tàu điện ngầm, sân bay Long Thành…
Thị trường bất động sản là yếu tố tác động mạnh nhất lên cầu tiêu thụ thép xây dựng dân dụng. Theo ước tính của chúng tôi dựa trên giá trị doanh thu và thị phần của các doanh nghiệp xây dựng lớn trên thị trường, xây dựng dân dụng phục vụ doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng 50% tổng giá trị xây dựng dân dụng.
Hệ thống cơ sở hạ tầng nước ta hiện vẫn còn khá yếu kém, trong khi các dự án tiêu điểm lớn nêu trên hiện vẫn chưa hoặc đang triển khai, chưa hoàn thiện. Vì vậy, nhu cầu thép dành cho cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục tăng trong ít nhất 10 năm tới.
Mức thuế áp dụng với các sản phẩm thép phần nào đang bảo vệ được sản xuất thép trong nước. Việc gia hạn mức thuế chống bán phá giá với thép dài Trung Quốc (kể từ tháng 3-2019), thậm chí ngay cả trong trường hợp thuế chống bán phá giá chưa được gia hạn ngay, giá bán thép của Việt Nam thấp hơn các sản phẩm tại Trung Quốc.
Nếu như thị trường Trung Quốc gặp khó khăn, các nhà sản xuất thép nước này phải bán tháo sản phẩm, khi đó Việt Nam sẽ tiếp tục có lý do để áp thuế tự vệ.